Đến với bài thơ hay: Hoa đón đường cô lên…

Tết Nguyên đán mở đầu một năm âm lịch có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng nhất trong các lễ tiết của người Việt.

Ảnh minh họa.

Vương Trọng

Về Tết

Cô về xuôi ăn Tết

Em leo ngược bản Mông

Chia tay chiều mưa rét

Mây kín trời Pha Long

Thương mái trường ở lại

Bàn ghế vẫn hơi người

Thương mái bếp tê tái

Rét quắt queo xoong nồi

Rét trơ lá cành đào

Rét trơ xương cành mận

Đào, mận vẫn canh trường

Biết vâng lời cô dặn

Ra Giêng đầy hoa thắm

Nở đón đường cô lên.

________

(Theo “Mèo đi câu” - thơ thiếu nhi

Vương Trọng - NXB Đà Nẵng 1995)

Về nhà dịp Tết là nét phong tục đẹp và rất quen thuộc với những ai công tác, làm việc, học tập nơi xa. Bài thơ “Về Tết” của nhà thơ Vương Trọng (sinh 1943 - Nghệ An) viết về cuộc chia tay rất cảm động của thầy và trò tại một điểm trường vùng cao, để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.

Bài thơ được viết trong những năm đầu 1990. Hồi ấy, đời sống của nhân dân ta nói chung còn khó khăn hơn bây giờ, đặc biệt là các thầy, cô giáo và học sinh vùng sâu, vùng xa.

Thiên về kể chuyện, rất dung dị, bài thơ mở đầu là những câu nói về việc giáo viên và học sinh về Tết, chỉ có điều theo hai chiều không gian trái ngược nhau:

Cô về xuôi ăn Tết

Em leo ngược bản Mông

Chia tay chiều mưa rét

Mây kín trời Pha Long.

Thể thơ ngũ ngôn được sử dụng ở bài thơ này rất hợp với phong cách tự sự, nhà thơ nói về cô giáo và các em trong buổi chia tay “chiều mưa rét” ấy. Trong khi cô giáo sẽ xuôi đường về quê hội ngộ cùng gia đình thì các em học sinh cũng “ngược bản Mông” sum họp cùng cha mẹ, người thân.

Giống như người Kinh, người Mông ăn Tết Nguyên đán to nhất trong năm, đón Tết sớm hơn. Đoạn thơ nói đến Pha Long, đó là một xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mường Khương, thuộc tỉnh Lào Cai, cách trung tâm huyện lỵ mấy chục km.

Cô - trò chia tay về Tết, chỉ có mưa rét và mây trời chứng kiến. Người về xuôi và người đi ngược rồi đây sẽ được hưởng niềm vui ấm áp, sum họp đông vui. Chỉ những ai ở lại là không. Cảm xúc thơ vì thế mà chợt buồn.

Bởi mái trường và căn bếp, hai đối tượng ấy như ngôi nhà tổ ấm thứ hai, từng chở che nắng mưa, gió rét trong cuộc sống bình dị nhưng đầy ắp kỷ niệm học đường của thầy và trò, mang no ấm và niềm vui cho mọi người biết bao tháng ngày. Vậy mà giờ đây, ngôi trường và căn bếp ấy “ở lại” chẳng được về Tết, chỉ vắng lặng và giá rét vây quanh. Trong lòng cô giáo và các em đều chung cảm xúc:

Thương mái trường ở lại

Bàn ghế vẫn hơi người

Thương mái bếp tê tái

Rét quắt queo xoong nồi.

Nhà thơ đã rất sáng tạo trong việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa trong bài và phép dùng chủ ngữ ẩn. Bên cạnh đó, cách dùng từ láy ở đây thật đắt giá. Nói “tê tái” là nói tới sự thương cảm, đau xót đến lặng người.

Còn “quắt queo” là nói tới tâm trạng buồn rũ, gầy nhỏ đi. Ngôi trường và căn bếp nhờ đó cũng như có tâm hồn, cảm xúc. Điệp từ “thương” hai lần nhấn mạnh: Cô và trò thường ngày là những người sống tình cảm, giàu tình yêu thương và lòng trắc ẩn nên nay chia tay lớp học mới có cái nhìn ấy, thái độ và cảm xúc ấy.

Không bó hẹp và dừng lại ở đó, tình yêu thương của con người còn lan tỏa ra cây cối và cảnh vật xung quanh:

Rét trơ lá cành đào

Rét trơ xương cành mận

Đào, mận vẫn canh trường

Biết vâng lời cô dặn.

Lúc này đào, mận đang thu mình lại để chống chọi cái rét cắt da, cắt thịt nhưng vẫn kiên cường “canh trường”, bảo vệ nơi học không cho người xấu phá phách. Đào mận cũng như các học trò trai và gái luôn nhớ và làm theo, nghĩa là biết “vâng lời cô dặn”.

Ảnh minh họa/INT.

Chia tay các em, hẳn cô giáo không quên dặn dò các em những điều cần nhớ, những việc cần làm dịp Tết. Cách dùng kiểu câu điệp cú pháp kết hợp với điệp từ “Rét trơ lá cành đào/ Rét trơ xương cành mận” gợi tả, gợi cảm và nhấn mạnh thêm mùa đông trên núi rừng Tây Bắc lạnh hơn ở dưới xuôi rất nhiều. Hình ảnh đó khơi gợi trong tâm trí người đọc hình ảnh những em nhỏ vùng cao co ro những manh áo mỏng trong những ngày rét đậm…

Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối chỉ có hai câu thơ vừa bất ngờ, vừa thú vị, lời ít nhưng ý thơ được nhấn mạnh hơn:

Ra Giêng đầy hoa thắm

Nở đón đường cô lên.

Tiếp nối mạch thơ, chủ ngữ (ẩn) ở đây là đào, mận, những sứ giả báo tin xuân. Hai loại cây này được trồng rất nhiều ở vùng cao, hoa màu hồng và trắng tinh khôi, tuyệt đẹp. Dưới con mắt đầy tin yêu, “hoa thắm” ấy nở là để đón chào cô giáo sau Tết lại lên với bản mường và chúng em.

Hóa thân vào tâm trạng, cảm xúc của em học trò vùng cao, chỉ mười bốn câu thơ cô đọng, giàu hình ảnh mang đậm chất hồn nhiên và lối nghĩ trực cảm của thiếu nhi, nhà thơ đã tái hiện cuộc chia tay về Tết của cô và trò thật bình dị mà ấm áp.

Bài thơ toát lên niềm tin tưởng, tình yêu thương và tấm lòng biết ơn cô giáo, những người mẹ thứ hai dành tâm huyết và tuổi xuân ngày đêm cõng chữ lên non, khai mở tâm trí cho học trò vùng sâu, vùng xa. Ở một chừng mực nhất định, bài thơ còn gửi đi thông điệp hãy quan tâm và tin tưởng hơn nữa giáo dục vùng cao.

Nguyễn Thị Thiện (nguyên Hiệu phó Trường THPT Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-hoa-don-duong-co-len-post623168.html