Đèo Cả 'bắt tay' nhiều đối tác lớn để tối ưu lợi nhuận

Hôm nay (23/4), tại Đà Nẵng, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức chuỗi hoạt động khánh thành trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân lực chất lượng cao và ký kết thỏa thuận hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp lớn nhằm cụ thể thể hóa chiến lược đào tạo phát triển nhân sự và tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động của mình.

Ông Hồ Minh Hoàng cùng Ban Cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả tặng hoa các đối tác tại buổi lễ ký kết

Ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn

Sáng ngày 23/4, Tập đoàn Đèo Cả đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp: PVOIL, Xi măng VICEM, Tập đoàn KKS, Thiết bị đầu tư Bình Minh, Tập đoàn Thiết bị G7.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, với tinh thần "muốn đi xa thì đi cùng nhau", thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dầu khí, thiết bị, vật liệu thi công và hỗ trợ về nguồn vốn của các ngân hàng như: BIDV, TP Bank, Vietin Bank,… Tập đoàn Đèo Cả kỳ vọng sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ nhằm giảm chi phí trung gian, hạn chế rủi ro, tối ưu lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

"Việc hợp tác chiến lược cũng sẽ tạo ra sự liên kết đủ sức mạnh để đảm đương những công việc xã hội đang đặt ra và cần doanh nghiệp Việt vào cuộc một cách hiệu quả", ông Hoàng nói.

Theo chương trình ký kết, Đèo Cả và PVOIL sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ tại các công trình dự án Đèo Cả thi công, xây dựng và quản lý vận hành; Tham gia đấu thầu nhà đầu tư thực hiện các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc, quốc lộ khác.

VICEM và Tập đoàn KKS sẽ hợp tác với Đèo Cả trong việc cung cấp xi măng các loại, sản phẩm phụ gia và vật liệu xây dựng; Trao đổi thông tin, dự báo xu hướng sử dụng vật liệu trong ngành xây dựng để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu về vật liệu xây dựng.

Công ty Thiết bị Đầu tư Bình Minh và Tập đoàn thiết bị G7 sẽ cung cấp máy móc, thiết bị và các loại trạm trộn bê tông để thực hiện dự án Đèo Cả tham gia.

Chính thức trở thành đối tác lớn của Tập đoàn Đèo Cả, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, trên cả nước hiện có hơn 80% đường hầm xuyên núi và hơn 300km đường cao tốc được Đèo Cả thực hiện. Đèo Cả cũng ghi dấu ấn sâu sắc trên rất nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia từ Bắc vào Nam. Đặc biệt có những dự án có tính chất rất khó khăn, phức tạp.

"Người ta vẫn nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau, với nhận thức đó, Tập đoàn Đèo Cả trên chặng đường vươn mình ra các khu vực lân cận, quốc tế đã có chiến lược hết sức đúng đắn, đó là chiến lược phát triển kết nối chuỗi giá trị mà trong đó mỗi mắt xích là các thương hiệu lớn, có uy tín, quy mô lớn và làm việc chuyên nghiệp, các doanh nghiệp này sẽ hợp tác chặt chẽ cùng với nhau để tạo ra tốt nhất các giá trị, nền tảng cho xã hội và cũng để cùng nhau đi xa hơn", ông Dương nói.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác

Khánh thành trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân lực chất lượng cao

Cũng trong sáng nay (23/4), Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức lễ khánh thành tòa nhà Trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho biết, Trung tâm Huấn luyện thực hành được khởi công xây dựng từ tháng 8/2022 với quy mô 2 thầng, tổng diện tích khoảng 2.000m2 /1 sàn.

Bên cạnh các phòng chức năng hiện đại, Trung tâm còn có các phòng huấn luyện thực hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xưởng sửa chữa với trang thiết bị hiện đại, đón đầu xu hướng ứng dụng công nghệ số, mô hình đào tạo thực hành, đặc biệt là các lưu đồ đào tạo nhân lực về chuyên môn, văn hóa doanh nghiệp.

"Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc trong tổ chức. Trung tâm cũng sẽ tổ chức các hoạt động đa dạng như các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho nhân sự", ông Huy thông tin.

