ĐHQGHN tọa đàm về giải pháp ứng phó với đại dịch trong tình hình mới

Ngày 17/9, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học về giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam trong tình hình mới.

GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì buổi tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Tham dự Tọa đàm có đại diện các nhà quản lý, các chuyên gia về y tế, giáo dục, kinh tế trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tọa đàm Khoa học về giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam trong tình hình mới là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trình bày ý kiến đánh giá bối cảnh dịch bệnh hiện nay ở trong nước và trên thế giới; những bài học chống dịch thành công của quốc tế; năng lực dự báo về tình hình dịch bệnh; đồng thời đề xuất định hướng chiến lược, giải pháp để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới ở nước ta.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận về quan điểm kiểm soát dịch bệnh trong việc thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh sức khỏe trong tình hình mới; giải pháp nhân lực và hạ tầng trong ứng phó với COVID-19 tại Việt Nam; giải pháp khoa học và đào tạo nhân lực nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch tại Việt Nam; một số giải pháp về chuyển đổi số nhằm ứng phó với đại dịch trong tình hình mới; tổ chức tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch; đồng thời đề xuất một số chính sách kinh tế phù hợp để ứng phó và chuẩn bị phục hồi kinh tế sau đại dịch.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế, đánh giá Việt Nam đã có nhiều cách làm phù hợp để ứng phó với đại dịch. Nếu như trước đây, mục tiêu của Việt Nam là không có ca COVID-19 trong cộng đồng thì hiện nay, chúng ta đưa ra mục tiêu là sống chung an toàn với dịch. Sống chung ở đây không có nghĩa là buông xuôi, thả lỏng để cho dịch bệnh bùng phát, không kiểm soát được. Sống chung nhưng phải an toàn, khống chế số ca mắc và số ca tử vong thấp nhất có thể, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân; thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó việc chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Trần Đức Phu, do tỉ lệ tiêm vaccine trên phạm vi cả nước còn thấp nên vẫn cần áp dụng giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch một cách hợp lý. Thực hiện nới lỏng giãn cách dựa trên việc kiểm soát dịch bệnh cũng như nhu cầu sản xuất-kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội của mỗi địa phương chứ không nên áp dụng một cách máy móc, đồng loạt.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, xét nghiệm là một hoạt động hết sức quan trọng, chỉ có xét nghiệm mới biết ai là người mắc COVID-19, mới tìm được ổ dịch để cách ly, phong tỏa và dập dịch.

Đại dịch COVID-19 diến biến nhanh, phức tạp, khiến cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và các giải pháp ứng phó thay đổi liên tục, những giải pháp tình thế dần bớt đi, thay vào đó là những phương án có tình hiệu quả và bền vững. Trong tình hình hiện nay, GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cùng với việc thành lập các khu cách ly và hồi sức tập trung thì cũng cần nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị y tế tiêu chuẩn, phương tiện phụ trợ cho các bệnh viện hạng 2, 3 và đào tạo cầm tay chỉ việc cho các nhân viên y tế tại các bệnh viện này. Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển tuyến không cần thiết, gây quá tải cho tuyến trên cũng như làm tăng lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung...

Ngoài ra, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, có nhiều hoạt động tư vấn tâm lý xã hội đã được triển khai theo các cấp độ khác nhau nhằm hỗ trợ cộng đồng thêm tri thức, vững niềm tin, thêm động lực để đi qua những tháng ngày dịch bệnh khó khăn. Tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Công đoàn nhà trường đã phối hợp với Công đoàn Khoa Tâm lý học tổ chức diễn đàn mở “Cân bằng tâm lý, giảm stress trong mùa dịch” nhằm hỗ trợ cho cộng đồng ổn định cuộc sống trong giai đoạn Hà Nội triển khai giãn cách xã hội. Hoạt động này đặt tiền đề cho một chương trình tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội miễn phí của nhà trường với mục đích giúp đỡ cộng đồng vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/dhqghn-toa-dam-ve-giai-phap-ung-pho-voi-dai-dich-trong-tinh-hinh-moi/446832.vgp