Đến Thanh Hà nặn gốm...

Chị bán vé vào cổng 15.000 đồng/người bảo: "Khi đi đến cuối làng đưa vé sẽ được tặng một món quà". Có 15 ngàn mà được tặng một món quà ai lại không thích? Khách đi theo hướng dẫn, len vào các con đường, đi qua các ngôi nhà làm gốm... Chẳng thấy cổng soát vé ở đâu, chỉ ở điểm cuối cùng, thấy tấm bảng ghi "Nhận quà lưu niệm" mới vào đưa vé để lấy. Đó là một con tò he bằng đất, khi nãy mua ngoài các gian hàng giá 5.000 đồng. Vâng, chỉ là con tò he nhưng mấy vị khách Đài Loan thích thú ra mặt, vì nó được bỏ trong một cái hộp trang trọng. Một con tò he thôi nhưng tạo niềm vui cho du khách, một cách PR làng gốm truyền thống Thanh Hà và người dân ở đây có thêm thu nhập.

Phơi gốm.

Phơi gốm.

Tôi đã đi qua nhiều làng gốm. Từ Bàu Trúc (Bình Thuận), Lư Cấm (Nha Trang) và cả làng gốm cổ Bát Tràng bên sông Hồng hay làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương)... Mỗi làng gốm mang dáng dấp, tạo sức hút riêng của mình. Nhưng làng gốm Thanh Hà lại hoàn toàn khác, không giận dữ khi khách chụp hình, khách không phải trả tiền tập nặn gốm, tiếng mời chào mua gốm chỉ gọi là xã giao chứ không chèo kéo, như một chủ nhân một nhà gốm nói "Chúng tôi không được phép lấy tiền, chỉ cần bị báo cáo là chúng tôi bị phạt hoặc phải đóng cửa". Đôi khi, để giữ cái hồn làng nghề là ở chỗ đó.

Người ta bảo Thanh Hà đã vào tuổi 600. Cái tuổi làng gốm trải qua 6 thế kỷ nổi danh nhất chính là con tò he bằng đất nung đơn giản mà ta hay gặp những người bán rong ở phố cổ Hội An đôi khi bày trong một chiếc mẹt, ngồi bên hè phố, lấy con tò he thổi ra âm thanh mời khách. Và dễ chừng đến 600 năm sau, có một hậu sinh như tôi nhón chân bước qua những con đường ngang dọc ở Thanh Hà, ghé chỗ này, đến chỗ nọ chỉ ngắm nhìn gốm. Vào nhà nào cũng bày một bàn xoay gốm, ngồi mà xoay, xoay ra cái gì cũng được, chủ yếu để chụp hình cho biết mình ở nơi này. Nhà nào cũng có vòi nước và khăn sạch cho khách rửa tay sau khi nặn đất. Khách có thể vào hàng gốm, nhìn những tượng phù điêu, không mua cũng được, mà có mua thì chủ nhà đóng gói cẩn thận vì biết khách ở xa. Món hàng bán chạy nhất có lẽ là con tò he, đẹp một tí giá 10 ngàn đồng/ con, đơn giản thì 5 ngàn đồng/con. Một món quà du lịch đã rẻ mà lại là đặc trưng của làng gốm. Rồi vòng ra bến tàu, con sông Thu Bồn đang mênh mông có những chiếc thuyền sẵn sàng đón khách dạo chơi ra Cửa Đại. Không thích thì vòng ra, thăm Công viên Văn hóa Đất nung ở Hội An, tất nhiên là phải mua vé vào cổng 30 ngàn đồng để lang thang trong khuôn viên rộng gần 6.000m2.

Bảo tàng gốm Thanh Hà.

Công viên gốm bao gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. Sau khi mua vé, khách vào trong tòa nhà tham quan. Không kể ở đây về sự xếp đặt từng khu trưng bày của các làng gốm, mà chính là cách thiết kế độc đáo, ánh sáng tự nhiên len vào, gợi cho khách tham quan một cảm giác đầy ấn tượng. Và có lẽ điểm khách nhắm đến chính là khu vực ngoài trời với những mô hình gốm mô phỏng tất cả các kiến trúc thế giới. Tháp nghiêng Pisa (Ý), Đền Taj Mahal (Ấn Độ), White House (Mỹ), Kim Tự Tháp (Ai Cập),...

Cuộc hành trình thú vị hơn khi có chiếc xe điện chờ sẵn, khách lên xe hoàn toàn miễn phí, xe chở khách ra khu chợ để đón xe về Hội An. Và chắc chắn trong hành trang ghé thăm làng gốm Thanh Hà ai cũng mang về cho mình một vài món đồ gốm, vài con tò he... cùng nụ cười thân thiện của người dân làng gốm Thanh Hà.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_218123_den-thanh-ha-nan-gom.aspx