ĐHĐCĐ Sacombank: Rút lộ trình xử lý nợ xuống 5 năm, kế hoạch 2018 lãi 1.838 tỷ

Đại hội Sacombank tiến hành bầu thêm 2 thành viên HĐQT mới là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc ngân hàng và ông Nguyễn Văn Huynh – Thành viên HĐQT Chứng khoán Liên Việt, Tập đoàn Liên Việt.

Sáng ngày 20/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank (HOSE: STB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 đã thông qua các nội dung HĐQT trình và bầu mới 2 thành viên HĐQT.

Quý I lãi 504 tỷ đồng

Đại hội thảo luận:

Tại sao 2 năm nay Sacombank không chia cổ tức?

Ông Dương Công Minh: Nguyên nhân do ngân hàng đang thực hiện theo Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt nên phải tăng trích lập để tăng cường vốn, ngân hàng có lãi dự thu 21.000 tỷ, tức là lãi ghi nhận nhưng chưa có thật, cần phải trích lập.

Cổ đông có hai phương án là bán cổ phiếu hoặc chờ nhận cổ tức. Theo đề án là 10 năm tái cơ cấu xong nhưng ban lãnh đạo mới vào cam kết 5 năm, nợ xấu 100.000 tỷ ban lãnh đạo đã xử lý được gần 20.000 tỷ. Muốn hoàn tất đề án tái cơ cấu thì cần con người nên phải thưởng lớn để giữ người và khuyến khích làm việc.

Tại sao trích thưởng lớn cho cán bộ công nhân viên?

Ông Dương Công Minh: Quy mô của ngân hàng cũng tương đương các ngân hàng như EIB, ACB, MBB, lương bình quân của STB là 14 triệu đồng/người/tháng, thu nhập thực tế là 16 triệu đồng/người/tháng (đã bao gồm thưởng). Mức này thấp hơn các ngân hàng ACB, MBB và chỉ bằng EIB. Do vậy, ngân hàng cần có chính sách để giữ được người, thực tế mức này chưa cạnh tranh được và vẫn bị các ngân hàng khác lôi kéo.

Ngân hàng đang có giải pháp đẩy lương kinh doanh lên để giữ người giỏi.

Chủ tọa đoàn làm rõ kế hoạch xử lý nợ xấu từ 4,59% xuống 3%?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tối thiểu năm nay phải xử lý 15.000 tỷ, quý I chưa xử lý được nhiều nhưng từ quý II, III và IV sẽ đẩy mạnh.

Kết quả kinh doanh quý I?

Bà Diễm: Tăng trưởng tính dụng đạt 3% tương đương 232.061 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng đạt 27,7% kế hoạch năm.

Sacombank có chủ trương tăng vốn không, M&A công ty mở rộng quy mô không?

Ngân hàng chỉ có kế hoạch tăng quy mô chi nhánh, phòng giao dịch. Ngân hàng đã có đề án tái cơ cấu chi nhánh, phòng giao dịch để trình NHNN thông qua.

Chuyện sáp nhập là không có, chỉ tăng quy mô cho công ty con ở Campuchia, Lào.

Muốn tăng vốn ngân hàng cũng phải chờ 2 đến 5 năm.

Mô hình điều hành của ngân hàng hiện nay là HĐQT điều hành ngân hàng và đây là mô hình chuẩn trên thế giới.

Cổ phiếu STB tăng không vì ban điều hành mà vì xu hướng chung?

Ông Dương Công Minh: Cổ phiếu tăng vì xu hướng chung chỉ là một phần nhưng tình trạng Sacombank đã khá hơn thì mới tăng như hiện nay được.

Việc nhà đầu tư kinh doanh cổ phiếu thì ban lãnh đạo không kiểm soát được vì đó là quan điểm đầu tư của nhà đầu tư. Ban điều hành cũng rất trăn trở với những người mua cổ phiếu đã lâu, chờ nhận cổ tức và ban điều hành đang cố gắng làm việc.

Ban điều hành cố gắng năm 2018 và cùng lắm là 2019 xin NHNN chia cổ tức cho cổ đông. Ban điều hành xin hứa tối đa là 5 năm và tối thiểu là 3 năm sẽ tái cơ cấu xong và sau tái cơ cấu các năm sau đều có cổ tức cho cổ đông.

Ngân hàng có chiến lược thế nào để phát triển mảng bán lẻ?

Ông Minh: Theo đánh giá của các tổ chức Fintech thì Sacombank là đơn vị có hệ thống công nghệ tốt nhất Việt Nam, kinh doanh thẻ của Sacombank của số 1, QR code cũng đi đầu và tới đây là ví ngân hàng (ngân hàng số).

Việc thí điểm basel II thực tế Sacombank đã thực hiện đến đâu?

Ông Minh: Sacombank đã đăng ký với NHNN, cuối năm 2019 xong hiện đã đi được 1/3 lộ trình.

