'Dẹp loạn' cây keo

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trên địa bàn tỉnh đã có đến 600ha đất nông nghiệp bị 'cưỡng bức' để trồng keo nguyên liệu. Địa phương dẫn đầu là huyện Hoài Ân với 350ha.

 Cây keo trồng tràn lan trên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Bình Định

Cây keo trồng tràn lan trên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Bình Định

Xác định trồng keo trên đất nông nghiệp chính nông dân sẽ nhận về mình phần thiệt thòi, bởi cây keo đã không có hiệu quả kinh tế, đất sau khi trồng keo sẽ bị bạc màu, khô cứng, bị phá vỡ kết cấu sau này rất khó trồng các loại cây khác.

Do đó, những người có trách nhiệm ở huyện Hoài Ân đã bằng mọi cách vận động nông dân phá bỏ cây keo trên đất nông nghiệp chuyển sang trồng các loại cây phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân, vấn nạn trồng keo trên đất nông nghiệp rộ lên trên địa bàn huyện cách đây chừng 5 - 7 năm. Thời điểm ấy, Nhà nước khuyến khích người dân ở những huyện trung du, miền núi trồng rừng SX, nên cung cấp miễn phí cây giống để trồng keo trên đất lâm nghiệp.

Thế nhưng sau khi nhận cây giống, người dân không tuân thủ trồng keo trên đất lâm nghiệp, mà trồng trên đất nông nghiệp thiếu nước tưới hoặc chân đất khó canh tác. Chẳng mấy chốc mà trên địa bàn huyện đã tràn lan cây keo. Những địa phương vi phạm nhiều nhất là các xã Ân Tường Đông với 65,8ha, Ân Hữu 60ha, Ân Nghĩa 27,2ha, Ân Hảo Đông 20ha…

“Cây keo từ 1 - 3 năm tuổi hút nước rất kinh hoàng, bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi thì cây keo mới bổ sung nguồn nước ra môi trường, nhưng thời điểm này thì bà con đã chặt keo bán hết rồi. Cây keo trên đất nông nghiệp gây ra rất nhiều hệ lụy, nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường”, ông Khúc cho hay.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định nhận định: Khi cây keo lớn, khép tán, sẽ che phủ ánh sáng mặt trời, những loại cây bên dưới không thể quang hợp để sinh trưởng, phát triển. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống đất sẽ khiến các loại cây bên dưới chết sạch. Trong quá trình phát triển, rễ keo hút hết dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, khô cứng, bị phá vỡ kết cấu sau này rất khó trồng các loại cây khác.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Hoài Ân đã triển khai chủ trương chặt bỏ cây keo trên đất nông nghiệp để trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả để vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa bảo vệ môi trường. Năm 2017, Hoài Ân họp HĐND huyện đưa ra Nghị quyết chuyên đề là phải kiên quyết “xóa” cây keo trên đất nông nghiệp.

Theo đó, UBND huyện Hoài Ân đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nêu rõ những tác hại khi trồng keo trên đất nông nghiệp. Hạn chót người dân phải phá bỏ cây keo trên đất nông nghiệp là đến cuối năm 2018 để chuyển sang trồng các loại cây đúng mục đích. Kèm theo đó là những chính sách khuyến khích, ví như ai nhổ bỏ cây keo trên đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng phù hợp để tái SX.

Đất sau khi trồng keo sẽ bị bạc màu, khô cứng, bị phá vỡ kết cấu.

“Đối với diện tích chặt bỏ cây keo, huyện chỉ đạo cho địa phương hướng dẫn bà con trồng những loại cây phù hợp, trong đó những diện tích lớn sẽ hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả. Theo đề án của huyện, sẽ hộ phá bỏ keo sẽ được hỗ trợ 100% về giống; về nước tưới được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, mức hỗ trợ tối thiểu thì tùy theo vào giếng đào hay giếng đóng; về phân bón sẽ hỗ trợ 2 lần/năm trong vòng 3 năm đầu”, ông Nguyễn Hữu Khúc cho biết thêm.

Sau 2 năm triển khai ráo riết, đến nay Hoài Ân đã phá bỏ được 320ha keo trên đất nông nghiệp. Bà con đã trồng lại các loại cây màu có hiệu quả kinh tế cao như bắp, đậu phộng, dâu, một số diện tích được trồng bưởi da xanh.

“Tính toán chi li, sau 4 – 5 cây keo chỉ mang lại cho nông dân khoản thu nhập chừng 60 – 70 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc và khai thác, người trồng chẳng còn lời lãi là bao. Đó là nói lúc giá keo nguyên liệu còn đứng ở mức 1,3 – 1,4 triệu đồng/tấn, chứ hiện nay giá gỗ keo chỉ còn 700 ngàn đồng/tấn, thậm chí muốn bán cũng chẳng ai mua thì lỗ nặng. Vì vậy, hầu hết những hộ đã nhổ bỏ cây keo để trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao đang rất phấn khởi vì thấy mình làm đúng.

“Hiện trên địa bàn Hoài Ân chỉ còn 30ha keo còn đứng trên đất nông nghiệp, trong đó có 20ha tại xã Ân Hữu. Bởi, trước đây UBND xã này đã ký giao diện tích nói trên cho người dân để trồng keo, nên giờ nếu nhỏ bỏ sẽ vướng. Do đó, chúng tôi chờ đến cuối năm nay, 20ha keo ở Ân Hữu khai thác xong sẽ chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác”, ông Nguyễn Hữu Khúc.

ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dep-loan-cay-keo-post248227.html