Đi chợ Container và du thuyền trên sông ở Campuchia

Sau một năm tôi mới trở lại Siem Reap, Campuchia và có quá nhiều bất ngờ!

Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Đường từ thị xã Pray Veng lên Kampong Cham hư hại nặng, đang sửa chữa nên phải đổi điểm ăn trưa. Mấy trạm dừng từ Mộc Bài lên Neak Luong được đầu tư mới, khang trang sạch đẹp theo tiêu chuẩn quốc tế. Đường từ Siem Reap về Phnom Penh cực tốt, láng o như bên Mỹ. Các nhà hàng buffet mới, thức ăn phong phú, văn nghệ đa dạng và chỗ ngồi lịch sự, không xô bồ như các nhà hàng cũ. Chỉ có điều bực dọc là sự ồn ào thái quá của khách Trung Quốc, từ khách sạn đến nhà hàng và cả địa điểm tham quan, mua sắm. Kết thúc tham quan, sau khi rời Hoàng Cung mỗi khách được tặng một chai nước suối miễn phí. Việc làm nhỏ nhưng hiệu quả lớn, thể hiện sự chăm chút cho khách. Nhưng ấn tượng nhất là chợ container ở Siem Reap và du thuyền trên dòng Tonle Sap ở Phnom Penh.

Chợ Container, điểm nhấn sáng tạo

Chợ Container sinh sau đẻ muộn nên là đặc trưng sáng tạo của những người trẻ, được hình thành khoảng vài chục năm nay ở nhiều nước. Có thể kể Artbox (Bangkok, Thái Lan), Tricube Flea (Selangor, Malaysia), 707 (Toronto, Canada), Dekalk (New York, Mỹ), New Watford (London, Anh), OTB (Dubai, UAE), People ‘ (Melbourne, Úc), Common Ground (Seoul, Hàn Quốc)…Việt Nam có các chợ container Rubik Zoo (Thảo Cầm Viên Sài Gòn), ở Tân Phú (TP.HCM) và ở Cần Thơ.

Chợ container đầu tiên của Campuchia ở Phnom Penh vào năm 2015, rồi đến Sihanouk và mới nhất là Siem Reap, vừa khai trương đầu năm 2018. Chợ container ở Siem Reap có tên là Palm Container Market, cách trung tâm thành phố chừng 4 km về phía Nam, trên diện tích khoảng 80.000m2. Giai đoạn đầu mới đưa vào sử dụng 50.000m2. Ấn tượng đầu tiên là những robot khổng lồ, sống động, đủ màu sắc, đứng chào khách ở các cổng. Các robot đều được làm thủ công từ phế liệu phế phẩm, phụ tùng xe hơi và gắn máy nên không giống nhau.

Bàn ghế sáng tạo từ thùng phuy

Các Robot được làm từ phế liệu phế phẩm rất sáng tạo.

Từng gian hàng đều làm bằng container chính hiệu, được trang trí bắt mắt và hài hòa. Cả WC cũng đặc trưng, không đụng hàng mà sạch, thoáng. Những cửa hàng ở tầng trên thiết kế như sân thượng, thoáng mát, có thể nhìn bao quát chợ và xem ca nhạc. Sân khấu khu vực trung tâm gọn nhẹ, nhạc êm dịu trữ tình chứ không ồn ào, bát nháo như nhiều chợ container khác. Hàng hóa đủ loại. Lối đi giữa các dãy gian hàng rộng, có cây xanh. Thích nhất là những bệ cây được thiết kế đẹp, vừa làm bồn trang trí, vừa là chỗ ngồi lý tưởng cho du khách mỏi chân nghỉ ngơi. Khu ẩm thực lịch lãm, giá rẻ và ngon.

Chợ có cả khu vui chơi cho trẻ con với nhiều trò đồng giá là 5.000 riel (khoảng 1,2USD (khoảng 28.000đ). Ai không thích náo nhiệt của Pub Street hay ồn ào của chợ Đêm thì đến Palm Container Market, thích hợp cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Nhất là những đêm trăng. Giữa không gian thoáng đãng, ánh vàng nghịch ngợm chảy vào trong đồ ăn, thức uống; lênh láng cả lối đi. Palm Container Market có dáng dấp công viên buổi tối, dành cho cả nhà thư giãn, chơi đùa, mua sắm và ăn uống.

Một góc Palm Container Market.

Các trò chơi đồng giá 1,2USD dành cho trẻ em.

Du thuyền trên dòng Tonle Sap

“Tonle” tiếng Khmer là sông lớn, “stung” là sông nhỏ. Tonle Sap là phụ lưu của Tonle Mekong, khởi nguồn từ Phnom Penh, ngay Ngã Tư Sông Bốn Mặt (nhánh kia là Tonle Bassac, chảy về Việt Nam, gọi là sông Hậu). Tonle Sap chảy ngược từ Đông sang Tây và kết thúc bằng Tonle Sap Lake (người Việt gọi là Biển Hồ).

Du thuyền trên Tonle Sap chỉ mới phát triển vài năm độ lại. Các thuyền không bề thế , hoành tránh mà vừa phải xinh. Đa phần có sức chứa từ 60 – 150 người độ lại, kết cấu 2 tầng kiểu xe buýt “City Sight”, tầng trên không có mái, để du khách tha hồ ngoạn cảnh, ngắm trời mây sông nước và phố xá. Mấy chục du thuyền loại này không bán vé lẻ mà cho thuê chuyến , dành cho khách đoàn. Khoảng 5 - 10 usd người, tùy số lượng. Từng người, có trái cây và nước ngọt hoặc bia miễn phí. Khách có không gian thoáng mát sinh hoạt theo gu thẩm mỹ riêng. Không thấy ăn uống, ca nhạc ồn ào hay múa lửa, ảo thuật. Nếu đi khách lẻ thì tàu lớn hơn, có giờ chạy cố định, không thoải mái như thuê chuyến.

Du thuyền trên Tonle Sap.

Bến thuyền trước khu phố Tây, thủy trình dài 70 phút, bắt đầu từ bến, qua Hoàng Cung, đến Ngã Tư Sông Bốn Mặt; bên kia là đảo Kim Cương và khu đô thị mới rồi ngược lại. Phnom Pênh nhìn từ trên sông, như cô gái mới biết làm duyên, e ấp nửa quê nửa phố, hiền ngoan mà lịch lãm. Trời sao nhấp nháy, gió đùa tóc rối phiêu bồng trong những điệu nhạc trữ tình êm dịu, ru hồn lữ khách vào cõi vô thường. Nên đi vào cuối chiều để kịp ngắm hoàng hôn xuống trên Tonle Sap trầm mặc và Phnom Penh về đêm điệu đàng quê phố. Cũng có thể du thuyền đợi bình minh, xem thành phố bắt đầu ngày mới, đáng yêu trong nắng sớm dịu ngọt.

Bài & ảnh: Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/di-cho-container-va-du-thuyen-tren-song-o-campuchia-95421.html