Đẹp thay những tấm lòng thiện nguyện!

Tối 27-7 vừa qua, trong không khí ấm áp của quán cà phê Mơ Phố (số 54, ngõ 82, ngách 15 Yên Lãng, Thịnh Quang, Hà Nội) diễn ra đêm nhạc kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ với chủ đề 'Em vẫn đợi anh về'…

Đêm nhạc thật đặc biệt vì 4 thành viên vừa chơi nhạc vừa hát đều là những anh em có hoàn cảnh khó khăn. 4 người trong ban nhạc này đều bị khiếm thị, có người còn đang chạy thận. Nhưng khi họ vừa thổi sáo, chơi ghi-ta, gõ trống, đánh piano… vừa hát, thì đúng là cả một thế giới tràn ngập cảm xúc.

Trò chuyện cùng các thành viên trong ban nhạc là các anh: Văn Linh, Trần Thương, Quốc Hoàn, Minh Hiếu trong giờ nghỉ giải lao, tôi được biết, đêm nhạc “Em vẫn đợi anh về” ngoài việc tôn vinh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì còn là dịp để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm chung tay cho Chương trình Chung sức vì sức khỏe cộng đồng số 26: “Chiềng Sung-Trao gửi yêu thương” do Hội Bác sĩ tình nguyện tổ chức.

Hội Bác sĩ tình nguyện trong một lần khám bệnh cho người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Đặng Quốc Hưng.

Hội Bác sĩ tình nguyện dù tuổi đời còn non trẻ nhưng đã làm được nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa cho xã hội, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hội là tập hợp của những bác sĩ đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và địa phương lân cận, các nhà hảo tâm, các bạn tình nguyện viên… hoạt động có giấy phép, tư cách pháp nhân, luôn đề cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội. Không chỉ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, Hội Bác sĩ tình nguyện còn tặng nhiều đầu sách hay cho trẻ em ở các địa bàn. Tôi hỏi bác sĩ Ngô Tuấn Anh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện: “Trong 25 chương trình trước, đã có địa phương nào các anh quay trở lại?”. Đoán được ý tôi, Ngô Tuấn Anh cho hay: “Hội luôn giữ các kênh liên lạc với địa phương, từ chính quyền, đoàn thanh niên cơ sở cho tới hội phụ nữ và đặc biệt là các gia đình khó khăn”.

Được biết, tại các chương trình "Chung sức vì sức khỏe cộng đồng" những năm qua, hội không chỉ huy động được hàng tỷ đồng dùng mua thuốc cấp miễn phí cho người dân, mà còn mang theo nhiều trang thiết bị hiện đại để khám bệnh cho đồng bào. Nhiều trường hợp bị bệnh nặng, hiểm nghèo, không có tiền chữa chạy, hội đứng ra lo cứu giúp. “Nhưng chỉ riêng hội chúng tôi thì không kham nổi, phải có sự kết nối của địa phương. Ví như đồng bào bị bệnh, lại không biết tiếng phổ thông, chúng tôi phải liên hệ với các bạn đoàn viên, thanh niên địa phương, nhờ các bạn đưa người bệnh xuống Hà Nội chữa trị. Tất nhiên gần như mọi chi phí hội đều đứng ra lo hết, chứ đồng bào địa phương thì còn nhiều khó khăn lắm”, anh Ngô Tuấn Anh cho biết.

Không chỉ khám, chữa bệnh cho người dân, trong Chương trình “Pa Thơm-Mái ấm tình thương” (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thực hiện vào tháng 4-2018, Hội Bác sĩ tình nguyện đã khám bệnh cho 1.256 lượt người, cấp 680 đơn thuốc, trao 170 suất quà tặng người nghèo ở địa phương. Tháng 7 vừa qua, hội đã huy động gần 70 bác sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên trong Chương trình chăm sóc sức khỏe “Kỳ Sơn-Nghĩa tình xứ Nghệ”, tổ chức 1.889 lượt khám và cấp 800 đơn thuốc cho người dân ở xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn).

Chị Vũ Thị Quỳnh, thư ký Hội Bác sĩ tình nguyện, cho biết: “Khi hội đến khám bệnh, cấp thuốc cho người dân, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, ông Cụt Văn Long tâm sự rất thật rằng: Địa bàn xã chủ yếu là người Khơ Mú, Thái, Mông sinh sống, trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm khoảng 75%. Ðồng bào chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa một vụ và chăn nuôi nên rất nghèo. Ðợt khám tổng thể lần này cũng là lần đầu nhiều bà con được tiếp xúc với các thiết bị, máy móc hiện đại. Bà con rất vui và chính quyền xã cũng được “thơm lây”.

Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, Hội trưởng Ngô Tuấn Anh vừa tranh thủ tập hợp danh sách bác sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên tham gia Chương trình Chung sức vì sức khỏe cộng đồng số 26 ở Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vào cuối tháng 8 này. Trời đổ mưa như trút nước, nhưng bên trong quán cà phê Mơ Phố, mọi người vẫn chú tâm vào tiếng hát của những ca sĩ, nhạc công khiếm thính. Các anh Linh, Thương, Hoàn, Hiếu hát đêm 27-7 sung lắm. Phần vì cảm xúc hát trong một ngày thiêng liêng, phần vì lần đầu tiên, các anh sẽ theo đoàn Hội Bác sĩ tình nguyện để cất lên lời ca tiếng hát giao lưu cùng bà con Chiềng Sung.

MINH MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dep-thay-nhung-tam-long-thien-nguyen-545717