Đi cùng nhịp thế giới

Sự kiện Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam không chỉ khẳng định khả năng làm chủ và triển khai những công nghệ mới nhất của Viettel, mà còn ghi tên Việt Nam vào danh sách những quốc gia thử nghiệm thành công 5G sớm trên thế giới.

"Chạy đua" về công nghệ

Xu hướng hiện nay là internet di động, phần lớn trải nghiệm của người dùng về các dịch vụ, nội dung đều chuyển lên thiết bị di động. Muốn internet di động phát triển tốt, hạ tầng viễn thông di động phải tốt. Theo đó, công nghệ 5G là nền tảng cực kỳ quan trọng thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam, đặc biệt ở mảng di động và mở ra nhiều cơ hội mới.

Các dịch vụ 3G, 4G trước đây chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho người dùng qua smartphone. Trong tương lai, con người sẽ sử dụng 5G vào kết nối vạn vật rất lớn. Dự báo, thời gian tới, sẽ có khoảng 35 tỷ thiết bị kết nối vào internet và sẽ phải chạy trên nền tảng 5G. 5G khi đó là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của internet Việt Nam và trên thế giới - nền tảng quan trọng để phát triển nền kinh tế số, hệ sinh thái số.

Ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - cho biết, khác với 2G, 3G, 4G là những bước tiến hóa về công nghệ, 5G mang công nghệ đột phá. Đó là thế hệ mạng di động băng rộng hoàn toàn mới, thay đổi cả về kiến trúc và công nghệ. Có thể nói, 5G là mạng di động cho tương lai bởi năng lực của nó vượt xa yêu cầu của người dùng di động thông thường.

Thực chất cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều phải dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Chính vì vậy, cần có một hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất. Không bỏ lỡ thời cơ phát triển, Việt Nam đã sớm lên kế hoạch thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và cùng với rất ít các nước triển khai thương mại vào năm 2020. "Đối với công nghệ 5G, Viettel đang nghiên cứu, chế tạo thiết bị của riêng mình. Các quốc gia đang dùng 5G để "chạy đua" về công nghệ, công nghệ 5G được các quốc gia giữ bản quyền và không chuyển giao" - ông Lê Đăng Dũng nói.

Nằm trong top đầu

Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - cho rằng, sử dụng mạng 5G có vai trò quan trọng nâng cao lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0, hứa hẹn sẽ thúc đẩy số hóa tất cả các ngành như sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giáo dục. Năm 2019, Việt Nam đã có cuộc gọi 5G đầu tiên, trong khi trên thế giới có rất ít nhà mạng triển khai thử nghiệm 5G. Cùng với việc triển khai thương mại vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có dịch vụ 5G đầu tiên. "Như vậy, chúng ta đã xóa bỏ khoảng cách tụt hậu về triển khai công nghệ so với các quốc gia khác khi triển khai 5G" - ông Denis Brunetti nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Susie Armstrong - Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của Tập đoàn Qualcomm - nhận định, so với những quốc gia đi tiên phong về triển khai 5G trên thế giới, Việt Nam đang nằm trong top đầu. Thậm chí, tiến trình phát triển 5G tại Việt Nam còn nhanh hơn so với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Có thể nói, về công nghệ và kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trong việc thử nghiệm và thương mại hóa 5G.

Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào, giúp Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá toàn diện công nghệ 5G. Từ đó, Bộ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Ông NguyễnMạnhHùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:

Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là tuyên bố của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ cùng nhịp với các nước tiên tiến trên thế giới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-cung-nhip-the-gioi-119600.html