ĐH Thăng Long nuôi giấc mơ đào tạo nghệ sĩ tỷ đô 'Blackpink Việt'

Mô hình đào tạo âm nhạc ứng dụng ở trường Đại học Thăng Long hướng đến đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp và 'đa zi năng'; có thể vừa hát, sáng tác, vũ đạo, xử lý kỹ luật phòng thu…

Là một trong những trường mang mô hình đào tạo âm nhạc ứng dụng của Hàn Quốc về Việt Nam, ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thăng Long nói về khát vọng đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, góp phần nâng tầm vị thế của nền công nghiệp giải trí Việt Nam.

Ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thăng Long

“Nghệ sĩ tỷ đô” là sự đầu tư bài bản của một nền công nghiệp giải trí

- 4 cô gái trong nhóm nhạc Blackpink của Hàn Quốc đã chinh phục được khán giả Việt Nam và thế giới. Theo ông, tại sao Blackpink trở thành “cơn sốt”?

Nói đến nhóm nhạc Blackpink, chúng ta chỉ tập trung vào hình ảnh của 4 cô gái nổi tiếng. Nhưng thực chất, đằng sau họ là sự hỗ trợ tối đa của nền công nghiệp giải trí, bao gồm thời trang, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… Để phục vụ cho một đêm diễn của Blackpink cần tới 200 chuyên gia ở các lĩnh vực.

Nhưng còn một điều nữa ít được truyền thông nhắc đến, song tôi cho rằng rất quan trọng, đó là quá trình tuyển chọn và đào tạo rất chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Đây là yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc có được những “Blackpink” hội tụ các yếu tố về nhan sắc, giọng hát, vũ đạo…

Thành công của Blackpink nói riêng hay làn sóng văn hóa Hàn nói chung còn có sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ Hàn Quốc.

“Hiện tượng Blackpink” cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm, đối với những người làm giáo dục đào tạo như chúng tôi, hay với các nhà hoạch định chính sách, ngành văn hóa…

Blackpink chính xác là sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. So về chất lượng âm nhạc, tôi đánh giá ở Việt Nam có nhiều nghệ sĩ có chuyên môn cao, hát hay hơn. Tuy nhiên, giọng hát hay là yếu tố “cần” nhưng chưa “đủ”.

Sinh viên Đại học Thăng Long cover 1 bài hát do Blackpink biểu diễn

“Sinh viên ngành âm nhạc của Việt Nam không thua kém Hàn Quốc”

- Là người tâm huyết và mang mô hình đào tạo âm nhạc ứng dụng của Hàn Quốc về Việt Nam, vì sao ông lại quyết định lựa chọn con đường này?

Thời điểm năm 2010, 2012, nhà trường nhen nhóm thành lập khoa về thanh nhạc. Khi ấy, trào lưu nhạc nhẹ đã xuất hiện, nhưng các cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn theo khuynh hướng thính phòng.

Từ nhiều mối quan hệ, chúng tôi đã sang học tập quy trình đào tạo nghệ thuật của các trường nghệ thuật ở Hàn Quốc. Khi sang, chúng tôi thấy rằng đào tạo thanh nhạc của họ khác xa với suy nghĩ truyền thống ở nước ta. Nó là một dây chuyền sản xuất công nghiệp. Họ đào tạo ra một nghệ sĩ biết hòa âm, phối khí, đánh một loại nhạc cụ, nhảy, thu âm. Để tốt nghiệp, sinh viên phải thi hát đơn, hát nhóm, tự sáng tác, ra được MV…

PGS.TS Trần Ngọc Lan - Trưởng Khoa Âm nhạc ứng dụng trong 1 tiết dạy cho sinh viên

“Âm nhạc ứng dụng” là cụm từ chưa từng xuất hiện trong việc đào tạo âm nhạc ở Việt Nam. Câu chuyện dạy cái gì và ai sẽ dạy cũng là một vấn đề lớn. Về phía người dạy, thầy cô phải “quên” đi cách dạy cũ để chuyển sang cách dạy hoàn toàn khác.

Năm 2016, khoa Âm nhạc ứng dụng của trường chúng tôi chính thức thành lập với sự chuyển giao giáo trình từ 2 trường nghệ thuật hàng đầu Hàn Quốc là Seoul Culture Arts University và Woosong University. Suốt quãng thời gian đầu, chúng tôi liên tục đưa sinh viên, giảng viên sang Hàn Quốc học tập, trao đổi. Sinh viên Hàn Quốc cũng thường xuyên sang để cùng giao lưu. Có thời điểm, chúng tôi đón gần 30 sinh viên Hàn Quốc của trường Seoul Art tới giao lưu.

Trường Đại học Thăng Long thường xuyên giao lưu học hỏi với các trường đại học ở Hàn Quốc

Sinh viên Trường Seoul Art tới Đại học Thăng Long giao lưu, biểu diễn cùng sinh viên Khoa Âm nhạc ứng dụng

- Sau 4 khóa tốt nghiệp, ông cảm thấy những thế hệ sinh viên này có làm được những điều như kỳ vọng?

Hiện tại, sản phẩm đầu ra đã đạt được kỳ vọng. Sinh viên Đại học Thăng Long không thua kém sinh viên các trường nghệ thuật hàng đầu của Hàn Quốc.

Sau khi tốt nghiệp, nhiều em đã trở thành nhạc sĩ, nhà sáng tác, đi thi các chương trình về âm nhạc nổi tiếng và đạt được thành tích cao.

Do đó, tôi luôn tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra được những nhóm nhạc chuyên nghiệp như Blackpink.

- Theo ông, để có thể đào tạo ra những nhóm nhạc tỷ USD như Blackpink đòi hỏi những yếu tố gì?

Hiện nay, K-pop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 2014 - 2023, riêng nhóm nhạc BTS đã thu về cho Hàn Quốc tới 21,5 tỷ USD.

Những nhóm nhạc này không những truyền bá được văn hóa của một dân tộc mà còn là sức bật cho một nền kinh tế. Đằng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám ấy là một “cỗ máy” được vận hành chuyên nghiệp.

Việt Nam muốn làm được như vậy, theo tôi, chúng ta phải có một chiến lược quy mô quốc gia với tầm nhìn dài hạn từ đào tạo đến đầu tư, quảng bá…Tôi tin con người Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những chương trình không thua kém gì “Blackpink Hàn Quốc” và tạo nên một nền công nghiệp giải trí rực rỡ.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dh-thang-long-nuoi-giac-mo-dao-tao-nghe-si-ty-do-blackpink-viet-2186727.html