Đến với Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long

Khi nhắc tới Quảng Ninh, có lẽ nhiều người vẫn chưa biết rằng bên cạnh Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì Quảng Ninh còn có Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long với những giá trị độc đáo về văn hóa và đa dạng sinh học.

Phó Giám đốc Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long Phan Thanh Nghị vui vẻ nhận lời dẫn chúng tôi đi tham quan, trải nghiệm Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đi cùng đoàn còn có anh Phạm Xuân Phương, Trưởng phòng Bảo tồn biển - người được anh em hay gọi đùa bằng cái tên “Thần biển” vì sự gắn bó và am hiểu từ những luồng lạch đến các vùng nước trong Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Những dãy núi đá với hình thù độc đáo nằm yên bình trong Vườn di sản.

Xuất phát từ cầu cảng Cái Rồng (Vân Đồn) từ sáng sớm, khi những tia nắng ban mai chiếu nhẹ trên mặt biển xanh khiến những ngọn sóng như lấp lánh ánh bạc đang vui vẻ nô đùa. Nhìn những dãy núi trập trùng, anh Phan Thanh Nghị chỉ cho tôi ranh giới của Vườn quốc gia Bái Tử Long và giới thiệu cho chúng tôi nghe về Vườn di sản ASEAN.

Chương trình Vườn di sản ASEAN là một trong những sáng kiến của Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, được triển khai thực hiện từ năm 2002. Vườn quốc gia Bái Tử Long là vườn di sản thứ 38 của ASEAN, có tổng diện tích 15.283ha, trong đó diện tích biển chiếm 9.581ha, diện tích các đảo nổi chiếm 5.702ha; bao gồm 2.212 loài động, thực vật, trong đó 108 loài sinh vật được ghi nhận trong Sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam... Theo khảo sát, Vườn có trên 178 loài thực vật thủy sinh, 119 loài cá, 132 loài động vật không xương sống, 106 loài san hô trú ngụ, sinh trưởng tại vùng biển, bãi triều, vụng áng và hàng chục loài chim săn mồi đặc hữu như: Diều hâu Miến Điện, chim ưng Nhật Bản, diều hâu đen, chích chòe lửa, bìm bịp lớn, đớp ruồi Hải Nam…

Những dãy núi bao bọc thành vòng cung tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái tùng áng.

Cấu tạo địa chất của Vườn quốc gia Bái Tử Long bao gồm những đảo đất nằm xen kẽ với đảo đá như: Ba Mùn, Trà Ngọ Lớn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Động, Đông Ma, Hòn Chính, Lò Hố, Máng Hà Nam, Máng Hà Bắc, Di To, Chầy Cháy, Đá Ẩy, Soi Nhụ… Có những dãy núi đá vôi vây quanh những thung lũng rộng lớn tạo thành những tùng, áng, là môi trường sống phong phú của nhiều loại động thực vật khác nhau.

Tôi đã từng nghe ai đó ví Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long là một kho báu sinh quyển mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất Vân Đồn ngàn năm lịch sử. Và nếu chưa đi và chưa đến, có lẽ bạn sẽ hoài nghi về điều ấy. Còn tôi, đi để khẳng định!

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là hang Soi Nhụ, cách cảng Cái Rồng chừng 8km được các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật năm 1967. Anh Phạm Xuân Phương chia sẻ thêm với tôi nhiều thông tin về văn hóa Soi Nhụ. Hang Soi Nhụ được phân thành 3 ngăn. Những di vật tìm thấy ở hang Soi Nhụ gồm 2 công cụ đá ghè đẽo, 3 rìu đá mài, 2 hòn cuội tự nhiên, 2 mảnh bàn mai, 1 chày đá. Đồ gốm hang Soi Nhụ đều là những mảnh vỡ vụn, có hai mảnh tương đối lớn của một chiếc nồi. Theo các nhà khảo cổ, người Việt cổ đã sống tại hang Soi Nhụ vào khoảng 1 vạn năm trước. Họ sống bằng thu lượm nhuyễn thể biển, hái hoa quả, có thể cả săn bắn...

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của thiên nhiên với những núi đá có hình thù như những đồ vật, con vật ngộ nghĩnh như hòn Đũa, hòn Thiên Nga… và những cánh rừng nhiệt đới nhấp nhô uốn lượn. Màu xanh của rừng, của biển và của mây trời như cùng giao hòa, khiến cho ai cũng có cảm giác thư thái, quên đi những lo âu thường nhật để được thưởng thức trọn vẹn niềm vui khi hòa mình vào thiên nhiên.

