Đến thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du

Mỗi năm, rất nhiều đoàn khách đến thăm viếng lăng mộ cũng như tìm hiểu thêm về Nguyễn Du ở Khu lưu niệm (KLN) thuộc làng Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây cũng lưu giữ hàng ngàn hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào.

Được biết KLN Nguyễn Du bắt đầu hình thành từ năm 1960 và được được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia. Đặc biệt, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng KLN Nguyễn Du là Di tích Quốc gia đặc biệt. KLN này có không gian khá rộng rãi với khu vườn xanh mát và một số ngôi nhà gỗ mang đặc trưng kiến trúc của vùng Bắc Trung bộ thế kỷ XVIII. Tại KLN có trưng bày nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du. Vì vậy, nơi đây cũng trở thành địa điểm hấp dẫn cho du khách tham quan và giới nghiên cứu văn hóa.

Tổng diện tích KLN khoảng 28.500m2. Xưa kia, đây là một trong những bãi cát bồi (cồn mộc bình sa) thuộc một trong những cảnh đẹp nổi tiếng của đất Nghi Xuân. Theo sử sách ghi lại, năm 1592, Nguyễn Nhiệm - một tướng giỏi của nhà Mạc, tìm về đây ẩn dật, khai phá và trở thành vườn gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền.

Đến đời Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản (cha và anh của Nguyễn Du) là những người giữ vị trí lớn dưới triều Lê - Trịnh đã xây cất trong khuôn viên các công trình kiến trúc như dinh thự, bia ký,... Năm 1971, Nguyễn Quýnh (anh ruột Nguyễn Du) nổi dậy chống phong trào Tây Sơn, quan hiệp trấn Nguyễn Quang Dụ đã cho quân đốt phá, chỉ còn sót lại một ít dấu tích.

Năm 1962, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định chọn khuôn viên của gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền làm KLN Nguyễn Du. Năm 2001-2003, KLN được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang hơn. Cho đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo KLN Nguyễn Du, gồm KLN và vùng bảo tồn cảnh quan nhằm phát huy các giá trị của KLN, mong muốn sẽ xây dựng KLN này trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của quốc gia gắn với giá trị thi ca của Nguyễn Du cùng các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, từ đây hình thành các tuyến du lịch liên kết di tích, tạo không gian tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa và truyền thống. Sau 8 năm tiến hành tu bổ, đến nay, các nhóm dự án tôn tạo tại KLN đã hoàn thành gồm nhà thờ Nguyễn Du, văn thánh, chùa Trường Ninh, đình Chợ Trổ, nhà bình văn, nhà thờ họ Nguyễn - Tiên Điền,...

Vào Khu lưu niệm sẽ thấy ngay tượng đài được đúc bằng đồng, cụ Nguyễn Du được khắc họa mang khăn đóng, áo dài, tay cầm bút lông, toát lên thần thái nho nhã của Đại thi hào dân tộc

Vào KLN sẽ thấy ngay tượng đài Nguyễn Du được đúc bằng đồng với chiều cao 1,5m được đặt trên bệ đá cao. Cụ Nguyễn Du được khắc họa mang khăn đóng, áo dài, tay cầm bút lông, toát lên thần thái nho nhã của Đại thi hào dân tộc. Bức tượng đồng này có từ năm 2002 do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thể hiện. Khu vực phía sau tượng đài là dãy nhà bảo tàng chứa đựng hàng ngàn hiện vật. Nhiều di vật, hiện vật có niên đại hơn trăm năm.

Đặc biệt, tại đây có trưng bày bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng và sưu tập sách viết về Nguyễn Du,... Ngoài ra, có trên 500 ấn phẩm nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du.

Phiên bản mộc bản về Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới

Nhờ đó, KLN càng tăng giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học,... giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc trưng bày hiện vật ở KLN vẫn thiếu ấn tượng. Ban Quản lý KLN Nguyễn Du nhìn nhận ra điều này và có đề xuất đưa công nghệ số vào việc trưng bày nhưng chưa được thực hiện. Bước vào KLN có phòng bán sách nghiên cứu, thơ, văn về Đại thi hào nhưng cũng thưa thớt và còn đơn điệu. Ngoài ra, các bảng chỉ dẫn, bảng giới thiệu cho phần nhiều các di tích trong KLN còn rất ít nên nếu không có hướng dẫn viên thì khách tham quan khó có thể nắm bắt các công trình.

Riêng khu mộ của Đại thi hào nằm giữa cánh đồng Cùng cách KLN trên 1km. Bia mộ bằng đá khắc dòng chữ “Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du”. Mộ hình khối chữ nhật, cao 1,2m, rộng 1,3m, dài 2,3m./.

Nguyễn Hà

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/den-tham-khu-luu-niem-nguyen-du-a159248.html