Dẹp 'chợ' chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đồng thời cần nâng chuẩn đầu ra

'Chúng ta tuyển dụng người làm việc chứ không phải tuyển dụng xem ai là người có nhiều bằng cấp chứng chỉ hay không', ông Lê Như Tiến khẳng định.

Chấm dứt việc chạy các loại chứng chỉ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập. Trong đó, chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh Bình Định tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

 Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 13 - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Tùng Dương)

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 13 - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Tùng Dương)

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết:

“Nên bỏ những quy định về chứng chỉ đối với các thầy cô. Điều này là việc đúng đắn, nên làm.

Không nên đặt ra quá nhiều quy định cho các thầy cô. Khi có quá nhiều quy định chồng chéo nhau mà không mang lại hiệu quả, cán bộ công chức, viên chức sẽ bị áp lực, khó khăn. Điều này nguy hiểm nhất là sản sinh ra chạy chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia để làm đẹp hồ sơ”.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đó là một bước tiến trong ngành giáo dục, đào tạo.

Trong thời gian vừa qua, việc chạy bằng cấp, tín chỉ được xem là một “cái chợ”. Việc quy định về các tín chỉ tồn tại là “sân sau” cho các hoạt động mua, bán tín chỉ hoành hành. Các trung tâm cung cấp các loại tín chỉ hoạt động bát nháo, bành trướng, ngang nhiên, thậm chí xem thường các quy định của pháp luật.

Những lớp học tín chỉ tồn tại một vài ngày, thậm chỉ là không một giờ nào học viên vẫn có thể được cấp các loại tín chỉ về ngoại ngữ và tin học.

“Điển hình mới đây là ngay cả bằng đại học, thậm chí có cả bằng tiến sĩ… người ta còn chạy được, kể cả bằng đại học ở nước ngoài. Họ có thể không học nhưng họ vẫn ghi danh, nộp tiền và họ vẫn có bằng được.

Nếu chúng ta thêm một nội dung quy định gì bất hợp lý và cơ chế quản lý không chặt chẽ về chứng chỉ, bằng cấp thì chỉ có tạo điều kiện cho việc chạy bằng, chạy cấp, chạy tín chỉ có “công ăn việc làm”.

Chúng ta cứ đưa ra các quy định, cứ thêm nội dung này, nội dung kia, thêm chứng chỉ này, bằng cấp nọ chồng chéo, bất hợp lý chính là đòn bẩy “khuyến khích” nhu cầu của giáo viên chạy bằng, chạy điểm”, ông Tiến khẳng định.

Nên chuẩn hóa chương trình tin học, ngoại ngữ tại các trường cao đẳng, đại học

Bộ Giáo dục chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho thầy cô

Theo ông Lê Như Tiến, việc bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là điều nên làm nhưng cũng không nên xem nhẹ những yêu cầu tối thiểu của tin học và ngoại ngữ.

“Không nên đặt quá nhiều quy định chồng chéo về bằng cấp, tín chỉ đối với các thầy cô giáo. Trong khi đó, nếu nghiêm túc đưa tin học, ngoại ngữ thành chương trình đào tạo đại học, cao đẳng thì hiệu quả đầu ra cao hơn, nhân sự sẽ chất lượng hơn.

Khi đã đưa vào chương trình đào tạo chuẩn mực ở đại học, cao đẳng có thi cử và cấp chứng chỉ đàng hoàng thì cần gì mình phải bắt các viên chức, công chức thi bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.

Việc quy định, yêu cầu về chứng chỉ, gây khó khăn kép cho các cán bộ công chức, viên chức. Chúng ta đang trong quá trình đơn giản hóa các thủ tục, không nên gây phiền hà cho công chức, viên chức.

Nếu như tiếp nhận nhân sự, những người đó không đủ trình độ về tin học, ngoại ngữ thì chúng ta cho đi đào tạo lại, đào tạo thêm những nội dung cần bổ sung, nâng cao.

Nhưng điều quan trọng nhất là ngành giáo dục phải đưa ra chuẩn hóa về ngoại ngữ và tin học, được đưa vào chương trình đại học, cao đẳng. Lúc đó, những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì đương nhiên họ sẽ có đủ trình độ về tin học và ngoại ngữ”, ông Tiến chia sẻ.

Hiện nay, trong ngành giáo dục đang sản sinh ra nhiều lớp học chứng chỉ cấp tốc nhằm giúp cho việc bổ nhiệm nhân sự thuận lợi. Bằng cấp, chứng chỉ được mua, bán như một món đồ vô tri, vô giác, không có sự hiện diện của tri thức, ngang nhiên và trái pháp luật.

Về giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục không dựa vào những quy định về chứng chỉ như từ trước tới nay, ông Tiến cho hay:

“Tôi thấy rằng, đã bỏ quy định để các thầy, cô không chạy chứng chỉ về mặt hình thức thì nên tiến hành tuyển dụng theo phương thức tuyển dụng của các nước tiên tiến.

Tại các nước tiên tiến, nhà tuyển dụng yêu cầu cán bộ công chức, viên chức đến và phỏng vấn trực tiếp. Họ đưa ra nhưng bài kiểm tra, đặt người cần việc làm vào các tình huống, chức danh, công việc, vị trí mà họ đang xét tuyển.

Khi phỏng vấn, họ sẽ đặt người tuyển dụng vào tất cả các tình huống có thể xảy ra khi ngồi vào vị trí đang tuyển dụng.

Nếu phỏng vấn trực tiếp, hỏi đúng vào yêu cầu của vị trí việc làm thì thực chất hơn là ngồi trong văn phòng xem hồ sơ có đẹp không, đầy đủ bằng cấp chứng chỉ hay không”.

Thời gian vừa qua, việc chạy bằng cấp, chứng chỉ chính là hệ quả của chính sách chưa thiết thực mà chúng ta đưa ra. Phải hướng tới người được tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt bắt buộc phải có kiến thức thực tiễn, thực chứng chứ không phải có nhiều bằng cấp, chứng chỉ để làm đẹp vào hồ sơ.

“Chúng ta tuyển dụng người làm việc chứ không phải tuyển dụng xem ai là người có nhiều bằng cấp chứng chỉ hay không.

Thực tế, có những người tốt nghiệp cao học, học tiến sĩ nhưng không viết nổi một cái công văn. Đó chính là thực tiễn mà đã quá nhiều trường hợp như thế xảy ra trước đó.

Không nên chạy theo chứng chỉ, bằng cấp vì không những xuất hiện việc mua bằng, bán điểm, mua chứng chỉ, mua giấy chứng nhận… mà nguy hiểm hơn là đối tượng thực hiện việc gian dối này chính là các thầy cô giáo, những người về nhân cách, đạo đức không được phép gian dối.

Thay đổi chính sách hợp lý, đưa ra những phương pháp tối ưu, tối giản mang lại hiệu quả trong việc quản lý hành chính, nhân sự trong ngành giáo dục là mong mỏi của toàn thể xã hội, đặc biệt là nhân sự trong ngành”, ông Tiến nhận định.

Cao Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dep-cho-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-dong-thoi-can-nang-chuan-dau-ra-post215450.gd