Di cư lao động nước ngoài: Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam

Khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới.

Ngày 9/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Di cư lao động nước ngoài - Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động của dự án "Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, lao động Việt Nam đang có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và khi trở về cũng góp phần nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lê An)

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lê An)

Sau khi đại dịch Covid -19 được kiểm soát, nhu cầu nhân lực tại các nước tiếp nhận lao động đang có xu hướng gia tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới, đặc biệt là trong các thời điểm trước, trong khi đi lao động và sau khi trở về nước, cụ thể:

Trước khi đi lao động ở nước ngoài, lao động nữ có xu hướng ít được tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp. Các nội dung đào tạo trước khi ra nước ngoài chưa quan tâm đến các vai trò giới đặc thù của phụ nữ.

Trong quá trình lao động ở nước ngoài, kết quả một số nghiên cứu cho thấy, lao động nữ có điều kiện lao động nặng nhọc, điều kiện sống khó khăn, có nguy cơ bị lạm dụng, bị bóc lột, bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, họ có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm hỗ trợ pháp lý, nảy sinh tâm lý cô đơn, sợ hãi.

Sau khi lao động trở về và tái hòa nhập cộng đồng, lao động nữ gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, khó có thể phát huy được tay nghề.

Tình trạng khá phổ biến là người lao động di cư ít nhiều học được kỹ năng chuyên môn trong quá trình lao động ở nước ngoài (70%) nhưng lại ít được áp dụng ở quê nhà khi trở về (3%)…

Khi hồi hương, lao động nữ di cư còn có thể phải đối mặt với các rạn nứt trong hôn nhân và gia đình, thậm chí cả bạo lực gia đình.

Các đại biểu thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: Lê An)

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, những năm qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống di cư trái phép, ban hành, hướng dẫn, phổ biến thông tin về pháp luật và các chính sách thúc đẩy di cư lao động an toàn.

Đồng thời, Hội cũng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, nạn nhân bị mua bán trở về và phối hợp với các cơ quan có liên quan góp ý, phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ làm việc ở nước ngoài.

Hội thảo diễn ra với hai phiên thảo luận, tập trung vào nội dung "Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Những vấn đề đặt ra từ góc độ giới" và "Các giải pháp thúc đẩy di cư an toàn cho phụ nữ".

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là gần 38 nghìn người (trong đó nữ chiếm khoảng 21%), tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại đây, các đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp để có góc nhìn toàn diện về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thúc đẩy quyền của lao động nữ di cư, để họ có cuộc sống an toàn trong thời đại công nghệ số.

Đặc biệt, các đại biểu cũng chia sẻ, thảo luận làm rõ vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam các cấp trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật giám sát thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tại hội thảo, bà Vũ Hồng Minh, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cho biết, năm 2022, cả nước có gần 143 nghìn lao động xuất cảnh (trong đó có 34% là lao động nữ) đi làm việc ở nước ngoài.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Lê An)

Bà Vũ Hồng Minh cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và các hội như Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, đơn vị để thực thi và giám sát việc thực thi các luật lên quan đến lao động di cư; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ được quyền lợi đi kèm trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; chia sẻ điển hình tốt, các kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, bảo hộ công dân giữa các nước gửi lao động.

Theo Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tuy chỉ chiếm hơn 30% nhưng lại đóng góp tới 50% lượng kiều hối.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/di-cu-lao-dong-nuoc-ngoai-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-phu-nu-viet-nam-226430.html