Dệt may Dony đã phục hồi

Trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may, bằng chiến lược, mục tiêu kinh doanh đúng đắn, Dệt may Dony không chỉ vượt qua mà còn trở thành cái tên liên tục 'full đơn hàng' trong và ngoài nước.

Chuyển hướng thị trường để tìm đơn hàng

Thời gian qua, từ chịu ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế chung đến các vấn đề xung đột chính trị, căng thẳng Biển Đỏ, lượng đơn hàng của Công ty dệt may Dony đã bị thâm hụt tại Mỹ và EU.

CEO Phạm Quang Anh liên tục "thân chinh" tại nhiều nước để tìm cơ hội hợp tác mới

“Mỹ, EU là những thị trường cực kỳ khó tính với nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững...Với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó đáp ứng”, Giám đốc Dony chia sẻ.

Nhận thấy thị trường có sự hồi phục nhưng vẫn nhiều khó khăn, CEO Phạm Quang Anh “không chịu ngồi yên” mà nhiều lần ông chủ doanh nghiệp chuyên may mặt hàng đồng phục đã linh hoạt ứng phó bằng cách chuyển hướng thị trường sang Châu Phi, Trung Đông và nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á để tìm hiểu nhu cầu nhằm tăng lượng đơn hàng cho mình.

“Với những thị trường tiềm năng, người lãnh đạo phải đích thân đến nói chuyện, trao đổi và cho đối tác biết rõ hơn về năng lực của mình, từ đó tạo sự tin cậy cho khách hàng cũng như cho họ thấy được thiện chí của doanh nghiệp thay vì làm việc online”, vị CEO này tâm sự.

Từ cuối quý I, đầu quý II năm nay nhằm bù đắp cho lượng đơn hàng thất thoát ở thị trường Mỹ, EU, ông Phạm Quang Anh đã tìm thấy một thị trường mới ở rất sát Việt Nam là thị trường Đông Nam Á với các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

"Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng vẫn có thể làm được và có cái thuận lợi về logistics. Chi phí, thời gian vận chuyển rất phù hợp, thậm chí có nơi còn rẻ hơn trong nước. Đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay", ông Quang Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Dony cũng "tấn công" sang thị trường Trung Đông để mở thêm cơ hội. Kết quả là so với năm ngoái, lượng đơn hàng của Dony tăng lên khá nhiều. Cụ thể, ngay từ sau Tết, ông chủ dệt may Dony đã đích thân sang các nước như Malaysia, Singapore và Campuchia để mang về cho mình lượng đơn hàng đến hết quý II/2024.

Cho rằng nếu quá phụ thuộc vào xuất khẩu thì khi "họ hắt hơi mình cũng xổ mũi", Dony định hướng lại chiến lược là không chỉ tập trung xuất khẩu, mà phải thực sự chú trọng thị trường 100 triệu dân nội địa. Minh chứng là trước dịch, doanh thu của Dony có đến 60% đến từ xuất khẩu thì trong giai đoạn khó khăn vừa qua, xuất khẩu gặp khó, công ty ngay lập tức quay về khai thác thị trường nội địa và hiện nay có đến hơn 60% doanh thu đến từ thị trường nội địa, góp phần bù đắp cho phần xuất khẩu bị giảm sút.

Hiện doanh nghiệp này có lượng tệp khách hàng lớn, với khoảng hơn 5.600 khách hàng đang phục vụ. Theo ông Phạm Quang Anh, với lượng khách hàng này, dù có biến động đi một vài trăm khách hàng thì Dony cũng không bị tác động đến mức suy sụp mà vẫn có đường khác để xoay sở. Còn với doanh nghiệp có ít tệp khách hàng thì khi đối tác có biến động, doanh nghiệp cũng sẽ điêu đứng.

Tự chủ vì giá rẻ không còn là lợi thế

Theo ông Phạm Quang Anh, ngành dệt may trong nước phần lớn làm các đơn hàng gia công nhờ vào sự cạnh tranh về lượng nhân công giá rẻ, nguồn lao động dồi dào. Hiện nay, lao động giá rẻ dần không còn là lợi thế cạnh trạnh của dệt may Việt Nam như nhiều năm về trước. Vì thế mỗi doanh nghiệp cũng như toàn ngành cần có tầm nhìn và hướng đi mới.

Lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam hiện bị "đe dọa" và cạnh tranh quyết liệt từ nhiều nước như Bangladesh, Ấn Độ...

"Hướng đi của Dony trong thời gian tới là không tập trung vào gia công vì giá lao động của Việt Nam và các chi phí khác hiện cũng tăng rất nhiều", CEO của Dony nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về Bangladesh, một thị trường cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam hiện nay, ông Phạm Quang Anh chỉ ra rằng, họ không chỉ có lượng lao động dồi dào mà giá cả thậm chí còn rẻ hơn Việt Nam.

Như vậy, với nguyên lý “nước chảy chỗ trũng”, các đối tác sẽ chọn thị trường này thay thế Việt Nam. Cũng giống như ngày xưa ngành may mặc phát triển đầu tiên ở châu Âu, sau đó dịch chuyển sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; sau đó mới chuyển về Trung Quốc và Việt Nam. Hiện giờ là giai đoạn dịch chuyển ngành may mặc từ Trung Quốc, Việt Nam sang Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ… và rồi sẽ có lúc ngành dệt may chuyển từ các quốc gia này sang châu Phi.

Thêm nữa, ngành dệt may có phục hồi, tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm và thậm chí đến năm 2025 chưa hẳn đã về mức tăng trưởng cũ. Nếu đa số các công ty lớn đều làm CMT (gia công thuần túy - có đối tác cung cấp vải và chỉ việc may theo đơn đặt hàng nhưng biên lợi nhuận thấp), thì trong giai đoạn nhiều khó khăn này, Dony làm FOB, nghĩa là doanh nghiệp sẽ chủ động từ nguồn vải, may, in, thêu… và xuất trực tiếp đến tay khách hàng nên chủ động và phục vụ được rất nhiều đối tượng khách hàng chứ không phụ thuộc vào số ít khách hàng và ít lo biến động.

“Chiến lược cụ thể thời gian tới Dony sẽ lựa chọn tự chủ nguồn cung bằng các chính sách tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời cũng dự kiến đầu tư thêm máy móc mới để nâng cao hiệu quả sản xuất như máy in tự động, thêu tự động…”, Giám đốc Dony cho hay.

Ngay từ những ngày đầu tháng 5/2024, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, ông Phạm Quang Anh đã gấp rút sang Trung Quốc để tìm thêm nhà cung cấp nguyên phụ liệu đáp ứng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Dony.

“Tại Canton Fair – Hội chợ thương mại quốc tế lớn nhất Quảng Châu, tôi đã tìm được nhiều nhà cung cấp chất lượng tốt, tiến độ nhanh mà giá cả hợp lý, nhiều loại giá chỉ bằng 2/3 ở Việt Nam. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến hàng Trung Quốc thống trị nguyên liệu đầu vào ngành dệt may Việt Nam những năm qua”, ông Quang Anh chia sẻ thông tin từ thị trường Trung Quốc.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/det-may-dony-da-phuc-hoi-d214490.html