ĐHĐCĐ bất thường CII: Doanh nghiệp chỉ nói tới tồn tại, không đề cập tăng trưởng

Sáng 17/10, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần thứ hai thành công.

Tính tới 9h sáng ngày 17/10, đại diện CII cho biết ghi nhận 95 cổ đông tham gia trực tiếp và được ủy quyền tham dự, tương ứng hơn 96,9 triệu cổ phiếu và chiếm 34,13 % vốn điều lệ. Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 đã đủ điều kiện tổ chức.

Tại Đại hội, CII thông qua điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, khi bổ sung chi tiết lĩnh vực kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng).

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc cho biết, phát triển hạ tầng giao thông là lĩnh vực trọng yếu, Công ty đặt ra một số tiêu chí, dự án phải kết nối các dự án hiện hữu; có quy hoạch, nằm trong quy hoạch phát triển của Chính phủ; các dự án hài hòa lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư.

Dựa trên kế hoạch phát triển chiến lược giai đoạn 2024-2030, Công ty đã xin ý kiến cổ đông cho phép Công ty bố trí ngân sách để đẩy mạnh nghiên cứu các dự án BOT, các dự án hạ tầng giao thông khác; cho phép Công ty bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.

CII muốn nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng (Nguồn: CII)

Được biết, CII dự kiến đưa ra danh mục các dự án BOT với tổng quy mô 75.000 tỷ đồng bao gồm 6 dự án triển khai công tác nghiên cứu đầu tư bao gồm dự án Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM với vốn đầu tư 19.059 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với tổng vốn đầu tư 11.982 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh với tổng vốn đầu tư 10.108 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với vốn đầu tư 6.625 tỷ đồng; và cuối cùng, dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với vốn đầu tư 5.048 tỷ đồng.

Phần thảo luận:

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông:

Cổ đông nhà nước (Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM) hỏi, đề nghị HĐQT tính khả thi, khả năng, đảm bảo gắn với hiệu quả kinh doanh, tránh đầu tư dàn trải, để có nguồn trả nợ, trả cổ tức. Thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo đúng nghị quyết đã thông qua?

Ông Bình cho biết việc xem xét cận trọng trong đầu tư, đảm bảo khả năng thanh khoản cho công ty, nếu mà Công ty căn cứ luật và điều lệ, tuy nhiên HĐQT đưa ra chủ trương nghiên cứu, điều này thể hiện tính thận trọng với các dự án đầu tư mới.

Đây là dự án quy mô lớn, toàn nghìn tỷ, chỉ một bước sai sẽ sa lầy, việc nghiên cứu cẩn trọng luôn được đưa lên hàng đầu. Cổ đông hoàn toàn yên tâm, việc nghiên cứu, đánh giá khả thi sẽ được xem xét, cẩn trọng.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT, chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chủ yếu là dự án của CII. Các dự án khi nhà nhà đầu tư, người người đầu tư, Công ty đã chọn vài dự án để làm, chỉ dự án có tính khả thi, mới thực hiện, đây là tính xuyên suốt trong hơn 20 năm qua.

Về cổ phiếu thưởng, Công ty sẽ phát hành sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, vì nếu phát hành trước trái phiếu chuyển đổi, sẽ dẫn tới thay lượng số cổ phiếu.

Tình hình kết quả kinh doanh quý III như thế nào?

“Năm 2023, doanh nghiệp nào còn tồn tại là mừng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cơ sở hạ tầng, bất động sản, gần như nhiều doanh nghiệp chỉ nói tới tồn tại, không đề cập tăng trưởng. Trong đó, Công ty CII không phải ngoại lệ”, ông Bình nhấn mạnh.

Kết quả kinh doanh quý III và cả năm không đạt được kỳ vọng, như kế hoạch đầu năm, các hồ sơ pháp lý dự án bất động sản gần như không có dự án nào chạy được, hai lĩnh vực chính của Công ty là hạ tầng và bất động sản bị ảnh hưởng, vì vậy, khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

“Cả thị trường chưa tốt, Công ty cũng không tránh khỏi, nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo”, ông Bình cho biết thêm.

Việc tổng giám đốc và vợ bán cổ phiếu, việc lãnh đạo không cầm cổ phiếu sẽ rất rủi ro cho cổ đông?

Việc bán ra toàn bộ cổ phiếu của ông Bình và vợ, ông Bình cho biết mục đích chuyển từ cổ đông sang chủ nợ, thực ra, cổ đông nhầm lẫn lớn giữa cổ đông và chủ nợ. Thực ra, trái phiếu chuyển đổi là cổ đông, nếu trường hợp xấu mà phải xử lý tài sản thì sở hữu trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu như nhau.

Đây là khoản đầu tư dài hạn vào CII, đây là đầu tư dài hạn, nếu như nắm giữ cổ phiếu không mua bán được, nắm giữ trái phiếu, số lượng trái phiếu khi chuyển đổi sẽ được nhiều cổ phiếu hơn. Nếu khi nào ông Bình nghỉ hưu, ông Bình mới nghĩ tới không nắm giữ CII, bây giờ đầu tư gì cũng rủi, CII đang có dòng tiền ổn định, mua trái phiếu CII là khoản đầu tư thông minh.

“Sau khi bán cổ phiếu ra, sẽ đăng ký mua trái phiếu, có thể bỏ thêm tiền nữa để mua trái phiếu phát hành thêm”, ông Bình nhấn mạnh.

Các dự án cũ chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, lợi nhuận chưa tốt, hiện nay dự nợ rất nhiều có nên xét xét đầu tư dự án mới?

Chúng ta đang có một câu chuyện, áp dụng tiêu chuẩn kế toán VAS không phù hợp với dự án BOT, áp dụng IFRS, cuối kỳ sẽ đánh giá lại tài sản Công ty. Trong đó, Công ty đã thuê người để chuyển đổi phương án sử dụng IFRS, khi đó sẽ nhận thấy dòng tiền và sức khỏe thực sự của Công ty.

“Ngay bây giờ không bắt tay đầu tư dự án mới, thì 3 năm tới sẽ thiếu dự án mới, vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư dự án mới”, ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng đầu tư dự án mới.

Ban lãnh đạo có cam kết trả cổ tức đều hàng quý, hay chỉ trả một vài quỹ?

Không ai cam kết sẽ thực hiện chính sách mãi mãi, Công ty không cam kết chắc chắn. Tuy nhiên, với tình hình tài chính hiện tại, nếu phát hành trái phiếu thành công, và các dự án đang sở hữu, Công ty có khả năng trả đều 4%/quý cho cổ đông.

Nếu cổ đông muốn chắc chắn chi trả thì mua trái phiếu chuyển đổi, còn cổ đông thì phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của Công ty.

Đề nghị nhanh chóng thực hiện dự án, cũng như trả cổ tức cho cổ đông?

Các dự mà công ty đề xuất khả năng phải năm 2025 mới có đấu thầu chọn nhà đầu tư, Công ty từ thời điểm hiện tại đã bắt tay nghiên cứu.

Về việc chia cổ tức bằng tiền, khi nào hoạt động kinh doanh đảm bảo thanh toán đúng và đầy đủ các khoản nợ đúng hạn mới được chia cổ tức cho cổ đông. Áp lực tài chính, áp lực về tiền để đưa các công trình về đích nên các năm trước không trả cổ tức, năm nay đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, Công ty có dòng tiền ổn định hơn nên sẽ tự tin trả cổ tức 4% vào đầu quý.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dhdcd-bat-thuong-cii-doanh-nghiep-chi-noi-toi-ton-tai-khong-de-cap-tang-truong-d201020.html