Đèo Kasserine, giá trị của một bi kịch

Ngày 24/2/1943, tại chiến trường Bắc Phi, sau một tuần chịu đựng 'lễ rửa tội bằng hỏa ngục' (theo cách miêu tả của trang The Business Insider) từ đạo quân thiết giáp lừng lẫy danh tiếng của Thống chế huyền thoại Erwin Rommel, Quân đội Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã phải nhận thất bại cay đắng và nhục nhã, trong lần đầu tiên chạm trán với quân đội Đức Quốc xã ở Đệ nhị Thế chiến.

Con người luôn là yếu tố quyết định

Sẽ là quá thừa thãi, nếu chúng ta nhắc lại về uy danh cũng như tài thao lược của Thống chế Đức Quốc xã Erwin Rommel. Song, có lẽ việc phác thảo chân dung đối thủ của ông trong trận Đèo Kasserine này - Tướng Lloyd Fredendall, người chỉ huy các lực lượng lính Mỹ - lại là điều cần thiết.

Lloyd Fredendall - người phải chịu trách nhiệm chính về thất bại.

Lloyd Fredendall - người phải chịu trách nhiệm chính về thất bại.

Theo trang The Warfare History Network, trước khi trận đánh nổ ra, Lloy Fredendall vẫn được giới thượng tầng Mỹ đánh giá rất cao. Người "đồng liêu", tướng George C.Marshall, ca ngợi ông là "một trong những người giỏi nhất". Hiệu ứng kế tiếp, vào ngày 12/11/1942, trong một bức thư gửi tướng Marshall, tướng Dwight D.Eisenhower (người sau này là tổng thống thứ 34 của nước Mỹ, và khi ấy là Tư lệnh tối cao các lực lượng Đồng minh ở Bắc Phi cùng lòng chảo Địa Trung Hải) viết: "Tôi cầu phúc cho ngày mà anh (tướng Marshall) tiến cử Fredendall cho tôi, cũng như tôi vui vẻ thừa nhận rằng những nghi ngờ trước đây của tôi về anh ấy là vô căn cứ".

Tuy nhiên, đến đầu tháng 2/1943, khi đích thân rời Casablanca đến thị sát tiền tuyến, những gì được chứng kiến khiến chính Dwight D.Eisenhower cũng bị sốc.

Ông thấy Fredendall đã đặt trụ sở chính của mình ở phía sau chiến tuyến 70 dặm (một số người cho rằng còn xa hơn nữa). Dường như bị ám ảnh bởi một cuộc không kích, Fredendall cử một tiểu đoàn công binh làm việc để phá hủy các boong-ke dưới lòng đất bên một khe núi cho bộ tham mưu của mình, trong khi sở chỉ huy bao vây bởi súng phòng không. Sau này, Eisenhower thổ lộ: "Đó là lần duy nhất trong chiến tranh mà tôi thấy một sở chỉ huy cấp cao quan tâm đến sự an toàn của chính mình đến mức tự đào hầm trú ẩn dưới lòng đất".

Hệ quả của nó là gì? Là chuyện Fredendall không có mặt trên tuyến đầu. Thay vào đó, ông ta dựa vào bản đồ tại sở chỉ huy của mình và ra các mệnh lệnh qua hệ thống truyền tin. Đó chắc chắn là một yếu tố then chốt dẫn đến sự thiếu chuẩn bị ở mức tồi tệ của quân Mỹ. Hơn nữa, thực tế là việc người chỉ huy "ở lì" phía sau đã khiến các thuộc cấp gọi sở chỉ huy bằng những biệt danh mỉa mai: "Thung lũng thần tốc" (Speedy Valley), "Khu nghỉ dưỡng cuối cùng của Lloyd" (Lloyd's last resort) hay "Shangri-la, cách xa hàng triệu dặm khỏi bất cứ đâu" (Shangri-la, a million miles from nowhere). Không thể tránh khỏi, thực tế này đã ảnh hưởng đến tinh thần và làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của binh sĩ dưới quyền đối với Fredendall.

Đơn cử, như tướng Lucian Truscott sau này thuật lại: "Vóc người nhỏ bé, nói to và cộc lốc, ông ấy (Fredendall) thẳng thắn đưa ra ý kiến của mình, và hay chỉ trích cả cấp trên lẫn cấp dưới. Ông ấy có xu hướng đi đến những kết luận không phải lúc nào cũng có cơ sở. Fredendall hiếm khi rời sở chỉ huy, tuy nhiên lại dễ dàng mất kiên nhẫn với những đề xuất của cấp dưới - vốn thông thạo địa hình và các điều kiện khác hơn mình". Nói cách khác, Fredendall thường xuyên phớt lờ các báo cáo, bỏ qua các chỉ huy cấp dưới cũng như việc bố trí binh lính ở cấp đại đội.

