Đi chợ quét... mã QR

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản nhập số tài khoản hay quét mã QR... trong tích tắc, người mua đã có thể chuyển tiền đến chủ hàng. Có thể nói, chưa khi nào việc mua bán hàng hóa lại thuận lợi như bây giờ, không chỉ ở thành thị mà tại các huyện miền núi, vùng cao, người dân cũng dần hình thành thói quen không dùng tiền mặt.

Thanh toán trong tích tắc

Xã vùng cao Sa Lý (Lục Ngạn) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nơi heo hút này từng là địa danh gắn liền với tên gọi "Sa Lý tự do", "Ốc đảo hoang vắng" khiến Sa Lý càng thêm xa xôi, hẻo lánh. Bẵng một thời gian dài, nay mới có dịp trở lại, chúng tôi ngỡ ngàng bởi một Sa Lý đổi thay với hệ thống giao thông được trải bê tông như dải lụa uốn lượn ôm quanh sườn đồi xanh ngắt. Tấp xe vào quán tạp hóa ven đường mua gói quà cho những đứa nhỏ trong xóm, chúng tôi khựng lại chợt nhớ không mang theo nhiều tiền mặt bởi thói quen thanh toán chuyển khoản của người thành thị mỗi lần đi chợ.

Đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) quét mã QR khi mua hàng.

Thấy chúng tôi lúng túng lục lọi trong ví, trong túi mãi chả đủ tiền, chị chủ quán cất lời: "Ở đây nhận thanh toán bằng tiền mặt và cả chuyển khoản, các cô cứ yên tâm mua hàng". Nói rồi, chị lấy chiếc bảng mã QR được bọc trong lớp vỏ nhựa giơ lên. Chỉ trong tích tắc, tôi đã chuyển được số tiền cho bà chủ. Quả là tiện lợi khi ngay cả xã khó khăn, xa trung tâm nhất của huyện, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được phổ cập.

Đem những điều “mắt thấy, tai nghe” trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Sa Lý Âu Văn Đạt, chúng tôi phần nào nắm được tình hình về việc bắt nhịp với xu hướng của bà con bản, làng. Mấy năm nay, trung tâm xã và các thôn đã có mạng Internet phủ sóng, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại di động thông minh. Không riêng giáo viên, công chức xã mà nhiều lao động trẻ đi làm công nhân có tài khoản ngân hàng, làm quen với công nghệ số. Bắt nhịp với xu thế phát triển, các cửa hàng tạp hóa, thịt, cá, thực phẩm, dịch vụ vận tải… cũng trang bị bảng dán mã QR để khách thuận tiện thanh toán.

Ngược lên Sơn Động, đến chợ thị trấn An Châu chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi trong phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa. Đúng dịp chợ phiên mở vào mùa lễ hội xuân Tây Yên Tử nên không khí khá tấp nập, bà con các dân tộc Dao, Tày, Nùng từ các thôn, bản diện quần áo rực rỡ sắc màu rủ nhau đến chợ sắm thêm cho gia đình ít đồ gia dụng, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu. Quan sát từ sạp bán rau cho đến khu bán thịt, cá, quầy bán quần áo, đồ khô, tạp hóa… đều có bảng mã QR in, ép vuông vắn đặt ngay tại quầy.

Bà Nguyễn Thị Mơ, kinh doanh hải sản gần 20 năm cho hay, có nhiều loại phải sơ chế tại chỗ, nếu vừa mổ cá, bóc tôm, cua xong lại quay sang thu tiền, trả lại tiền thừa cho khách hàng rất mất vệ sinh. Hai năm nay bà dán mã QR để khách tiện chuyển khoản thay cho tiền mặt. Trong lúc nói chuyện, điện thoại của bà Mơ chốc chốc vang lên tiếng "ting, ting" tin báo tiền khách chuyển đã về tài khoản.

Ở những cửa hàng tạp hóa lớn, chủ hộ mở đến 2 - 3 mã QR với nhiều số tài khoản của các ngân hàng khác nhau để khách thoải mái lựa chọn giao dịch phù hợp khi thực hiện chuyển khoản. Vừa mua xong ít đồ gia dụng, chị Triệu Thị Múi, dân tộc Dao, ở xã Hữu Sản chia sẻ: “Ban đầu, tôi rất ngại thao tác vì sợ chuyển nhầm tiền, nhầm người hoặc lộ thông tin cá nhân nhưng sau khi được hướng dẫn và vài lần thao tác, thấy cách thanh toán mới vô cùng tiện lợi. Gần đây, mỗi lần đi chợ tôi hạn chế mang theo tiền mặt, nếu muốn mua gì tôi sẽ chuyển khoản”.