Sacombank có cơ chế kiểm soát để tránh thất thoát cho vay không? Ví dụ như Công ty 584 vay tiền rồi cho đơn vị khác thực hiện dự án của Him Lam?

Ông Minh: Công ty 584 có vay ngân hàng 1.000 tỷ và đã trả còn 284 tỷ thế chấp dự án ở Tân Phú. Khoản nợ này là do từ Ngân hàng Phương Nam qua không liên quan Sacombank. Sacombank vốn có gốc quản trị rủi ro cực tốt và trước khi ông vào Sacombank thì phải giải quyết dứt điểm mọi vấn đề liên quan, NHNN soi rất kỹ vấn đề này.

Có chiến lược để ngân hàng tăng trưởng vượt trội?

Ông Minh: Thực tế ngân hàng không bứt phá được vì có các tài sản xấu không xin lời, ban điều hành đang cố gắng xử lý. Với thị trường bất động sản ấm hơn, cơ chế thông thoáng hơn thì ngân hàng sẽ xử lý nhanh nợ xấu để làm gia tăng mức sinh lời cho cổ đông.

Mảng bán lẻ như đã chia sẻ thì ngân hàng đã triển khai rất tốt và kỳ vọng tạo đà bứt phá cho ngân hàng.

Bầu mới hai thành viên HĐQT

Tại đại hội, HĐQT trình thông qua đơn từ nhiệm của ông Kiều Hữu Dũng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank.

Việc ông Kiều Hữu Dũng từ nhiệm và đại hội năm 2017 mới bầu được 6 thành viên HĐQT (có 1 thành viên HĐQT độc lập) đã khiến ngân hàng khuyết 2 thành viên HĐQT. Do đó, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua cơ cấu HĐQT mới gồm 7 thành viên có 2 thành viên độc lập; ban kiểm soát có 4 thành viên với 3 người chuyên trách và 1 không chuyên trách.

Các ứng cử viên được đề cử tại đại hội gồm:

(1) Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, sinh năm 1973, hiện đang làm Tổng giám đốc Sacombank. Bà được HĐQT Sacombank đề cử làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021.

(2) Ông Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1953, hiện đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Liên Việt, thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Liên Việt, Thành viên HĐQT CTCP Thẩm định giá và dịch vụ Tài chính Sài Gòn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH H.T.H. Ông được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.

Cuối cùng, HĐQT trình cổ đông việc trích thưởng 20% đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm 2018 để thưởng cho tập thể CBCNV Sacombank. Mục tiêu khuyến khích cán bộ công nhân viên ngân hàng ra sức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 tạo đà rút ngắn thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt. Năm 2017, ngân hàng cũng đã trích 20% phần vượt kế hoạch, ứng với 181,3 tỷ đồng.

Cổ tức năm 2017 và 2018 thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank đã được NHNN phê duyệt.

Sẽ rút ngắn lộ trình xử lý nợ xấu xuống ½ chặng đường theo đề án

Tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng tính đến cuối năm 2017 đạt 368.449 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tổng huy động vốn đạt 338.432 tỷ đồng, tăng 11%; tổng dư nợ tín dụng 225.595 tỷ đồng, tăng 12,5%; tỷ lệ nợ xấu ở 4,59%.

Số dư dự phòng rủi ro là 5.510 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm (tương đương 213 tỷ đồng). Năm 2017, Sacombank đã thực hiện trích lập dự phòng và phân bổ lãi dự thu theo năng lực tài chính là 905 tỷ đồng, vượt 235 tỷ đồng so với mục tiêu kế hoạch tại đề án. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.492 tỷ đồng, gấp 9,6 lần năm trước và đạt 255% kế hoạch.

Ban giám đốc cho biết sau 7 tháng Đề án tái cơ cấu Sacombank được thông qua, ngân hàng đã hoàn tất tái cấu trúc bộ máy hoạt động, chính thức ký hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 20 năm với Dai-ichi Life Việt Nam vào tháng 9/2017, xử lý được 19.665 tỷ nợ xấu và tài sản tồn đọng gồm 15.365 tỷ thuộc đề án. Về trái phiếu VAMC, ngân hàng đã thu hồi được nợ gốc là 9.170 tỷ đồng, tất toán 7.517 tỷ đồng. Về tài sản nhận cấn trừ, ngân hàng thu hồi và xử lý được 2.786 tỷ đồng, số dư đến cuối năm 2017 là 6.546 tỷ đồng.

Nhiệm vụ trong thời gian tới của ngân hàng là xử lý nợ xấu kéo tỷ lệ về dưới 3%, rút ngắn lộ trình xử lý nợ xấu xuống ½ chặng đường thực hiện đề án đã được NHNN phê duyệt.

Kế hoạch kinh doanh cụ thể của Sacombank cho năm 2018 là tổng tài sản tăng 16,9% lên 430.900 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động tăng 17,9% lên 399.500 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 13,1% lên 255.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-sacombank-rut-lo-trinh-xu-ly-no-xuong-5-nam-ke-hoach-2018-lai-1-838-ty-20180420102447421p149c165.news