ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Chuyển sang niêm yết trên HoSE muộn nhất đầu năm 2018

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết sẽ sớm trình Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, cũng như định hướng nâng cao đội tàu bay thế hệ mới, kế hoạch mở rộng mạng bay và hứa sớm niêm yết trên HOSE theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Sáng ngày 20/6/2017, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN-UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Thay mặt ban Chủ tọa, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm và kế hoạch kinh doanh năm 2017. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 1.711 tỷ đồng, vượt kế hoạch 9,1%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.601 tỷ đồng, vượt kế hoạch 12%.

Cơ cấu vốn thay đổi theo hướng tích cực. Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 5,2 lần trong năm 2015 giảm còn 3,94 lần trong năm 2016, phấn đấu về mức trên dưới 3 lần vào cuối năm 2017.

Trong năm 2017, Vietnam Airlines phấn đấu doanh thu hợp nhất năm 2017 tăng trưởng 22,7% lên 87.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại đạt 1.338 tỷ đồng, giảm 36,4%.

Hàng loạt các câu hỏi đã được cổ đông gửi tới ban Chủ tọa về định hướng hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, hỗ trợ từ phía cổ đông chiến lược ANA Holding, quan điểm về hàng không giá rẻ cũng như hoạt động của các công ty con như Jeststar (JPA), SkyViet,.... Đáng chú ý, lãnh đạo công ty cũng đã có câu trả lời về kế hoạch chuyển sàn niêm yết cổ phiếu HVN.

Phát triển hàng không giá rẻ ở mức "vừa đủ", tiếp tục nghiên cứu để VASCO hoạt động

Tổng công ty có thể tham khảo về mô hình HĐQT mới với tiểu Ban kiểm soát. Luật doanh nghiệp mới đã cho phép bỏ Ban kiểm soát.

HĐQT cho biết sẽ tiếp thu và đưa nội dung cơ cấu lại HĐQT lẫn Ban kiểm soát vào chương trình tái cơ cấu Tổng công ty. Trọng tâm của tái cơ cấu cũng được Chủ tịch Phạm Ngọc Minh cho biết là cổ đông Nhà nước tiếp tục thoái vốn về mức trên 50% và dưới 65% theo Nghị định 58 được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Tổng công ty vẫn đạt trên 80%.

Định hướng của HVN trong tổng thể hàng không trong nước và quốc tế?

Tổng giám đốc Dương Trí Thành: Hàng không giá rẻ vào Việt Nam từ năm 2007 với sự ra đời của JPA. Bản thân HVN đã nghiên cứu về hàng không giá rẻ từ rất sớm. Việc chuyển giao cổ phần Nhà nước từ SCIC sang HVN trước hết là đúng mô hình mà Vietnam Airlines hướng tới. Ở thị trường nội địa, HVN hiện đang thông qua thương hiệu kép, kết hợp với JPA.

Tuy nhiên, định hướng của Vietnam Airlines đối với việc phát triển hàng không giá rẻ là thực hiện cân đối trong mạng bay, phát triển vừa đủ để đảm bảo thị phần.

Vietnam Airlines hướng đến khách hàng trung thành thông qua chương trình khách hàng thường xuyên. Giá trị này theo ông Thành là giá lớn nhất và cơ bản mà không phải hãng nào cũng có được.

Công ty sẽ tiếp tục đường bay xuyên lục địa. Đối với đường bay thẳng đến châu Âu hiện chỉ có Vietnam Airlines tham gia do đường bay nhiều cạnh tranh và hiệu quả thấp. Tuy nhiên, Công ty sẽ vẫn duy trì do nhiệm vụ xã hội.

Trong 3 năm tới, HVN định hướng là hãng hàng không truyền thống giá trị cao, 4 sao tiến tới 5 sao, nòng cốt khách hàng cơ bản, tiềm năng. Cùng với thương hiệu kép ở nội địa và kết hợp với liên minh trên đường bay quốc tế.

Sự hợp tác với ANA Holdings hiện chỉ theo hướng tiếp nối thế mạnh của nhau, HVN đã có chương trình kích cầu du lịch nào khai thác tối đa hỗ trợ từ cổ đông chiến lược?

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết việc kết nối mạng bay của hai hãng đã được thực hiện ngay sau khi HVN hợp tác chiến lược với ANA Holdings. Hiện hai bên cũng đã kết nối cơ sở dữ liệu hai nhóm khách hàng thường xuyên, thực hiện tích điểm được sử dụng tạo ra sự trung thành cho hai hệ thống.

HVN đóng góp tích cực trong đẩy mạnh du lịch Việt Nam. Riêng với thị trường Nhật Bản, HVN đã khai thác tại thị trường này 25 năm. Sau khi hợp tác, hai bên đã tham gia vào việc hoàn thiện mạng bay. JPA thời gian tới sẽ mở đường bay từ Hà Nội/ Đà Nẵng đến Osaka. Với chính sách kích thích du lịch từ Chính phủ Nhật, lượng khách vào Nhật Bản tăng gấp đôi sau 3 năm.

Tiếp tục nghiên cứu phương án để VASCO hoạt động?

