ĐHĐCĐ SHB: Cổ đông đề nghị chia cổ tức bằng tiền

Sau khi thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng 46% so với hiện tại, lên mức 17.571 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của SHB.

Chiều nay (23/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Kế hoạch lợi nhuận 3.068 tỷ đồng, tăng trưởng 46,5%

Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc ngân hàng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2019. Theo đó, năm nay, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tiếp tục trong top 5 NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với mức tăng bình quân từ 15-20%/năm.

Quy mô huy động vốn thị trường 1 xếp thứ 4 trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Thị phần cấp tín dụng mục tiêu tăng 0,4% so với năm 2018, xếp top 5 trong hệ thống NHTMCP tư nhân lớn nhất.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng/tổng dư nợ dưới 3%, tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ dưới 5%.

Lãnh đạo SHB cho biết, dự kiến năm 2019 sẽ thu hồi được 3.500 tỷ đồng nợ xấu, đồng thời sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, trong đó trích dự phòng rủi ro các khoản nợ đã bán VAMC năm 2019 dự kiến 2.164 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể cho năm 2019 bao gồm vốn điều lệ tăng thêm 5534 tỷ đồng lên 17.571 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 372.917 tỷ đồng, huy động vốn đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,64%; dư nợ tín dụng đạt 261.592 tỷ đồng, tăng 13%.

Lợi nhuận trước thuế đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 46,5% so với năm 2018. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2019 dự kiến là 11%.

Trả cổ tức 21% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 17.571 tỷ đồng

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận còn lại của ngân hàng là gần 2.533 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%.

Bên cạnh đó, ngân hàng dự tính phát hành 300,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 3.007 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2019.

Sau khi thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng 46% so với hiện tại, lên mức 17.571 tỷ đồng.

Thành lập ngân hàng con ở Bở Biển Ngà

Cũng tại cuộc họp, HĐQT SHB trình cổ đông thông qua kế hoạch thành lập ngân hàng con 100% vốn đầu tư của SHB hoặc góp vốn đầu tư vào một tổ chức tín dụng tại Bờ Biển Ngà để mở rộng sự hiện diện của SHB vào thị trường Châu Phi.

Chia sẻ thêm về kế hoạch này, lãnh đạo SHB cho biết, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà không ngừng tăng lên, chủ yếu là các dự án xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Do đó, nhu cầu về vốn và các hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng lên nhanh chóng, trong khi đó sự hiện diện của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại khu vực này chưa có.

Việc SHB hiện diện tại thị trường này sẽ góp phần thực hiện kế hoạch chiến lược của Chính phủ về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với thị trường Châu Phi.

Phần Q&A:

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hiện hơn 11%, như vậy có cần thiết phải dùng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn hay không? Nên chăng ngân hàng có thể chia một phần cổ tức bằng tiền?

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB: Tôi cũng rất chia sẻ với các cổ đông, bởi bản thân tôi cũng là cổ đông của ngân hàng. Và vì mình là chủ nên quan tâm đến đứa con - là ngân hàng của mình.

SHB có nhận sáp nhập Habubank nhưng đang phải xử lý nợ xấu của ngân hàng này, trong đó có khoản nợ xấu của Vinashin.

Khi nhận sáp nhập, theo đề án đã được phê duyệt, riêng khoản nợ xấu này được bán cho VAMC và được trích lập dự phòng trong vòng 8 năm. Và theo quy định, ngân hàng có trái phiếu VAMC trên 5 năm thì không được chia cổ tức.

Từ nay đến hết tháng 9, chúng tôi sẽ cố gắng xử lý chỗ trái phiếu VAMC để kéo xuống thời hạn dưới 5 năm để tháng 10 chốt danh sách trả cổ tức.

Bên cạnh đó, hiện tất cả các ngân hàng đều đang hướng đến đáp ứng chuẩn Basel 2. Riêng SHB đặt kế hoạch chậm nhất đến năm 2020 phải đạt chuẩn. Theo đó, ngân hàng buộc phải tăng vốn.

Ngoài ra, SHB cũng đang phát triển công ty tài chính tiêu dùng cũng như mở rộng hoạt động tại Bờ Biển Ngà nên cũng cần tăng vốn để phục vụ kinh doanh.

Xin Ban lãnh đạo cho biết cụ thể hơn vấn đề nợ xấu? Khối nợ xấu chuyển từ Habubank sang là bao nhiêu? SHB đã thu hồi được bao nhiêu?

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB: Năm 2018 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 2,4%, sang năm 2019 sẽ phấn đấu giảm dần.

Nợ xấu của Habubank tại thời điểm nhận sáp nhập là hơn 13 nghìn tỷ, sau khi sáp nhập, hiện đã xử lý được hơn 6 nghìn tỷ.

NIM của SHB thấp hơn so với ngân hàng khác, liệu ngân hàng có kế hoạch nào để cải thiện NIM?

NIM 2018 hơn 2% do trong năm 2018 ngân hàng sáp nhập Habubank nên NIM giảm. Trong năm 2019 sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, giao chỉ tiêu KPI cho nhân viên để phấn đấu NIM đạt 3,1-3,5% và sẽ tăng dần trong các năm sau.

Sau khi áp chuẩn Basel 2, hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng là bao nhiêu?

Nếu áp dụng theo Basel 2, tỷ lệ CAR của ngân hàng là 8,6%

Xin Ban lãnh đạo cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2019?

Đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 334 nghìn tỷ, huy động trên thị trường 1 đạt 225 nghìn tỷ, tăng trưởng trên 5% so với đầu năm, dư nợ cho vay là 246 nghìn tỷ, tăng trưởng 6,1%.

Kết thúc quý I/2019, lợi nhuận ngân hàng đạt 743,9 tỷ đồng.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/dhdcd-shb-len-ke-hoach-loi-nhuan-3068-ty-dong-tra-co-tuc-21-3503626.html