ĐHĐCĐ VNDIRECT: Sẽ có sự sàng lọc hơn 70 CTCK trên thị trường trước khi vận hành hệ thống thanh toán bù trừ mới

Khi triển khai hệ thống thanh toán bù trừ CCP với quy định cao hơn về vốn buộc các công ty nhỏ phải tăng vốn hoặc sáp nhập hoặc giải thể.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của VNDIRECT.

Chiều nay (30/6), CTCK VNDIRECT đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Năm 2019, VNDIRECT đạt 1.502 tỷ đồng doanh thu và 383 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế, vốn chủ sở hữu tăng lên 3.249 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 11.577 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh chỉ đạt 80% về lợi nhuận theo kế hoạch do ĐHĐCĐ phê chuẩn, VND vẫn là một trong các CTCK có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Do tình hình khó khăn của thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và thay đổi trong định hướng kinh doanh, doanh thu dịch vụ chứng khoán chỉ đạt 349 tỷ đồng, giảm 34,46% so với với năm 2018, tương đương với sự sụt giảm về thanh khoản trên toàn thị trường chứng khoán.

Hoạt động cho vay ký quỹ của VNDIRECT vẫn duy trì được quy mô cho dù chịu sự cạnh tranh mạnh từ việc giảm lãi vay của các đối thủ cạnh tranh. Kết thúc năm 2019, quy mô danh mục cho vay ký quỹ đạt hơn 2.777 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản ký quỹ để giao dịch chứng khoán đạt 44.656 tài khoản.

Năm 2019, tổng lợi nhuận Khối thị trường vốn đạt 587 tỷ đồng, với mức tăng trưởng xung quanh 21,4% so với năm 2018. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu vẫn là các hoạt động đầu tư tiền gửi trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh tiền gửi, nguồn thu từ các hoạt động liên quan đến đầu tư giấy tờ có giá, trái phiếu tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động ngân hàng đầu tư trong năm 2019 cũng phát triển tích cực khi tăng 113,64% từ 22 tỷ đồng lên 48 tỷ đồng trong năm 2019.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán trung bình đạt trên 400.000 tài khoản và giá trị tài sản quản lý (AUM) đạt 55,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 27% so với năm 2018.

Công ty hiện đứng Top 4 trên HOSE và Top 2 tại HNX, lần lượt 6,81% và 8,58% về thị phần trên mỗi sàn. Đặc biệt, VND đã đạt thị phần lớn nhất trên UPCoM với mức thị phần đạt 9,66% và thị phần Top 2 trên thị trường chứng khoán phái sinh với mức thị phần 12,69%.

Năm 2020, Công ty đưa ra 3 kịch bản kinh doanh trong đó kịch bản cơ sở là lợi nhuận 405 tỷ đồng, và lợi nhuận riêng Công ty mẹ là 403 tỷ đồng.

Q&A:

Trong 20 năm qua, so với các doanh nghiệp như Vingoup, TCB, HPG tăng trưởng rất vũ bão, nhóm công ty chứng khoán hàng đầu như VND, HCM, SSI đi một vòng lại quay lại điểm cũ. Sau 20 năm nữa, VND nhận định thế nào về xu hướng sẽ phát triển? Các CTCK đặt ra kế hoạch thấp trong 6 tháng cuối năm, liệu VND dự kiến tình hình xấu liệu có đúng không?

Theo bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VND, đứng ở vị trí người điều hành và người sáng lập, thành quả đạt được của doanh nghiệp so với các tên tuổi có thể khiêm tốn và có làm chạnh lòng. Tuy nhiên, chặng đường 13 năm vẫn là ngắn ngủi với định chế tài chính, không biểu hiện hết các giá trị vô hình.

Công ty đã có 1.000 chuyên viên đạt chuẩn mực hành nghề rất cao và đi những bước đầu tiên kiến tạo thị trường vốn Việt Nam. Trong thế kỷ 21, bà Hương vẫn đánh giá cao nhu cầu quản lý tài sản, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19, lượng tài khoản cá nhân mở mới rất nhiều. Trong giai đoạn 13 năm, thị trường chủ yếu tích lũy khách hàng tìm kiếm cơ hội giao dịch. Tuy nhiên, trong thời đại mới sẽ đòi hỏi năng lực quản lý và kinh nghiệm đưa ra các sản phẩm phức tạp hơn đáp ứng nhu cầu phức tạp hơn. Việc sở hữu tài khoản được quản lý tài sản để phục vụ nhu cầu tích sản cho tương lai là rất thiết yếu.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc VNDIRECT cho rằng, thách thức xây dựng kế hoạch kinh doanh khác các năm. Công ty đưa ra 3 kịch bản kinh doanh để bám sát thị trường: thuận lợi, khó khăn và kịch bản cơ sở (dễ xảy ra). Kịch bản cơ sở có cao hơn năm ngoái và Công ty chỉ đưa các chỉ số để bám sát một cách linh hoạt để triển khai.