Tôi tin rằng Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả được thành lập sẽ mang lại giá trị lớn. Cách thức đào tạo nhân sự của Đèo Cả là bài bản, nhuần nhuyễn và tạo ra niềm tin vào doanh nghiệp, phù hợp với xu thế của thời đại.

PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tại lễ khánh thành, Tập đoàn Đèo Cả đã ký các thỏa thuận với Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Trường cao đẳng GTVT đường bộ với các nội dung về đào tạo, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, thực tập, tài trợ cho các hoạt động sinh viên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tạp đoàn Đèo Cả tổ chức khánh thành trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân lực chất lượng cao

Ông Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh đánh giá, Đèo Cả là Tập đoàn hàng đầu về phát triển hạ tầng giao thông, gồm: Xây dựng, phát triển, vận hành các công trình giao thông, đặc biệt cầu, hầm, đường,… Đây là công việc đặc thù, có khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi trình độ nhân sự, kỹ thuật, rèn luyện cao, với quy mô hiện nay với 6.000 CBNV, kỹ sư, lãnh đạo,… đây là một lực lượng rất lớn. Với tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn lấy con người - nguồn nhân lực làm trung tâm, bên cạnh đó kết hợp với khoa học kỹ thuật, ngày càng phát huy chất lượng công trình.

"Tôi được biết tầm nhìn của Đèo Cả không chỉ tập trung thị trường trong nước và sẽ vươn ra thế giới, các nước khu vực lân cận. Như vậy, yếu tố nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, kỹ thuật càng được quan tâm và đẩy mạnh. Với lễ khánh thành trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả là minh chứng của Tập đoàn trong con đường triển khai chiến lược này", ông Mai Thanh Phong nói.

Một số hình ảnh về trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân lực chất lượng cao của Tập đoàn Đèo Cả

Ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ước tính trong 3 năm tới, mỗi năm, Đèo Cả sẽ bổ sung thêm khoảng 1.100 lao động, trong đó lao động trình độ Đại học, Cao đẳng chiếm 30%, lao động có tay nghề chiếm 40% và lao động phổ thông chiếm 30%.

"Bên cạnh việc tăng cường tuyển dụng trên thị trường lao động, chúng tôi dành ưu tiên lớn cho việc hợp tác và đào tạo nguồn nhân lực. Việc khánh thành Trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả tại Đà Nẵng là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Đèo Cả. Đây sẽ là nơi đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các dự án trọng điểm của Tập đoàn và nguồn nhân sự cho công tác QLVH, bảo trì công trình giao thông, vốn là thế mạnh của Đèo Cả", ông Nam nói.

Trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết biên bản Giao - Quản nội bộ với các đơn vị thành viên là HHV, DCC, ICV về việc thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Biên bản quy định các nội dung chính về cơ chế giao - nhận, thưởng - phạt và cơ chế quản đối với các đơn vị khi nhận khối lượng thực hiện thi công các gói thầu thuộc dự án cao tốc.

Theo đó, về cơ chế giao - nhận, Tập đoàn là bên giao khối lượng công việc, chỉ tiêu và nguồn lực. Thưởng hiệu quả và thưởng tiến độ được tính bằng chênh lệch giữa chỉ tiêu yêu cầu và kết quả thực tế mà bên nhận thực hiện và phát theo mức độ tương ứng khi không hoàn thành công việc.

Trên cơ sở nội dung đã thống nhất, bên giao giám sát tiến độ, chất lượng, chi phí, hồ sơ, hoạt động quản lý nhân sự, quản lý và mua sắm thiết bị, vật tư trên công trường.

Ông Phan Văn Thắng - Tổng Giám đốc ICV nhận định: "Sự quản lý ở đây là định hướng và đảm bảo cho các hoạt động được diễn ra theo đúng lộ trình. Quản lý nội bộ doanh nghiệp tốt sẽ đảm bảo cho các hoạt động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, minh mạch các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn từng cá nhân, bộ phận, từng đơn vị thành viên.

"Ở góc độ là đơn vị thành viên tham gia vào công việc chung của hệ thống, chúng tôi thấy rằng cơ chế giao - quản sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động đúng mục đích, kiểm soát tiêu cực, đề cao trách nhiệm của từng bên".

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/deo-ca-bat-tay-nhieu-doi-tac-lon-de-toi-uu-loi-nhuan-183230423171422253.htm