Đi chơi hồ Thác Bà, chớ bỏ qua Lễ hội bưởi Đại Minh

Chuyện xưa kể rằng, cách đây hơn 3 thế kỷ có một người tên là Ngô Vi Lã theo Chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) lên trấn giữ vùng Tuyên Quang chống lại triều đình mục nát. Khi Chúa Bầu thất bại, Ngô Vi Lã thay tên đổi họ đưa vợ con dạt vào vùng núi cạnh dòng sông Chảy ẩn nấp. Tại đây ông dựng nhà cửa, khai khẩn ruộng đồng, lập nên ngôi làng mới đặt tên là Khả Lĩnh Trang thuộc phủ Đại Thân, tổng Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ (nay là làng Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, giáp ranh với huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).

Trĩu trịt quả ngọt trên cành, mang về thu nhập ổn định cho người nông dân

Trĩu trịt quả ngọt trên cành, mang về thu nhập ổn định cho người nông dân

Đặc sản Yên Bái

Trong số loài cây ăn quả bản địa có những cây bưởi ngọt, gốc to người ôm không xuể, quả sai trĩu cành, da mỏng, múi ngọt mát có mùi thơm dịu. Vì nỗi nhớ quê hương, Ngô Vi Lã sai con cháu bứt những trái bưởi thả xuống sông Chảy trôi về hạ lưu, như muốn nhắn nhủ dưới xuôi về một miền đất trù phú có giống quả ngọt thơm quý hiếm. Những người sinh sống ven sông đã vớt lên, bổ ra ăn thấy ngon bèn tâu trình lên nhà vua. Vua sau khi ăn thử đã lệnh cho người đi tìm ra nơi trồng được giống bưởi quý và lệnh cho quan cai trị địa phương hàng năm phải tiến nộp những trái bưởi đó. Từ đấy, nhân dân xa gần gọi Khả Lĩnh Trang ngày xưa và Đại Minh ngày nay là vùng bưởi tiến vua.

Kể về giống bưởi quý địa phương, ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình tự hào cho biết, bưởi Đại Minh được các nhà khoa học đánh giá là 1 trong 7 giống bưởi thơm ngon nổi tiếng, có thể sánh với các giống bưởi nổi tiếng như Năm Roi, Phúc Trạch, Diễn, Thanh Trà…. Hiện bưởi Đại Minh được xác định là cây ăn quả đặc sản và sản phẩm OCOP (chương trình phát triển kinh tế, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương) chủ lực của tỉnh. Năm 2019, bưởi Đại Minh được đưa vào dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu của huyện.

“Khoảng 10 xã trong huyện có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng giống bưởi Đại Minh, nhưng bưởi Đại Minh được trồng chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà với diện tích 450ha trên tổng số gần 700ha toàn huyện. Mỗi năm, bưởi Đại Minh cho sản lượng chừng 120 nghìn tấn, doanh thu 180 tỷ đồng, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 hộ nông dân. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng nhiều nhất là các thành phố Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì, Lào Cai” - ông Hưng chia sẻ.

Ngày hội bưởi Đại Minh - Ảnh: Thanh Miền

Thu hút đầu tư, kết nối du lịch

Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà năm 2019 diễn ra từ ngày 1 đến 3-11. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, UBND huyện Yên Bình tổ chức sự kiện này nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với các hoạt động chính như lễ tế, dâng hương đình Khả Lĩnh, đền Quỳnh Hoa, đền Quế Hoa; tổ chức Hội chợ quê và Hội chợ thương mại, sự kiện còn có các tiết mục văn nghệ dân gian trình diễn trang phục các dân tộc do các diễn viên quần chúng thể hiện.

Ngoài ra còn có hội thi đánh giá mẫu mã, chất lượng, sản phẩm bưởi Đại Minh, thi cây bưởi đẹp, vườn bưởi đẹp tại các hộ gia đình, thi bóc bưởi, trình bày bưởi, các môn thể thao đua thuyền, kéo co và triển lãm ảnh “Đất và người Yên Bình”. Bên cạnh đó là các hoạt động tham quan vườn bưởi, các di tích lịch sử và khám phá hồ Thác Bà; Tour du lịch tham quan cây bưởi cổ, các mô hình trồng bưởi của xã Đại Minh; Tour du lịch tâm linh trên địa bàn như đình Khả Lĩnh, chùa Nổi, đền Cửa Ngòi, đền Mẫu Thác Bà.

Tham quan trải nghiệm vườn bưởi và cây bưởi cổ - Ảnh: T. Giang

Là huyện cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái, một vùng đất trù phú gắn liền với truyền thuyết Thác Bà, Thác Ông cùng những hồi ức về chợ Ngọc, chợ Ngà và các sản vật nổi tiếng đã đi vào thơ ca như bưởi Đại Minh, cam An Thọ, cọ Đông Lý, cơm làng Má, cá Đào Kiều, lúa Bạch Hà, gà Linh Môn, huyện Yên Bình còn là địa danh gắn với những chiến công hiển hách của Trần Nhật Duật và anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên.

Đặc biệt, Yên Bình còn được biết đến với công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam là hồ Thác Bà - một trong 3 biển hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, có nhiều đảo lớn nhỏ, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” với các hang động, phong cảnh hữu tình. Nơi đây đã sản sinh, bồi tụ, lưu truyền và giao thoa các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc lâu đời của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…

Nơi những người dân quê tự bao đời nay vẫn thạo đắp phai, làm cọn đưa nước vào đồng, đào ao thả cá, phát nương trồng lúa, đan lát, dệt vải, làm vườn. Khi thì bồng bềnh bè mảng trên sông, chở thóc gạo, lâm sản, gia súc đến chợ Phủ, chợ Ngọc, chợ Ngà, lúc thì gồng gánh nặng vai đôi dậu với gói xôi nếp và túi đựng trầu cau, ngược xuôi các vùng sông Chảy đến làng Bạc, làng Múc, làng Nồi để thông thương sản vật.

Về hội bưởi Đại Minh trong tiết trời se lạnh, du khách sẽ được thưởng ngoạn những vườn bưởi xum xuê, trĩu quả, thoảng thoảng hương thơm khắp một miền quê yên bình, để rồi chếnh choáng men say, nghiêng ngả cùng những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như hát then, hắt khắp, hát cọi, múa khảm hải của dân tộc Tày; múa chim gâu, phát nương, chỉa bắp, giã cốm, xúc tép, hát sình ca của dân tộc Cao Lan; lễ cấp sắc của dân tộc Dao quần trắng và hát ru của dân tộc Nùng.

Phạm Quỳnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/di-choi-ho-thac-ba-cho-bo-qua-le-hoi-buoi-dai-minh/831275.antd