Ngoài ra, về câu hỏi về đánh giá 20 năm phát triển của thị trường, ông Quỳnh cho rằng ngành chứng khoán đã phát triển rất mạnh. Trước năm 2000, Việt Nam không có CTCK và cũng không có cả sàn GDCK nhưng hiện nay đã có hơn 70 CTCK. Trong 2,4 triệu tài khoản toàn thị trường thì VND có hơn 400 ngàn tài khoản và đang là CTCK đứng số 1 thị trường. Quy mô vốn của VND đã tăng gần 60 lần.

Quy mô ngành chứng khoán đã tăng mạnh, riêng cổ phiếu là hơn 70% GDP, trái phiếu hơn 40% GDP. Thị trường chứng khoán không hề giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của CTCK không biến động như công ty BĐS, Sản xuất. Đó là đặc điểm khẩu vị rủi ro, định giá, cách thức cung cấp thông tin của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại việc đầu tư vào cổ phiếu các CTCK giống như tích sản. VND vẫn còn tới lợi nhuận chưa phân phối 797 tỷ đồng sau khi trả cổ tức 100 tỷ đồng. Đây là định hướng tiếp tục dồn ngân sách để đầu tư phát triển nắm bắt cơ hội trong thời gian tới.

Đánh giá về cơ hội thị trường trong 20 năm tới, ông Quỳnh mong muốn các cơ quan quản lý nâng cao chất lượng hàng hóa, bổ sung lượng hàng hóa, tăng cường thanh tra kiểm tra, nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ tạo ra cạnh tranh vào chất lượng. Hiện có quá nhiều CTCK cạnh tranh bằng giá.

Với việc đầu tư mạnh vào công nghệ, việc các công ty phá giá gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Việc đưa ra các chuẩn mực vốn, kỹ thuật, con người sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh. Tới đây khi triển khai hệ thống thanh toán bù trừ CCP, thành viên tham gia sẽ được yêu cầu vốn 500 tỷ hoặc 250 tỷ đồng. Nếu đưa ra yêu cầu 500 tỷ đồng, sẽ có hơn 40 chục công ty chứng khoán không đáp ứng trong khi nếu đòi hỏi 250 tỷ đồng sẽ có hơn 20 CTCK không đáp ứng yêu cầu. Điều này sẽ buộc các công ty nhỏ phải tăng vốn hoặc sáp nhập lại hoặc giải thể.

Kế hoạch cụ thể từng mảng, ước kết quả kinh doanh 6 tháng?

Lợi nhuận của VND sẽ đến từ 4 trục: Dịch vụ CK truyền thống, Ngân hàng đầu tư và kinh doanh quản lý dòng tiền và Quản lý tài sản cho khách hàng VIP. Kế hoạch 2020 tập trung chủ yếu vào dịch vụ giao dịch chứng khoán truyền thống. Trong khi đó, sẽ có 60% lợi nhuận từ quản lý dòng tiền

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thể toàn VND hoàn thành 40% kế hoạch 2020. Trong đó, mảng kinh doanh dịch vụ chứng khoán truyền thống đã hoàn thành tới 87% kế hoạch của năm.

Công ty có kế hoạch phát hành thêm vốn?

Quy mô vốn 3.000 tỷ đồng vẫn đảm bảo hoạt động và hiện giá cổ phiếu cũng đang chưa tốt nên VND chưa có kế hoạch phát hành tăng vốn. Thay vào đó, Công ty có thể phát hành trái phiếu nợ, tín chấp...

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//chung-khoan/dhdcd-vndirect-se-co-su-sang-loc-hon-70-ctck-tren-thi-truong-truoc-khi-van-hanh-he-thong-thanh-toan-bu-tru-moi-3547398.html