Dệt may lại gặp khó

8 tháng đầu năm, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng chưa từng có trong hơn 10 năm qua. Vậy nhưng đáng lo ngại là thị trường thế giới đột nhiên trở nên 'lạnh', cầu giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Điều này đã tác động đến hoạt động xuất khẩu dệt may thời gian tới.

Xuất khẩu giảm tốc

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do thị trường thế giới đột nhiên trở nên “lạnh”, cầu giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021 nhưng giá hàng dệt may lại giảm 9%, hàng tồn kho tăng rất cao. Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ giảm 8%, Trung Quốc giảm 9% đồng nội tệ so với USD, do đó các ngành xuất khẩu của Việt Nam đang mất lợi thế về giá. Dự báo tình hình này còn kéo dài đến năm 2023. “4 tháng cuối năm 2022 và xu hướng năm 2023 thị trường khá trầm lắng” – ông Trường nhận định.

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may cũng cho hay, khi áp lực lạm phát đang tăng lên tại các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 nhận định, lượng tiêu thụ hàng dệt may tại Mỹ và EU sẽ giảm trong một vài quý tới trước áp lực của lạm phát. Trong khi đó, những tác động kéo dài của dịch Covid-19 khiến cho chi phí logistics vẫn ở mức cao, tình trạng tắc nghẽn, thiếu container chưa chấm dứt hoàn toàn.

Mặc dù May 10 đã ký các đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng vẫn ôm mối lo rằng, khách hàng có thể sẽ điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột nếu tồn kho tăng và sản lượng tiêu thụ giảm.

Khó lại chồng khó

Ngoài những lo ngại về xuất khẩu có thể giảm tốc DN dệt may cũng đang đứng trước khó khăn trong vận dụng chính sách vào thực tiễn. Cụ thể, hiện DN sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất, xuất khẩu thì vừa phải nộp VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó. Như vậy, trung bình DN phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Trong 2 tháng 7 và 8, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng bình quân 0,3%/tháng, DN tiếp cận vốn rất khó nên đã có hiện tượng có đơn hàng FOB mà phải chấp nhận làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Điều này khiến một loạt các DN sản xuất nguyên liệu trong nước mất cơ hội có đơn hàng, không tăng được giá trị gia tăng.

Ông Lê Tiến Trường đề nghị: DN mua hàng trong nước để làm xuất khẩu được hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Cùng đó, thời điểm hiện tại kinh doanh tỷ suất lợi nhuận thấp nên các phương án kinh doanh của DN khó tiếp cận với ngân hàng. Ngay trong tiếp cận vốn được giảm lãi suất 2% Tập đoàn Dệt may Việt Nam mới tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng nguồn vốn gốc.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để tăng độ bền vững cho hoạt động xuất khẩu, các DN phải tìm hiểu kỹ các quy định, cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới liên quan đến quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, kỹ thuật, hàng rào thuế quan, phi thuế quan, chỉ dẫn địa lý… Đồng thời, cần cập nhật thông tin về pháp luật, thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, liên kết với các đối tác nước ngoài để giảm giá thành, tăng khả năng thâm nhập, tăng lợi thế nhờ quy mô, thông hiểu hơn chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời các cơ quan nhà nước nên đóng vai trò “bà đỡ” lớn hơn cho các DN trong hoạt động xuất khẩu, bằng việc cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật quốc tế cũng như các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại, phòng vệ thương mại… Ngoài ra, các cơ quan tham tán thương mại cũng phải tăng cường vai trò của mình trong việc phối hợp cung cấp thông tin về thị hiếu, nhu cầu, hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Cùng với đó là phải nâng cao vai trò của các hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài cũng như vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…

H.Hương - Y.Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/det-may-lai-gap-kho-5697240.html