Đền thờ phiến đá in hình đầu người - Điểm đến văn hóa tâm linh

Huyền tích nàng Bình Khương đập đầu vào phiến đá kêu oan cho chồng, ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta không khỏi xót xa và cảm phục.

Đền thờ nàng Bình Khương tọa lạc bên bờ Thành Nhà Hồ, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ngôi đền này tồn tại hơn 600 năm nay. Vào những ngày rằm hàng tháng, người dân địa phương lại đến thắp hương cầu được bình an, hạnh phúc, ấm no. Hiện ở ngôi đền đang lưu giữ một phiến đá kỳ lạ có in hình giống như đôi bàn tay và chiếc đầu của một người phụ nữ, mà người dân cho rằng đó là vết tích đập đầu tự tử kêu oan cho chồng của nàng Bình Khương.

Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía Đông thành nhà Hồ

Vào thế kỷ 14, khi giặc Minh đang lăm le xâm chiếm cửa ải phía Bắc, những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải Cao Bằng, Lạng Sơn mấy lần báo cháy khiến vua quan nhà Trần không khỏi lo sợ.

Để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn (Thành Nhà Hồ bây giờ), Hồ Quý Ly đã huy động dân phu đào đắp tới 80.000m3 đất, khai thác tới 20.000 - 25.000m3 đá phiến xây thành, có phiến nặng đến vài chục tấn. Một công trình kỳ vĩ như vậy được xây dựng trong thời gian rất ngắn.

Tương truyền vào thời đó, ở vùng đất này có chàng Cống sinh Trần Công Sỹ là người được Hồ Quý Ly tin tưởng, giao phó trọng trách giám sát, đốc thúc xây bức tường thành ở phía Đông. Dân quân làm việc ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ hoàn thành "kinh đô bất khả chiến bại". Trong khi các bức tường thành khác đã hoàn thiện, đảm bảo thi công thì đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách xây gần xong lại sập không rõ nguyên nhân.

Thành chưa xây xong đã đổ, khiến cho nhà vua tức giận vô cùng. Nghi ngờ Trần Công Sỹ mưu phản, cố ý chậm trễ công việc xây thành, Hồ Quý Ly bèn hạ lệnh cho quân lính chôn sống chàng vào vị trí bức tường thành bị đổ.

Nghe tin chồng bị xử oan, nàng Bình Khương vô cùng đau xót, tức tốc khăn gói đi kêu oan. Đến nơi chồng bị chôn sống, Bình Khương đã liều mạng lao tới bức tường đá, dùng toàn bộ sức lực để xô đổ những tảng đá để tìm xác chồng. Cuối cùng, chẳng còn cách nào khác, Bình Khương đành liều mạng đập đầu vào tường đá tự vẫn theo chồng. Cũng do cái chết tiết liệt của nàng Bình Khương mà triều đình mới xem xét lại và Trần Công Sỹ đã được minh oan.

Phiến đá in hình đầu người được thờ trong đền

Theo dân gian truyền lại, dấu tay và đầu nàng Bình Khương đập vào đá đã để lại dấu vết lõm trên đá rất rõ. Thế rồi suốt từ khi đó về sau khách xa gần hàng năm kéo về xem rất đông. Đến thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), viên Hào lý làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn, dân kéo đến nhiều gây nhiễu sự cho làng đã thuê một thợ đào phiến đá đó đem chôn kỹ. Công việc được làm bí mật vào đêm khuya.

Tuy nhiên, sau đó ít ngày người thợ đào phiến đá đó đã chết vì một căn bệnh lạ, còn viên Hào lý cũng đột tử không rõ nguyên nhân. Vì chuyện đó mà Tri Phủ Quãng Hóa là Doãn Thước hay tin đã sai lính đi tìm, đào phiến đá lên đưa về chỗ cũ. Ông còn cho khắc dòng chữ: “Trần triều Cống sinh Bình Khương nương phu nhân chi thạch”.

Năm 1903, Vương Duy Trinh là tổng đốc Thanh Hóa đã đến làng Đông Môn kêu gọi quyên tiền của xây dựng đền thờ nàng Bình Khương, phía trong hậu cung đền được dựng trên phiến đá có dấu tích của nàng Bình Khương khi đập đầu vào đá. Ông còn cho dựng bia ghi lại sự tích về cái chết của nàng Bình Khương và Trần Công Sỹ.

Thành nhà Hồ là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách những ngày đầu xuân

Từ khi đền được dựng lên, hàng năm lượng khách đến viếng ngày một đông, quanh năm bốn mùa hương khói nghi ngút.

Theo người dân địa phương, ngôi đền này rất linh thiêng. Vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng người dân trong làng lại tới thắp hương cầu được mạnh khỏe, hạnh phúc như mối tình thủy chung của nàng Bình Khương. Nhất là những đôi bạn trẻ đang yêu nhau, họ thường xuyên đến cầu hạnh phúc.

Hiện nay, đền thờ nàng Bình Khương đã được trùng tu lại khang trang từ năm 2009 nhằm mục đích bảo tồn, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Đồng thời bày tỏ tấm lòng tri ân, tôn kính đối với tiết hạnh, phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã coi cái chết tựa lông hồng để đấu tranh cho công bằng xã hội.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/du-lich/den-tho-phien-da-in-hinh-dau-nguoi-diem-den-van-hoa-tam-linh-501166.html