ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM: Đào tạo tiến sĩ yêu cầu 2 PGS nhưng trường chỉ có 1

Theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế - Luật giảm 39,4% chỉ sau 2 năm học.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 24/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân của trường là Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập theo quyết định số 441/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 06/11/2000 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 669, Quốc Lộ 1, Khu phố 3, Phường Linh Xuân, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là “thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội thông qua nghiên cứu, đào tạo và cung ứng dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật”.

Tầm nhìn đến năm 2035, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành:

Trường đại học định hướng nghiên cứu trong kỷ nguyên số;

Cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng trong số các trường đại học có uy tín, người học có tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, đủ năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu;

Một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật.

Hiện Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tuấn Lộc là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh là hiệu trưởng.

Theo thống kê, quy mô đào tạo sau đại học giảm

Quy mô đào tạo 3 năm học gần nhất theo báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy quy mô đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy lại có xu hướng tăng.

Cụ thể, năm học 2020-2021, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của trường là 221 học viên nhưng đến năm học 2022-2023 chỉ còn 134 học viên (giảm 87 học viên, tương đương giảm 39,4%).

Tương tự với trình độ thạc sĩ, năm học 2020-2021 nhà trường có 872 học viên nhưng năm học 2022-2023 chỉ còn 686 học viên (giảm 186 học viên, tương đương giảm 21,3%).

Quy mô đào tạo sau đại học qua các năm học của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Tuy nhiên, ở hệ đại học chính quy, quy mô đào tạo của trường liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm học 2020-2021 nhà trường có 9.094 sinh viên thì đến năm học 2021-2022 con số này tăng lên 9.679 sinh viên (tăng 585 sinh viên, tương đương tăng 6,4%). Năm học 2022-2023, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy tiếp tục tăng, đạt 10.042 sinh viên (tăng 363 sinh viên, tương đương tăng 3,8% so với năm học 2021-2022).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Ở năm học 2020-2021, tại thời điểm xác định dữ liệu báo cáo 3 công khai vào ngày 31/12/2021, trường đang thực hiện xét học vụ và xét tốt nghiệp nên chưa loại trừ số lượng người học tốt nghiệp và người học thôi học. Số liệu sau khi thực hiện tính lại theo công thức thống nhất như các năm học khác [Quy mô = Số lượng đang học – (tốt nghiệp + thôi học)] là:

Theo lý giải của nhà trường với số liệu này, quy mô đào tạo sau đại học tăng. Theo đó, năm học 2021-2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 88 tiến sĩ (tăng 16 người so với năm học trước); 442 thạc sĩ (tăng 2 người so với năm học trước).

Tương tự, năm học 2022-2023, nhà trường đào tạo 134 tiến sĩ (tăng 46 người so với năm học trước); 686 thạc sĩ (tăng 244 người so với năm học trước).

Đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ có 1 phó giáo sư

Cũng theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu của trường không có sự thay đổi nhiều. Trong đó, tăng số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư, giảm giảng viên trình độ thạc sĩ còn giảng viên có trình tiến sĩ lúc tăng lúc giảm.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy, năm học 2021-2022 nhà trường có tất cả 229 giảng viên cơ hữu (tăng 4 thầy cô so với năm học 2020-2021). Trong đó, giảng viên chức danh phó giáo sư tăng 2, giảng viên trình độ tiến sĩ tăng 34. Tuy nhiên, giảng viên có trình độ thạc sĩ đều giảm 10 thầy cô.

Năm học 2022-2023, nhà trường có 222 giảng viên cơ hữu (giảm 7 thầy cô so với năm học trước). Trong đó, tăng 3 thầy cô chức danh phó giáo sư còn giảng viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đều giảm 16 thầy cô.

Theo đại diện Phòng Truyền thông nhà trường: “Ở năm học 2021-2022, số liệu thống kê đội ngũ giảng viên của trường được lập trước ngày 31/12. Và do biến động tăng và giảm nhân sự diễn ra ở các thời điểm khác nhau trong năm nên khi nhìn vào số liệu của năm học 2021-2022, 2022-2023 thì đội ngũ giảng viên của trường có giảm cơ học tại thời điểm cuối năm.

Trường có ban hành chính sách phát triển, giữ chân và thu hút đội ngũ giảng viên, đặc biệt là chính sách thu hút đối với nhân sự có trình độ cao, tuyển dụng nhà khoa học đầu ngành về công tác tại trường (chính sách thu hút một lần cho nhân sự có trình độ cao về công tác tại trường (350 triệu đồng/giáo sư; 250 triệu đồng/phó giáo sư; 150 triệu đồng/tiến sĩ); thí điểm mô hình quản lý và sử dụng chuyên gia…).

Chính sách về nhân sự của trường được rà soát và cải tiến qua các năm. Kết quả là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường năm 2023 đạt trên 47% (tăng 7% so với năm 2022 là 40,59%). Trong năm 2023, trường có thêm 3 nhân sự đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Với đội ngũ trên, trường đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Đáng chú ý, theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, ngành Quản trị Kinh doanh nhà trường có 17 giảng viên (1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 12 thạc sĩ). Đây là ngành nhà trường có đào tạo trình độ tiến sĩ.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:

Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu… trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.

Căn cứ theo quy định này nhà trường đang thiếu 1 phó giáo sư là điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Ngành Quản trị Kinh doanh nhà trường có đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ có 1 phó giáo sư. (Ảnh chụp màn hình)

Lý giải về vấn đề này, đại diện Phòng Truyền thông của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Số liệu về đội ngũ giảng viên trong báo cáo 3 công khai được trường lập theo đơn vị quản lý giảng viên cả về hành chính lẫn chuyên môn là bộ môn và khoa.

Đối với ngành Quản trị kinh doanh trường vẫn đảm bảo đủ đội ngũ duy trì ngành theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, tức đảm bảo có ít nhất 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình cho ngành Quản trị kinh doanh trình độ tiến sĩ của trường”.

Mặc dù nhà trường khẳng định đủ số lượng giảng viên theo quy định mở ngành nhưng lại không lý giải gì về số liệu trong báo cáo 3 công khai đã công bố.

Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi

Căn cứ vào báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, ở nội dung công khai thông tin số sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường cho thấy năm học 2022-2023 nhà trường có 1.843 sinh viên tốt nghiệp. Trong đó 43,68% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

Tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Phòng Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Năm học 2022-2023, tổng số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường đạt 43,68%. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác đào tạo, sự phấn đấu học tập của người học, với những yếu tố chính như sau:

Phương thức tuyển sinh đầu vào của khóa 2019 (tốt nghiệp trong năm học 2022-2023) dành một lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển học sinh giỏi và tài năng nên nhà trường đã thu hút được nhiều người học giỏi. Năng lực học tập đầu vào tốt chính là yếu tố rất quan trọng để sinh viên đạt được kết quả tốt nghiệp loại giỏi.

Nhà trường luôn đầu tư để tạo điều kiện về môi trường học tập, cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ người học. Giảng viên của trường cũng liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy, hỗ trợ và giúp sinh viên chủ động và độc lập trong học tập nhiều hơn, từ đó đạt hiệu quả cao hơn trong học tập.

Về chất lượng đầu ra đối với các khóa sinh viên tốt nghiệp những năm trước của trường, số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của 03 khóa trước đó như sau:

Năm học 2019-2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đạt: 22,07%;

Năm học 2020-2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đạt: 25,94%;

Năm học 2021-2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đạt: 46,62%.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-kinh-te-luat-tphcm-dao-tao-tien-si-yeu-cau-2-pgs-nhung-truong-chi-co-1-post242502.gd