ĐH Đông Đô từng nhận nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Trường ĐH Đông Đô từng nhận được nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các tổ chức trong và ngoài nước, điển hình như bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 5 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, 25 bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội,…

Những ngày này, thông tin về viêc Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Đô bị truy nã, còn Hiệu trưởng trường này thì bị bắt vì những hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong đào tạo khiến nhiều người giật mình.

Đây là một ngôi trường đã có bề dày 25 năm hoạt động. Theo quảng cáo trên trang web, trường ĐH Đông Đô từng nhận được nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các tổ chức trong và ngoài nước, điển hình như bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 5 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, 25 bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội,…

Với những thành tích như vậy, trường ĐH Đông Đô đã được nhiều thế hệ học sinh tin tưởng, lựa chọn để tiếp tục sự nghiệp học hành.

Hiện, ĐH Đông Đô đào tạo 20 ngành hệ Đại học hệ chính quy, ngoài ra còn có 06 chuyên ngành trình độ Thạc sĩ và 01 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ.

Điều đáng nói, không chỉ trao những bằng khen – thứ được coi như “bảo bối” luôn được nhà trường mang ra “trưng diện”, quảng cáo mà Bộ GT&ĐT còn “trao” cho trường này nhiều cơ hội kiếm tiền một cách thiếu minh bạch.

Cụ thể, dù Bộ GD-ĐT dù khẳng định chưa có văn bản cho phép Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 nhưng cũng chính Bộ này nhiều năm liên tục xác định chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho trường.

Theo đó, trong 3 năm liên tiếp, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) đều xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường ĐH Đông Đô (năm 2015 xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường là 500; năm 2016 là 150 ở khối ngành III, V và VII; năm 2017 xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường là 150 ở khối ngành III, V và VII.)

Tất cả các văn bản xác nhận của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) đều có gửi báo cáo tới Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Vụ Giáo dục ĐH cũng như Thanh tra bộ.

Thế nhưng, sau khi Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô bất ngờ bị bắt, còn Chủ tịch HĐQT thì bị truy nã, những đơn vị đã từng trao rất nhiều bằng khen như Bộ GD&ĐT hay TP Hà Nội lại chưa thấy lên tiếng về trách nhiệm quản lý của mình, cũng như trách nhiệm trong việc giải quyết đối với những sinh viên đã theo học tại đây.

Chỉ duy nhất trong thông cáo trả lời báo chí ngày 17/8, Bộ GD-ĐT khẳng định chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường này. Do vậy, Bộ chưa có văn bản cho phép trường đào tạo văn bằng 2.

Có vẻ như Bộ GD&ĐT đang “phủi tay” đối với việc ĐH Đông Đô đào tạo chui, cấp văn bằng chứng chỉ kiểu “chớp nhoáng”, thậm chí “sinh viên” không cần thi đầu vào, không cần theo học và cũng không cần thi đầu ra vẫn được cấp bằng.

Tất nhiên, với những sinh viên “chui”, học bằng tiền, việc họ mất tiền mà không được cấp bằng cấp là điều mà họ phải chấp nhận, nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều sinh viên “học thật” đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi cách đào tạo chộp giật đó.

Đến giờ phút này, các sinh viên chỉ biết gửi đơn kêu cứu đến báo chí và chờ đợi. Họ không chỉ mất đi rất nhiều tiền đã nộp cho nhà trường, mà còn mất nhiều năm trời theo học, cũng là mất đi cơ hội được học tập tại các cơ sở giáo dục thực sự có chất lượng, cũng như mất đi ngay cả uy tín của bản thân khi sau này ra trường mang theo tấm bằng tốt nghiệp của trường ĐH Đông Đô.

Tuy nhiên, cũng đến giờ phút này, đối thoại trực tiếp với các sinh viên chỉ là những nhân viên… không có bất cứ chức vụ cũng như quyền hạn nào. Do vậy, họ chỉ có thể tiếp nhận những thắc mắc chứ không thể đưa ra một giải pháp nào, kể cả trên lời hứa.

Theo những gì mà các sinh viên cho biết, ngày hôm qua (25/8), trường ĐH Đông Đô đã có buổi làm việc với sinh viên các lớp văn bằng 2 hệ đại học chính quy ngành Luật Kinh tế sau khi Bộ GD-ĐT phủ nhận cấp phép cho đơn vị này.

Theo thông báo ban đầu, thành phần tham dự buổi gặp mặt sẽ có ông Lê Ngọc Tòng - Phó hiệu trưởng, bà Trần Kim Oanh- Phó hiệu trưởng và cô Nguyễn Thị Thảo. Thời gian của buổi làm việc là 10h ngày 25/8/2019. Tuy nhiên, vào cho đến tận 11 giờ trưa, sau khi từ chối sự có mặt của các phóng viên báo chí và truyền hình, buổi trao đổi đã diễn ra với sự có mặt của một người tên Nghiệp, một người tên Hiệp, trong đó là một phó phòng đào tạo, một trưởng phòng công tác chính trị sinh viên. Và, thật không thể tin nổi, hai người này đều mới được nhận nhiệm vụ chỉ trong vài ngày, và được bổ nhiệm khi Hiệu trưởng Dương Văn Hòa đã bị khởi tố và đang bị bắt tạm giam và trường cũng chưa có Hiệu trưởng thay thế.

Đương nhiên, với những người này, câu trả lời cho các thắc mắc của các sinh viên sẽ là… không có câu trả lời nào.

Như vậy, trong khi Hiệu trưởng cũ thì bị bắt, Hiệu trưởng mới thì chưa được bổ nhiệm, lúc này, Bộ Bộ GD&ĐT chính là đơn vị duy nhất có đủ cả chức năng và nghĩa vụ phải đứng ra trả lời những thắc mắc của các sinh viên cũng như gia đình của họ.

Dư luận tiếp tục chờ đợi những động thái tiếp theo của Bộ chủ quản ngôi trường tai tai tiếng này.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201908/dh-dong-do-tung-nhan-nhieu-bang-khen-cua-bo-truong-bo-giao-duc-639024/