Ghi nhận tại chợ Đủng Đỉnh, thuộc xã Bình Sơn (Lục Nam), đầu mối giao thương của người dân các xã vùng “tứ sơn” Vô Tranh, Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn cũng nhận thấy bà con đã bắt nhịp cùng chuyển đổi số. Các gian hàng đều duy trì hai hình thức thanh toán bằng tiền mặt và quét mã QR.

Tiểu thương thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) dán mã QR trước cửa hàng của gia đình.

“Tôi vừa thanh toán xong hóa đơn gần 50 triệu đồng cho đại lý. Chị thấy đó, việc mua bán chưa khi nào dễ dàng như bây giờ. Cách nhau gần trăm cây số mà chỉ cần ngồi nhà, thực hiện vài thao tác trên điện thoại là xong, không phải cất công đi lại vất vả, tốn kém lại thêm lo lắng giữ khư khư bọc tiền như trước đây”, chị Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương kinh doanh tạp hóa nói và giơ cho chúng tôi xem tin báo giao dịch thành công hiển thị trên màn hình điện thoại.

Để bà con làm quen với hình thức thanh toán mới phải kể đến vai trò tích cực của hệ thống ngân hàng cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tháng 6/2022, lần đầu tiên Thành đoàn Bắc Giang phối hợp với Agrbank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tổ chức ra mắt mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại chợ Hà Vị, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Tiểu thương được hỗ trợ mở tài khoản miễn phí, cài đặt ứng dụng Agribank E - Mobile banking và cấp mã quét QR. Đến nay mô hình đã nhân rộng đến 51 chợ trong toàn tỉnh. Các tiểu thương ở chợ miền núi, vùng cao cũng bắt nhịp nhanh cùng chuyển đổi số, ứng dụng hình thức thanh toán thông minh, hiện đại.

Khắc phục hạn chế, phòng rủi ro

Thời đại công nghệ đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chuyển từ dùng tiền mặt sang hình thức thanh toán trực tuyến nhiều hơn. Từ thành thị đến nông thôn của Bắc Giang giờ đây việc thanh toán số, khai thác những tiện ích của thương mại điện tử trong giao dịch hàng hóa gần như được “phủ” khắp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình thức thanh toán mới này phù hợp với người trẻ, trong độ tuổi lao động. Hình thức giao dịch này còn phụ thuộc vào chất lượng đường truyền mạng Internet ở địa bàn phát sinh giao dịch "mạnh" hay "yếu"; hoạt động liên kết, lưu thông tiền tệ trực tuyến giữa các ngân hàng có thông suốt hay không...

Kết quả thanh toán không dùng tiền mặt qua các ngân hàng thương mại của tỉnh năm 2023 tăng vượt bậc, đạt 105,6 triệu món với giá trị thanh toán hơn 980 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Cùng đó, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động là 101 triệu giao dịch với giá trị thanh toán đạt 729 nghìn tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Sơn, tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ thị trấn An Châu kể lại, cuối năm trước, chị thanh toán công nợ gần 30 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản thì gặp tình huống hy hữu, tài khoản đã trừ tiền nhưng đầu bên kia lại không nhận được. “Cả đêm tôi lo lắng đến mất ngủ, lo mất tiền đã đành và càng lo hơn là sợ đối tác mất niềm tin ở mình vì tôi luôn quan niệm kinh doanh lâu dài phải giữ chữ tín làm trọng. Ngày hôm sau nhà phân phối báo nhận được tiền thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Sơn kể.

Hay như trường hợp của chị Trần Thị Tuyết, ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam). Cách đây vài tháng chị cần chuyển tiền gấp cho người thân cấp cứu tại Hà Nội. Đang lúc “nước sôi, lửa bỏng” thì tài khoản ngân hàng chị sử dụng liên tục báo lỗi không thể giao dịch. Chuyện “Có tiền trong tài khoản mà không thể giao dịch được” không chỉ diễn ra một lần mà còn vài lần khác.

Không chỉ gặp trục trặc, khi thanh toán trực tuyến cũng có những rủi ro nhất định. Chị Hoàng Thị Thủy, ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) là một ví dụ. Có lần chị khóc dở, mếu dở vì sơ ý bấm sai số tài khoản và chuyển tiền nhầm cho một người không quen biết. Không sao liên lạc được với chủ tài khoản bên kia, chị đành ngậm ngùi tự trách bản thân không kiểm tra kỹ thông tin trước khi nhấn phím chuyển.

Cùng với cả nước, Bắc Giang đang triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng… các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế; tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Gia Phong cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phòng tránh rủi ro cho người sử dụng dịch vụ, đơn vị cùng với các ngành chức năng đang hoàn thiện hạ tầng Internet; phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng cường bảo mật thông tin cá nhân... Khi tham gia vào hình thức thanh toán mới, mỗi người dân cũng cần thận trọng kiểm tra thông tin số tài khoản đích đến, người thụ hưởng để tránh nhầm lẫn.

Bài, ảnh: Trịnh Lan - Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/419986/di-cho-quet-ma-qr.html