Công ty cổ phần Hàng không SkyViet được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO).

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết VASCO là chi nhánh của Vietnam Airlines và dự kiến sẽ thành công ty bay gom tụ bay đến các vùng không sử dụng được máy bay Jet và phản lực, như Điện Biên, các tỉnh vùng sâu vùng xa. SkyViet sau khi thành lập sẽ nằm trong tổng thể group của Vietnam Airlines và có dải sản phẩm hoàn thiện.

Về khía cạnh pháp lý chung, Bộ GTVT đã có văn bản cuối cùng trình Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh chủ trương thành lập VASCO dự là một trong những nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc Bộ GTVT ra chủ trương là đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, thủ tục hành chính lâu, cổ đông tư nhân đã đề nghị giải thể công ty và rút vốn. HVN vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án để VASCO hoạt động.

Thu nhập, cách hạch toán khi Vietnam Airlines khi thực hiện bán và thuê lại (SLB)?

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Khi thực hiện bán và cho thuê lại, Công ty đảm bảo không lỗ nhưng mức lãi thấp. Mục đích của Vietnam Airlines nhằm cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh, giảm tỷ lệ nợ mà không vì mục tiêu lợi nhuận. Và thực tế khi thực hiện phương thức này, giá rẻ hơn nhiều so với trước đây.

Giá cổ phiếu HVN đang khá ổn định và rất sát

Tại sao giá cổ phiếu lại thấp như vậy?

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Giá cổ phiếu HVN khi thực hiện cổ phần hóa đã được các định chế tài chính lớn quốc tế như Goldman Sachs tư vấn xác định. Khi thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phiếu tiếp tục được các tổ chức tư vấn tài chính định giá với giá chào sàn 28.000 đồng/cp. Trong một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu HVN giao dịch trong khoảng 25.000 – 29.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu theo ông Hiền là đang khá ổn định và “rất sát với chuẩn mực của một hãng hàng không truyền thống, kinh doanh quốc tế”.

Các chỉ số tài chính ROE, ROA hay các chỉ tiêu chất lượng khai thác đều đang rất tốt. Giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines so với một số hãng hàng không quốc tế khác cũng không phải thấp như Thai Airlines hiện có vốn hóa 1,17 tỷ USD, một số hãng hàng không của các quốc gia khác ở mức khoảng 5-6 trăm triệu USD.

Kế hoạch chuyển sàn niêm yết của Vietnam Airlines?

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Vietnam Airlines không phải lên sàn UPCoM vì không minh bạch. Từ năm 2001, Công ty đã hội nhập quốc tế tham gia thị trường quốc tế với dư nợ lớn. Đòi hỏi về độ minh bạch tại đây cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau khi hoàn tất Đại hội và phát hành bổ sung cổ phiếu tăng vốn, Vietnam Airlines đã đủ điều kiện niêm yết. Dự kiến, cuối năm này và đầu năm sau sẽ niêm yết trên sàn chính thức HoSE hoặc HNX.

Thứ trưởng Bộ GTVT trong phát biểu của mình cũng đề nghị Vietnam Airlines sớm thực hiện niêm yết trên sàn chính thức và tiến tới niêm yết trên sàn nước ngoài. Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết sẽ sớm trình Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, cũng như định hướng nâng cao đội tàu bay thế hệ mới, kế hoạch mở rộng mạng bay và hứa sớm niêm yết trên HOSE theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

11h30: ĐHĐCĐ tiếp tục với các nội dung tờ trình về báo cáo Ban kiểm soát, báo cáo phương án tăng vốn điều lệ

Về phương án phát hành tăng vốn, Vietnam Airlines dự kiến sẽ phát hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 15,57%. Giá phát hành 10.000 đồng/cp.

Trả lời câu hỏi của các cổ đông về khả năng thành công của phương án phát hành cổ phiếu, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết cổ đông nhà nước và cổ đông chiến lược đương nhiên sẽ thực hiện quyền cổ đông. Đợt phát hành cổ phiếu này là bước cuối cùng trong phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines. Nhà nước sẽ sử dụng thặng dư vốn trong quá trình IPO để tăng vốn Nhà nước khi Công ty tăng vốn điều lệ.

Khi đàm phán với cổ đông chiến lược, có một điều khoản, cổ đông chiến lược tăng phần vốn tương ứng theo tỷ lệ để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược không thay đổi.

Ông Hiền cũng cho biết khi xây dựng phương án tăng vốn, để đảm bảo thành công, đại diện vốn Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT với tư cách chủ sở hữu và cơ quan Chính phủ sử dụng toàn bộ thặng dư vốn, chênh lệch giá trị khi bàn giao để thực hiện tăng phần vốn Nhà nước.

"Đây là lần tăng vốn cuối cùng theo phương án cổ phần hóa nên giá phát hành đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tổng công ty kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ thực hiện quyền của mình: mua hoặc chuyển nhượng quyền mua", ông Hiền nói thêm.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-vietnam-airlines-chuyen-sang-niem-yet-tren-hose-muon-nhat-dau-nam-2018-2017062010104646p4c147.news