ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng chỉ đạo của TLĐ không phù hợp

Chiều tối 9/6, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) vừa có ý kiến phản hồi lại các thông tin mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) đề cập trong công văn cơ quan này gửi cho Bộ GD&ĐT mới đây xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đại diện TDTU cho rằng chỉ đạo của TLĐ không phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được ghi nhận là một trong những mô hình tự chủ ĐH điển hình

TDTU cho rằng TLĐ dùng luật cũ?

Theo đại diện TDTU, ngày 14/2/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 499/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo các trường thực hiện những chuẩn bị cần thiết như sửa đổi qui chế, kiện toàn Hội đồng trường... theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một điều của luật GDĐH (Luật số 34) để bảo đảm thực hiện sau ngày 1/7/2019. Như vậy, việc chuẩn bị trên phải căn cứ trên Luật số 34.

Văn bản 655 của TLĐ lại chỉ đạo căn cứ theo Luật GDĐH năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014, nghĩa là theo qui định hiện hành. Chỉ đạo này không sai, nhưng chỉ có giá trị đến hết 30/6/2019 này.

Trong khi Bộ GD&ĐT thì chỉ đạo chuẩn bị nội dung theo tinh thần luật mới mới để thực hiện sau 1/7/2019. Như vậy, chỉ đạo của TLĐ không phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cũng theo đại diện TDTU, Luật số 34 là sự thể hiện cao nhất ý chí lãnh đạo của Đảng tại Nghị quyết TW 6. Hiệu trưởng trường đại học do Hội đồng trường thực hiện thủ tục bầu; cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận.

Khoản 3, Điều 16, Luật số 34 qui định rõ thẩm quyền quyết định nhân sự của trường đại học. Với quy định này, thành viên hội đồng trường được chia thành 3 nhóm:

1) nhóm thành viên đương nhiên không do bất kỳ cơ quan nào chỉ định, gồm có bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn và đại diện ban chấp hành đoàn trường (là người học);

2) nhóm thành viên trong trường được tập thể giảng viên, viên chức và người lao động bầu;

3) nhóm thành viên ngoài trường. Trong nhóm này, chỉ có thành viên đại diện cơ quan quản lý do cơ quan quản lý cử. Còn lại phải do tập thể người lao động, giảng viên, viên chức bầu.

 SV TDTU trong giờ học thực hành. Ảnh TDTU

SV TDTU trong giờ học thực hành. Ảnh TDTU

Đại diện TDTU cũng cho rằng, việc TLĐ chỉ đạo nhân sự hội đồng trường và nhân sự Ban giám hiệu phải theo các quy định của TLĐ về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn…(Công văn 655) là sự nhầm lẫn.

Thành viên Hội đồng trường, thành viên Ban giám hiệu của TDTU không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật Công đoàn và Điều lệ công đoàn; nên việc buộc nhân sự của nhà trường phải theo quy định về cán bộ công đoàn các cấp là không đúng pháp luật.

Theo Điều 5, Điều lệ công đoàn: “Cán bộ Công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ Tổ phó Công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại Đại hội hoặc Hội nghị Công đoàn; được cấp Công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”.

Với căn cứ pháp lý này, thành viên hội đồng trường và ban giám hiệu TDTU không là cán bộ công đoàn các cấp nên việc bầu hoặc bổ nhiệm không thể áp dụng các quy định của TLĐ về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp”.

Bên cạnh đó, đại diện TDTU cũng cho rằng không thể áp dụng quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong Tổ chức Công đoàn đối với thành viên hội đồng trường và Ban giám hiệu TDTU vì các đối tượng này không là công chức; mà là viên chức theo pháp luật viên chức.

Tất cả các quy định của TLĐ về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức của tổ chức công đoàn mà không áp dụng cho viên chức.

Thông báo số 453/TB-VPCP ngày 10/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về áp dụng chế độ công chức đối với Ban giám hiệu TDTU có nêu rõ (mục 2):

Việc xác định công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập phải dựa trên nguyên tắc là đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không còn công chức.

Bất kỳ nhân sự nào của TDTU đều không hưởng lương từ ngân sách ngay từ khi trường được thành lập (năm 1997 đến nay). Nên TDTU không có công chức. Qui định của TLĐ không áp dụng cho TDTU được.

Công nhận giáo sư cho ông Lê Vinh Danh là hợp lệ?

Liên quan đến nội dung TLĐ đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét tính hợp pháp việc phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng TDTU - và tự phong giáo sư cho giảng viên của trường đại học này, đại diện TDTU cho rằng, việc công nhận chức danh Giáo sư cho ông Lê Vinh Danh đã được Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT thực hiện đúng qui trình và thủ tục theo qui định hiện hành.

Việc Ban Tổ chức trung ương căn cứ công nhận này để bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp cho ông Danh vào tháng 1/2013 là theo đề nghị của chính TLĐ.

Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong trường đại học đã tự chủ là chuyện nội bộ của trường; được thực hiện quyền hạn của trường tự chủ được cho bởi quyết định thí điểm của của Thủ tướng, nghị quyết của hội đồng trường và quy chế, quy định nội bộ của trường.

Theo đại diện TDTU, về nguyên tắc, các vấn đề do TLĐ đặt ra phải được giải đáp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) và Quyết định 105 của Ban chấp hành TW về công tác cán bộ.

Tuy nhiên, những nội dung mà TLĐ chỉ đạo Hội đồng trường và Ban Giám hiệu TDTU đa số không phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành và Công văn 499/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Công Chương

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dh-ton-duc-thang-cho-rang-chi-dao-cua-tld-khong-phu-hop-4009851-v.html