Không chỉ vậy, theo Truscott, Fredendall còn thường xuyên "ra lệnh bằng những từ ngữ mà không ai hiểu". "Ý định của ông ấy là phòng ngừa việc bị kẻ thù nghe lén điện đàm, song những câu từ đó - thí dụ như: "Have your boys report to the French gentleman whose name begins with J at a place which begins with D which is five grid squares to the left of M" ("Yêu cầu các chàng trai của bạn báo cáo với quý ông người Pháp có tên bắt đầu bằng J tại một địa điểm bắt đầu bằng D, cách M năm ô vuông về phía bên trái") - chỉ khiến chính sĩ quan cấp dưới điên đầu.

Vấn đề là, vì sao Fredendall lại có thể được giao một trọng trách lớn đến vậy, khi kỹ năng thực tế chiến trường của ông ta hạn hẹp đến thế?

Đây có lẽ là "lỗ hổng" được tạo nên từ bối cảnh quân đội Mỹ nói chung cũng như Fredendall nói riêng không phải tham gia cuộc chiến lớn nào, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Thăng tiến nhanh, nhưng Fredendall tạo ấn tượng ở các khâu quản trị và huấn luyện, chứ vị tướng chưa từng tốt nghiệp trường quân sự West Point ấy thực ra không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Và do đó, mọi thứ nhanh chóng trở nên rõ ràng, khi ông phải đối diện với Erwin Rommel.

Thiết giáp của Rommel dễ dàng nghiền nát sức chống trả của những đơn vị lính Mỹ thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Thất bại là mẹ của thành công

Vào thời điểm tháng 2/1943, thực tế, chiến sự đang diễn ra với ưu thế hoàn toàn nghiêng về phía quân Đồng minh. Từ tháng 11/1942, dưới sự chỉ huy của Thống chế Bernard Montgomery, quân Anh đã đánh bại Rommel trong trận El Alamein, qua đó đẩy bật các lực lượng Đức Quốc xã khỏi Ai Cập và Libya. Cùng lúc đó, liên quân Anh và Mỹ bắt đầu Chiến dịch Ngọn đuốc (Operation Torch), đổ bộ vào Morocco và Algérie, mở ra một mặt trận khác, tiến về phía đông.

Cũng vài ngày sau, thủ lĩnh của lực lượng Vichy Pháp đã đồng ý đổi phe, cho phép quân Đồng minh tiến vào Tunisia và tiến đến Tunis, căn cứ tiếp tế chính của Rommel vào thời điểm đó. Những khó khăn về hậu cần - yếu tố then chốt khiến Erwin Rommel không thể giữ vững được thế trận - lại càng trở nên trầm trọng.

Với hy vọng giảm bớt áp lực lên sườn phía tây của mình để chống lại Tập đoàn quân số 8 của Montgomery ở miền nam Tunisia hiệu quả hơn, Rommel đã vạch ra một kế hoạch tấn công vào phần mỏng nhất của phòng tuyến Đồng minh ở Tunisia, nơi được điều khiển bởi hầu hết những người lính Mỹ chưa được thử thách.

Khi Eisenhower đến thăm các đơn vị của Quân đoàn II (Mỹ) gần Sidi Bou Zid vào đêm 13/2, ông không biết rằng trong vài giờ nữa quân Đức sẽ mở một cuộc tấn công dưới sự chỉ huy của Rommel và Armin, gây ra thảm họa cho người Mỹ.

Fredendall, trái với lời khuyên của chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp số 1, Thiếu tướng Orlando Ward (người mà Fredendall không thích, và vì vậy đã cố tình phớt lờ) cùng những người khác, đã bố trí phòng tuyến Mỹ dàn mỏng dọc theo mặt trận, thay vì duy trì một lực lượng cơ động mạnh nhằm phản ứng kịp thời trước mọi diễn biến. Không còn thời gian để tổ chức một lực lượng cơ động như vậy. Ngày hôm sau, 14/2, quân Đức tấn công, và mọi thứ như vỡ tung.

