Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối lại kêu cứu

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi độc nhất vô nhị của Hà Nội một lần nữa lại phải kêu cứu trước nguy cơ bị xóa sổ.

Khu di chỉ khảo cổ đã bị san ủi phục vụ cho thi công.

Khu di chỉ khảo cổ đã bị san ủi phục vụ cho thi công.

Ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi có khu di chỉ Vườn Chuối cho biết, hiện tại công trình thi công đường vành đai 3,5 đang tiến hành đã ủi một phần vào khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Người dân địa phương không được biết quy hoạch cụ thể đường đi sẽ chiếm bao nhiêu phần diện tích hay toàn bộ khu di chỉ này.

Hiện trạng Vườn Chuối ngày 18-3.

Khu di chỉ Vườn Chuối là địa điểm khảo cổ có một không hai của Hà Nội, với niên đại kéo dài tới 3.500 năm. Trả lời phỏng vấn báo NDĐT, PGS – TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản từng cho biết, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có giá trị vô cùng độc đáo, bởi đây chính là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. Tuy nhiên từ sau đó không nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý văn hóa. Năm 2007, tỉnh Hà Tây (trước kia) đã giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối. Tháng 7-2018, đơn vị thi công đã đổ phế thải lấp toàn bộ khu di chỉ khảo cổ. Trước đó, khi một trạm trộn bê-tông được xây dựng phía trong, đơn vị chủ quản cũng đã làm một con đường bê-tông cắt đôi khu vực Vườn Chuối và đè lên cả di chỉ khảo cổ. Người dân đã kêu cứu và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đăng tải nhiều tin bài về sự việc này.

Ngay sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị huyện Hoài Đức khẩn trương kiểm tra hiện trạng của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, đồng thời đề nghị giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ này. Theo đó, Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, vẫn chưa có sự hiện diện của cơ quan chức năng hay quản lý văn hóa nào tại khu vực Vườn Chuối.

Ông Nguyễn Văn Thắng bày tỏ: “Hiện tại, đơn vị làm đường đang đẩy nhanh tiến độ và đã đổ ủi vào một phần di chỉ. Là người dân của nơi trực tiếp sở hữu một di chỉ khảo cổ độc đáo và có giá trị như thế này, chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan chức năng xác định rõ mốc giới rồi hẵng thi công và đề nghị bảo tồn di chỉ”.

Được biết, đường vành đai 3,5 Hà Nội đi qua các quận và huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm. Tuyến này nằm ngoài đường vành đai 3 và nằm trong đường vành đai 4 so với vị trí trung tâm thủ đô Hà Nội.

TUYẾT LOAN. Ảnh: Ông NGUYỄN VĂN THẮNG cung cấp.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/39548202-di-chi-khao-co-vuon-chuoi-lai-keu-cuu.html