Đến từng nhà hát sắc bùa chúc mừng xuân mới

Đầu Xuân, đội hát sắc bùa thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam), lại đến gõ cửa từng nhà hát sắc bùa chúc cho gia chủ một năm mới mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc, phát tài, phát lộc, con cháu sum vầy...

Như thường lệ, cả đội hát sắc bùa làng Lệ Bắc áo dài, khăn đóng bảnh bao, mang trống, thanh la, sinh tiền “xông đất” chúc Xuân từng nhà. Đến ngõ những ngôi nhà đầu thôn, ông Trương Văn Tám (58 tuổi) xướng to: “Mở ngõ đà đặng chân bước vào đây/ Giã ơn trước chủ, sau thầy/ Có ham vui thì chống cửa này/ Khai môn mở cửa…”.

Nếu gia chủ nào “ghẹo” không mở, ông Tám lại buông những câu hát treo ghẹo cho đến khi gia chủ chịu mở ngõ mới thôi. Sau tiết mục biểu diễn hát sắc bùa “Mở ngõ”, “Mở cửa”, đội hát sắc bùa của ông Tám tiếp tục các bài “Khai môn”, những bài hát với nội dung chúc xuân, chúc Tết, chúc gia chủ làm ăn phát đạt ứng với từng nghề, như những người làm nông thì được mùa, đầy ắp lúa khoai; người làm nhà mới thì hạnh phúc, phát đạt; người kinh doanh buôn bán thì đắt hàng tiền bạc rủng rỉnh; dân chài đánh cá ngày nào cũng được nhiều; người ốm đau thì mau khỏi bệnh...

Hát sắc bùa là nét đẹp văn hóa không thể thiếu ở làng Lệ Bắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Hà Vy.

Hát sắc bùa là nét đẹp văn hóa không thể thiếu ở làng Lệ Bắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Hà Vy.

Theo lời ông Tám, ở làng Lệ Bắc, hát sắc bùa đã có từ xa xưa và truyền từ đời này sang đời khác. Dù cuộc sống ruộng đồng lam lũ, cơ cực nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về người dân Lệ Bắc vẫn không quên tổ chức hát sắc bùa. Và, cho mãi đến nay, những nghệ nhân hát sắc bùa lớn tuổi trong làng dần dần “về với tổ tiên”, thì sắc bùa được truyền lại cho lớp trẻ để không bị mai một.

May mắn ông Tám được theo cha là nghệ nhân Trương Tích đi hát sắc bùa từ khi mới lên 10 tuổi đến nay vẫn luôn đau đáu với những truyền thống đẹp, quý báu mà cha ông để lại nên dù gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ và sự lấn át của các loại hình giải trí khác, song ông vẫn cố gắng lưu giữ hát sắc bùa và tích cực truyền dạy lại cho con, cháu trong làng.

Mỗi năm đến độ Xuân về, hoàn thành xong vụ gieo trồng Đông - Xuân, ông Tám lại cùng anh em trong đội hát sắc bùa của thôn Lệ Bắc tất bật chuẩn bị cho nội dung hát chúc Tết, chúc Xuân để sẵn sàng “xông đất” các gia đình trong thôn, cố gắng truyền giữ hát sắc bùa, giữ phong tục truyền thống, hương vị ngày Tết của quê hương.

Theo đoàn hát sắc bùa làng Lệ Bắc còn có ông Nguyễn Xuân Phú. Dù năm nay đã ngoài tuổi 80, sức khỏe không được tốt để tiếp tục hát sắc bùa nhưng ông Phú vẫn không từ bỏ, tiếp tục làm “cố vấn” cho đội, truyền đạt những điệu hát sắc bùa cổ lại cho con cháu.

Ông Phú cho biết, trước đây thời cha ông là hát bùa chữ chứ không phải hát bùa câu như bây giờ. Những bài bùa chữ là bài hát cổ đến nay đã thất truyền. Nhạc cụ là trống sấm, kèn tiểu hay đàn cò. Còn bây giờ thay vào là những bộ sinh tiền. Đội hát sắc bùa xông đất các gia đình đầu năm mới của làng Lệ Bắc giờ đây có 7 người, 1 người hát chính gọi là Cái, 6 hát phụ gọi Con, trong đó Cái đánh trống, Con đánh thanh la, sinh tiền...

Đội hát sắc bùa đầu năm mới sẽ đi hát quanh làng cho đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Ngoài việc hoạt động trong làng, xóm đội còn phục vụ bà con ở các làng, xã lân cận. Không chỉ hát phục vụ dịp Tết, những ngày xã tổ chức kỉ niệm, hội nghị hoặc bà con cúng đình, giỗ tộc mời, đội hát sắc bùa cũng sẵn sàng.

“Hát sắc bùa không chỉ cầu may, cầu an cho gia đình đầu năm mới mà còn là gìn giữ một truyền thống, một nét đẹp văn hóa đáng quý của người dân quê hương. Địa phương đang cố gắng gìn giữ, tạo điều kiện để tiếp tục giữ nét đẹp truyền thống này, truyền lại cho các thế hệ mai sau”, ông Hồ Xuân Tám, Trưởng thôn Lệ Bắc cho biết thêm.

Hà Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/den-tung-nha-hat-sac-bua-chuc-mung-xuan-moi-579779/