Đeo thẻ công chức, chuyện nhỏ mà không nhỏ

Ông Tư hưu trí đến bộ phận một cửa của UBND phường làm khai sinh cho cháu nội. Sau khi khai báo các thông tin liên quan để làm giấy khai sinh, ông Tư còn được anh cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của phường hướng dẫn viết thêm các tờ khai để làm thủ tục cấp thẻ BHYT và đăng ký thường trú cho cháu. Càng bất ngờ hơn khi ông được cán bộ phụ trách cho biết, các giấy tờ trên sẽ được trao trả tận nhà nếu ông yêu cầu. Thấy công việc được giải quyết nhanh, gọn trên cả mong đợi, ông Tư rất vui, ngõ lời cảm ơn anh CBCC đã nhiệt tình giải quyết hồ sơ công dân nhanh gọn, đúng thời gian quy định. Có điều, khi hỏi đến họ tên, chức danh, anh cán bộ mới giật mình nhìn xuống cổ áo mình và cười ngượng nghịu giải thích:

- Cháu tên N., cán bộ tư pháp - hộ tịch. Xin lỗi, hồi sáng lật đật quá, cháu quên đeo thẻ công chức! Rồi anh lấy thẻ công chức đeo vào cổ.

Chia sẻ câu chuyện trên với người viết, ông Tư tin rằng việc quên đeo thẻ của anh cán bộ tư pháp - hộ tịch là thật bởi tinh thần, thái độ làm việc tận tình, trách nhiệm của anh đã cho thấy điều đó. Thế nhưng theo ông, có không ít trường hợp việc “quên” đeo thẻ không thuộc sự vô tình.

Thẻ công chức là công cụ để nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng CBCC trong cơ quan nhà nước. Việc đeo thẻ công chức đã được quy định từ lâu. Mục đích là giúp người dân biết rõ chức vụ, họ tên của từng CBCC mà mình tiếp xúc, để phản ánh về phong cách, thái độ làm việc của CBCC đó đến cơ quan, đơn vị quản lý khi bị gây khó dễ hoặc có biểu hiện tiêu cực.

Chỉ thị 26/CT-TTg ban hành ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tất cả CBCC khi thực thi nhiệm vụ phải đeo thẻ công chức để đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp. Bộ Nội vụ cũng khuyến cáo, CBCC đã được cấp thẻ nhưng không quản lý và sử dụng thẻ theo đúng quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, thời gian qua, có lúc có nơi, CBCC vẫn còn chểnh mảng trong việc đeo thẻ, chưa trở thành thói quen khi bước vào công sở. Người ta viện đủ lý do để biện minh cho việc không đeo thẻ của mình. Nào là việc đeo thẻ còn mang tính hình thức, khi nào tiếp xúc với dân mới đeo, còn ở cơ quan trong phòng đã có cái bảng tên to đùng đặt tại bàn làm việc rồi, không cần thiết phải đeo. Nào là suốt ngày ở cơ quan ra vào đều quen mặt biết tên, cần gì đeo thẻ? Có CBCC phân bua đeo thẻ công chức khá vướng víu khi làm việc cho nên ngại đeo. Có CBCC khi bị cơ quan nhắc nhở thì đeo lấy có nhưng bảng tên lật úp vào trong chẳng buồn lật lại. Thậm chí có tình trạng người không đeo thẻ chế nhạo người nghiêm chỉnh đeo là “làm nổi”. Cứ như vậy tình trạng đeo thẻ công chức lúc có lúc không, lúc chặt chẽ lúc buông lỏng xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. Thỉnh thoảng Sở Nội vụ cử người đi kiểm tra tình hình đeo thẻ đột xuất, phê bình, nhắc nhở những trường hợp “quên” đeo thẻ, không có biện pháp nào mạnh tay hơn.

Chuyện CBCC đeo thẻ công chức là việc đơn giản, chẳng nặng nhọc, phức tạp gì. Nó phải thành thói quen, thành phản xạ của người CBCC khi bước vào cơ quan. Đeo thẻ công chức không chỉ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao mà còn là cách thể hiện tác phong làm việc của người CBCC chuyên nghiệp, thể hiện nếp sống văn hóa - văn minh nơi công sở. Đeo thẻ công chức, người CBCC sẽ có tư thế hơn, sẽ tự tin khi làm việc, đồng thời cũng là một cách nhắc nhở họ không vi phạm điều lệ công chức. Một chuyện như vậy mà không được thực hiện triệt để thì thử hỏi những việc lớn hơn như cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy công quyền làm sao thành công được?

Nói đeo thẻ công chức, chuyện nhỏ mà không nhỏ là như vậy.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/201811/deo-the-cong-chuc-chuyen-nho-ma-khong-nho-826070/