Quả thật, Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long có các sinh cảnh điển hình của các hệ sinh thái núi đất, núi đá vôi và biển đặc trưng cho vùng sinh địa Đông - Bắc Việt Nam. Chúng tôi như lạc giữa mênh mang sắc xanh của biển, của rừng. Anh Phan Thanh Nghị cho chúng tôi biết về các hệ sinh thái, rừng cây lá rộng thường xanh trên núi đất; rừng cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi, rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển của Vườn. Đặc biệt, các hệ sinh thái tùng, áng chỉ có thể tìm thấy tại khu vực này và khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Cát Bà. Có thể nói, ít nơi nào trên thế giới có thể tìm thấy được nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên độc đáo và điển hình như ở đây. Đặc biệt, sự phong phú về các hệ cũng như kiểu hình sinh thái và sinh cảnh đã tạo nên những nơi sống quan trọng cho nhiều loài động, thực vật khác nhau cả ở đất liền, núi đá vôi, nước ngọt, nước lợ và biển. Cùng với những vẻ đẹp về cảnh quan, Vườn quốc gia Bái Tử Long với sự phong phú về địa hình, địa mạo và địa chất còn là một trong những vườn quốc gia có giá trị đa dạng sinh học cao.

Mặc dù tổng diện tích vườn quốc gia không lớn, chỉ trên 15.000ha nhưng có đủ 3 hệ sinh thái cơ bản: Rừng trên cạn, đất ngập nước và biển, với diện tích đủ lớn cho các khu hệ động, thực vật rừng - biển sinh sôi, phát triển. Hiện nay Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long đang được chia thành 3 phân khu chính. Trong đó có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm trên phần lớn diện tích các đảo: Ba Mùn, Sậu Nam, Sậu Đông, Trà Ngọ. Tổng diện tích 4.064,9ha. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác lập có diện tích vừa đủ để bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên, đáp ứng quy luật phát triển tự nhiên của rừng và hệ sinh thái tự nhiên. Phân khu phục hồi sinh thái được quy hoạch có diện tích nằm trên một số đảo chính như: Trà Ngọ lớn (phần đảo đất), Trà Ngọ nhỏ, Đông Ma, Hòn Chín, Hòn Vành, Lỗ Hố, Soi Nhụ. Tổng diện tích 2.060ha. Đây là bộ phận của khu rừng đặc dụng được xác lập để khôi phục các hệ sinh thái nhằm phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên. Phân khu phục hồi sinh thái được quản lý có tác động bằng một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh và bảo tồn kết hợp với tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định. Và phân khu thứ 3 là phân khu dịch vụ - hành chính là bộ phận của khu rừng đặc dụng được xác lập chủ yếu để xây dựng các công trình làm việc, sinh hoạt của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cứu hộ và phát triển sinh vật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái...

Hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú cũng tạo ra những giá trị khác biệt của Vườn di sản ASEAN - Bái Tử Long.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là vụng Lỗ Hố. Trước mắt tôi là một nhà bè nho nhỏ và 2, 3 chiếc tàu cá nhỏ đang neo đậu. Tiếng chào hỏi ríu rít, vồn vã của cậu bé chủ nhà với các cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long làm không khí thêm vui vẻ. Cậu bé cho biết ông nội đã chèo thuyền vào áng hái rau, quả từ sáng sớm, giờ chắc cũng sắp trở ra. Quả thật, sau vài phút theo hướng tay cậu bé chỉ, chúng tôi thấy một ông lão đang chèo thuyền, trên thuyền nào chuối, nào bưởi.

Tuy dáng người nhỏ nhắn nhưng khỏe mạnh và thân thiện, lão ngư tên Thao vui vẻ cho chúng tôi biết: Nhà tôi ở Cái Rồng nhưng tôi đã ra đây sống được hơn 30 năm rồi. Lúc thì buông cần thả câu, lúc thì lên đồi rẫy cỏ trồng cây mà nay, khu vườn của tôi cũng có hàng trăm gốc bưởi, hàng ngàn gốc cam rồi chuối, chanh…

Tranh thủ vừa trò chuyện, chúng tôi vừa thả câu. Lúc này, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu. Ông Thao nhìn chúng tôi buông cần, cười nói: Nắng thế này thì cá to trốn hết chỉ câu được những con cá nhỏ thôi. Rồi ông lão chỉ cho chúng tôi những đàn cá sơn đang tung tăng bơi và bảo, chỉ năm trước thôi, các cô chú ra đây thì các đàn cá nhỏ không nhiều như thế này đâu nhưng gần đây do Nhà nước cấm và xử phạt những tàu đánh bắt bằng các phương tiện mang tính chất hủy diệt như hóa chất, giã cào, lồng bát quái… nên những đàn cá nhỏ trong khu vực đã hồi phục. Đây là tín hiệu mừng đấy vì có cá nhỏ thì sẽ có cá to và các loại hải sản khác.

Nụ cười rạng rỡ và tràn đầy hy vọng như sáng cả gương mặt của ông Thao. Hy vọng của lão ngư này cũng chính là niềm tin của chúng tôi khi tạm biệt Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Thanh Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/den-voi-vuon-di-san-asean-vuon-quoc-gia-bai-tu-long-2408552/