Dệt hồn áo dài từ sợi tầm gai

Ngày 9/4, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sự kiện 'Áo dài của chúng ta' sẽ giới thiệu công chúng Thủ đô 15 bộ sưu tập áo dài của 15 nhà thiết kế (NTK) lấy ý tưởng từ 15 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, áo dài trong các bộ sưu tập lần này được làm bằng chất liệu truyền thống của Việt Nam là sợi cây gai. Chất liệu cổ truyền từng bị lãng quên nhiều năm nay mới được hồi sinh.

Bộ sưu tập áo dài được giới thiệu trong buổi họp báo "Áo dài của chúng ta". Ảnh: Lại Tấn

Bộ sưu tập áo dài được giới thiệu trong buổi họp báo "Áo dài của chúng ta". Ảnh: Lại Tấn

Tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc

Thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nỗ lực đề xuất công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến đề xuất Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Sự kiện “Áo dài của chúng ta” được tổ chức góp phần tiếp tục thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ áo dài truyền thống, tôn vinh và quảng bá trang phục truyền thống của người Việt.
Sự kiện giới thiệu hơn 600 bộ trang phục áo dài từ 15 bộ sưu tập của 15 NTK. Trong 15 bộ sưu tập, chỉ có một bộ sưu tập mang đậm nét văn hóa Việt Nam; 14 bộ sưu tập còn lại được các NTK lấy ý tưởng từ văn hóa các quốc gia châu Á, châu Âu. Theo Ban Tổ chức, các NTK đã khai thác các yếu tố văn hóa, mỹ thuật của các quốc gia và đưa vào các họa tiết, hoa văn trang trí, các phụ kiện trong trang phục áo dài Việt Nam. Cụ thể, NTK Huệ Thi (Cần Thơ) sẽ mở đầu sự kiện trình diễn áo dài bằng bộ sưu tập đậm chất Việt Nam; NTK Trung Beret (Đắk Lắk) diễn đạt sự bình yên của đất nước Lào; NTK Trần Thanh Mẫn (Huế) thể hiện tính hoàng gia sang trọng của Thái Lan; NTK Cao Duy (Tiền Giang) thể hiện hình ảnh những kỳ quan của đất nước Trung Quốc; NTK Ngọc Hân (Hà Nội) diễn tả đất nước Ấn Độ qua những hoa văn cung đình. Bên cạnh 600 bộ áo dài được giới thiệu trong không gian văn hóa Văn Miếu Quốc Tử Giám một đội ngũ 400 diễn viên, những nghệ sĩ gạo cội Việt Nam như NSƯT Thanh Tú, NSND Thu Hà, NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội), NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa, NSND Trà Giang sẽ tham gia sự kiện này. Sự kiện cũng có sự tham gia của phu nhân các đại sứ các nước tại Việt Nam như Italy, Ấn Độ, Lào, Belarus, các đại diện đến từ Mozambique...
Giá trị bền vững
Tại Sân Thái Học (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) – nơi diễn ra buổi họp báo sự kiện “Áo dài của chúng ta” ngày 6/4 phủ kín một màu xanh từ 5.000 chậu cây gai (tương đương 15.000 cây) – chất liệu chính tạo nên những sản phẩm của 15 NTK. NTK Minh Hạnh - Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Trong sự kiện lần này, chất liệu truyền thống Việt Nam sẽ ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc trên chiếc áo dài. Nếu công chúng đã quá quen thuộc với lụa thì nay, lần đầu tiên được biết thêm một chất liệu tuyệt vời nữa dành cho áo dài là vải từ sợi gai, một chất liệu thân thiện và dễ chịu”. NTK Minh Hạnh ví von rằng, nếu lụa được coi như cô gái nhà giàu, đỏng đảnh vì đắt và sang trọng thì sợi gai là một cô gái thân thiện và dễ chịu hơn.
Bên cạnh những giá trị phi vật thể, sợi gai làm áo dài có nhiều ưu điểm so với các chất liệu khác. Chị Đỗ Thị Thúy – người trồng 5.000 ha cây gai/năm ở Thanh Hóa chia sẻ: “Sợi gai rẻ hơn lụa tơ tằm. Việt Nam có nhiều đất làm nông nghiệp nên thuận lợi để trồng. Tơ tằm yêu cầu nhiều công đoạn thủ công nên đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao mới làm được”. Trong khi đó, theo chị Đỗ Thị Thúy, đặc tính của sợi gai có tính kháng khuẩn, thoáng, độ bền tốt nên ngoài làm các sản phẩm cao cấp như áo dài thì còn có thể làm đồng phục cho lực lượng quân đội, công an.
Từ những yếu tố trên có thể thấy, thông qua sự kiện “Áo dài của chúng ta”, các mẫu thiết kế khẳng định thêm các yếu tố phi vật thể để áo dài đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Chúng ta đang nỗ lực để UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể. Để làm được điều này, Việt Nam cần chứng minh những giá trị phi vật thể có trong áo dài. Vì vậy, áo dài được làm từ sợi gai đã góp phần khẳng định thêm một giá trị nữa của áo dài Việt Nam mang tính truyền thống, hồn cốt của dân tộc. Qua đó, việc tôn vinh áo dài mang giá trị dân tộc được toàn diện hơn.
TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/det-hon-ao-dai-tu-soi-tam-gai-415424.html