Di dân khỏi Kinh thành: Huế muốn được UNESCO vinh danh lần nữa

Để được UNESCO vinh danh lần nữa, Cố đô Huế cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa cộng đồng người dân sống trong di tích với công tác bảo tồn.

26 năm được ghi danh Di sản Văn hóa Thế giới, Cố đô Huế đã trở thành điểm nhấn nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều di tích trong quần thể Di tích Cố đô Huế chưa được trùng tu, tôn tạo đưa vào khai thác, phát triển du lịch.

Lầu Ngũ Phụng mờ ảo trong sương sớm.

Lầu Ngũ Phụng mờ ảo trong sương sớm.

Trong 2 bài trước của Loạt phóng sự “Cuộc di dân lịch sử - Trả lại không gian xưa Kinh thành Huế”, nhóm phóng viên VOV miền Trung đã đề cập thực trạng hàng ngàn hộ dân dựng nhà ở trái phép, xâm hại di tích Kinh thành Huế và nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc giải cứu di tích, ổn định cuộc sống người dân. Hiện đề án di dời 4.200 hộ dân ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế đang khởi động hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, góp phần giữ gìn toàn vẹn di sản và khai thác hiệu quả các điểm du lịch hấp dẫn.

Gần 26 năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư gần 1.700 tỷ đồng trùng tu, bảo tồn gần 200 công trình, di tích. Công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. UNESCO cũng đánh giá Thừa Thiên- Huế là địa phương đi đầu ở Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Di sản Cố đô Huế đã trở thành điểm nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới, mang về nguồn thu đáng kể cho địa phương. Nguồn thu từ tham quan Di tích Cố đô Huế trong 20 năm gần đây đạt hơn 1.900 tỷ đồng. 95% số tiền bán vé được đầu tư trở lại cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di sản, bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, Huế là cố đô duy nhất của Việt Nam còn lưu giữ được Kinh thành gần như nguyên vẹn. Vì vậy, tuyến du lịch tham quan Thượng Thành và Kỳ đài Kinh thành Huế là điểm nhấn mở ra những sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”, đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ. Ông Tuấn trăn trở khi nhiều công trình di tích chưa được trùng tu, phục vụ phát triển du lịch.

“Trước đây, nguồn phí bán vé tham quan di tích thì chủ yếu để đầu tư lại cho công việc bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích. Nhưng bắt đầu từ năm 2019, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh sẽ trích thêm một phần từ nguồn bán vé tham quan di tích cho công tác đền bù, giải tỏa. Chúng tôi sẽ tính toán giải pháp để phát huy, khai thác, phát huy giá trị của các di tích này, bằng cách kiến tạo nên những sản phẩm du lịch mới” - ông Phan Văn Tuấn cho biết.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO), hàng năm có khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới đi du lịch chỉ để trải nghiệm văn hóa và tập quán bản địa. Hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn, cố đô duy nhất của Việt Nam còn giữ lại nguyên vẹn thành lũy, kiến trúc và hầu như toàn bộ thiết chế có liên quan. Đó là một lợi thế của riêng Huế, tạo ra nét đặc trưng cũng như sự khác biệt trong các hoạt động du lịch, gia tăng sự hào hứng cho du khách khi đến Huế.

Vào năm 1993, lượng khách quốc tế và nội địa đến các điểm di tích Huế chỉ khoảng 40.000 khách, thì đến năm 1994 đã tăng gấp 4 lần và năm 2018 tăng lên hơn 4,25 triệu lượt khách. Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế góp phần nâng cao giá trị điểm đến di sản này.

“Du lịch di sản văn hóa Huế hiện nay đang đạt ngưỡng” - ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định. “Nhiều di tích được tu bổ đầu tư để trở thành điểm tham quan cho du khách. Tuy nhiên, chưa có qui hoạch, định hướng một cách phù hợp. Vì vậy, chúng ta cần phải đổi mới và nắm bắt chiến lược của UNESCO trong hoạt động khai thác, phát triển du lịch tại các khu di sản.”

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc di dời 2.400 hộ dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế. Sau đó sẽ tiến hành trùng tu, giới thiệu toàn bộ tuyến Thượng thành như một hệ thống phòng thủ kiên cố thời quân chủ, các chứng tích chiến tranh. Điểm nhấn là Quan Tượng đài ở góc Tây Nam Thượng thành. Tiếp đến là các vọng lâu cổng thành được bố trí điểm dừng chân của khách du lịch. Tại đây, sẽ tổ chức các gian hàng lưu niệm, giải khát, dịch vụ...

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam đánh giá rất cao chủ trương của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thực hiện cam kết với UNESCO.

“Tôi tin, nếu Thượng Thành giải quyết triệt để thì tuyến du lịch bằng xe ngựa trên Thượng Thành cũng là một cú hích cho du lịch của Huế phát triển. Chúng ta được rất nhiều mặt, vấn đề là những người có trách nhiệm làm điều đó có thực sự tâm huyết, có thực sự nghĩ cho di sản, có thực sự nghĩ cho người dân sẽ bị di dời hay không. Nếu thực sự mà giải quyết lợi ích của các bên liên quan hài hòa nhất bao giờ cũng có hiệu quả xã hội và cả hiệu quả kinh tế cũng cao nhất” - Tiến sĩ Đặng Văn Bài khẳng định.

Di sản văn hóa Huế là kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng thành phố festival Huế.

Trong những lần làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Di sản Cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ di sản quý báu này là trách nhiệm chung của cả nước. Thủ tướng lưu ý, tỉnh Thừa Thiên- Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, để bà con ổn định cuộc sống bằng nghề cũ.

“Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành làm hết sức mình để ủng hộ đề án này” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. “Đề nghị các đồng chí có một kế hoạch tổng thể, tổng thể là 4.200 hộ nhưng trước hết phải di dời 600 hộ đi trước. Sẽ sử dụng triệt để 3 nguồn kinh phí mà Thủ tướng đã kết luận, trong đó Thủ tướng cam kết tiếp tục ủng hộ ngân sách Trung ương dưới nhiều hình thức, cùng với ngân sách địa phương để làm việc này. Hoặc các đồng chí giải phóng mặt bằng sạch đấu giá bán thu tiền để di dời dân. Việc này, mở đầu trong năm nay, chúng ta phải làm.”

Những ngày đầu năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung xây dựng hồ sơ tái đề cử vinh danh một lần nữa đối với Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các di tích khi đề cử hoặc tái đề cử đều gắn với kế hoạch di dời, giải tỏa người dân trong vùng lõi sớm ổn định cuộc sống và trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, phải xây dựng mối quan hệ lợi ích giữa cộng đồng dân cư trong lòng di sản với công tác bảo vệ di tích.

Để được vinh danh lần hai, bên cạnh các giá trị nổi bật toàn cầu thì việc bảo vệ cảnh quan di tích cố đô Huế là rất quan trọng, trong đó cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa cộng đồng người dân sống trong di tích với công tác bảo tồn.

Hơn lúc nào hết, việc giải tỏa và ổn định đời sống người dân trong khu vực I di tích Kinh Thành Huế trở thành thời cơ và thách thức rất lớn đối với chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/di-dan-khoi-kinh-thanh-hue-muon-duoc-unesco-vinh-danh-lan-nua-864323.vov