Các lực lượng Mỹ được bố trí dọc theo Mặt lưng phía Đông của Dãy núi Atlas ở Tunisia, chạy theo trục gần như bắc-nam qua miền bắc Tunisia. Rommel muốn xuyên thủng phòng tuyến của quân Mỹ và vượt qua Đèo Kasserine. Bằng cách phá vỡ những phòng tuyến đó, Rommel sẽ có thể tiêu diệt lực lượng Mỹ, chiếm được nguồn cung cấp của họ, làm gián đoạn nỗ lực của Đồng minh nhằm tập trung và tiếp tế cho các cánh quân dọc biên giới Algeria - Tunisia.

Phần lớn những người lính Mỹ thiếu kinh nghiệm tại Sidi bou Zid không phải là đối thủ của Quân đoàn Châu Phi thiện chiến dưới tay Rommel. Quân Đức, vượt trội về độ dạn dày lẫn chất lượng vượt trội của những chiếc xe tăng Panzer IV và Tiger, dễ dàng đập tan các phòng tuyến của quân Mỹ. Các cuộc tấn công phối hợp của máy bay ném bom bổ nhào Stuka cũng gây ra sự tàn phá cho quân Mỹ, đặc biệt là đối với các đơn vị tiếp viện. Riêng một đơn vị Mỹ đã mất 40 trong tổng số 47 xe tăng của mình.

Sau đó, quân Đức tiến đến Sbeitla, ngay phía đông Kasserine, nơi họ chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc phản công dự kiến của Mỹ. Với việc quân Mỹ tái định vị để hỗ trợ cuộc giao tranh tại Sidi bou Zid, Rommel tung ra đợt tấn công thứ hai với khoảng 160 xe tăng, xe bán tải và súng nhằm vào thành phố Gafsa xa hơn về phía nam.

Tại sở chỉ huy của mình, Fredendall không thể kiểm soát tình hình. Lính Mỹ chỉ biết bất lực nhìn xe tăng Đức cán lên đồng đội của họ, trong khi sự hoảng loạn nhanh chóng lan rộng.

Vào ngày 19/2, hai gọng kìm của Rommel kẹp lại dưới chân đèo Kasserine, rồi khi tràn qua, chúng để lại một chiến trường rải rác xe tăng và xe cơ giới Mỹ. So với phòng tuyến ban đầu, quân Mỹ đã bị đẩy lui tới hơn 50 dặm.

Thật may mắn, cuộc triệt thoái kinh hoàng này cũng chỉ là một chặng thư giãn ngắn ngủi dành cho quân Đức. Khi người Mỹ tái tập hợp lực lượng với sự hỗ trợ của pháo binh và không quân, và với việc Montgomery nhanh chóng áp sát từ phía nam, Rommel đã buộc phải ra lệnh cho lực lượng của mình rút lui vào ngày 23/2. Và dù sao, thảm họa này cũng là một bài học xương máu.

Tướng Dwight Eisenhower, sau đó, đã sớm triển khai huấn luyện kỹ càng hơn về chiến thuật bộ binh, chống tăng, phòng không và pháo binh, chú trọng vào các hoạt động binh chủng hiệp đồng, phối hợp chiến đấu. Quân đội Mỹ cũng bắt đầu loại bỏ dần các thiết bị lỗi thời như xe tăng M3 Stuart và trang bị các loại vũ khí tối tân, bao gồm xe tăng thế hệ mới và pháo chống tăng bánh xích chuyên dụng.

Quan trọng nhất, Lloyd Fredendall đã buộc phải rời nhiệm sở "về nhà", nhường chỗ cho một vị chỉ huy mà sau này danh tiếng sẽ gắn liền với những chiến thắng vang dội: George Patton.

* "Chỉ trong 10 ngày, quân Mỹ đã mất 7.000 người, trong đó có 300 người chết và 3.000 người mất tích. Người Mỹ cũng mất 183 xe tăng, 104 xe bán tải, 208 khẩu pháo và hơn 500 phương tiện khác. Ngược lại, Quân Đức chỉ thương vong khoảng 1.000 người và chỉ mất 20 xe tăng, 6 xe bán tải, 14 pháo và 61 phương tiện khác.

* "Nhiều thập kỷ sau trận chiến, Tướng Omar Bradley vẫn đánh giá đó "hoàn toàn là một thảm họa". "Thậm chí nhiều năm sau đó, tôi vẫn đau đớn khi nghĩ về thảm họa đó", Bradley nói trong một cuốn tự truyện xuất bản vào những năm 1980. "Đó có lẽ là màn trình diễn tồi tệ nhất của Quân lực Hoa Kỳ trong toàn bộ lịch sử đáng tự hào của họ".

Thiên Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/deo-kasserine-gia-tri-cua-mot-bi-kich-i684764/