Đi dân nhớ, ở dân thương

Bằng những việc làm thiết thực, kịp thời, hiệu quả trong công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Chư Sê (Gia Lai) đã ghi dấu ấn sâu đậm với người dân nơi đây về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ 'đi dân nhớ, ở dân thương'.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Chư Sê (Gia Lai) giúp người dân xã H'Bông chống hạn.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Chư Sê (Gia Lai) giúp người dân xã H'Bông chống hạn.

Bằng những việc làm thiết thực, kịp thời, hiệu quả trong công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Chư Sê (Gia Lai) đã ghi dấu ấn sâu đậm với người dân nơi đây về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ "đi dân nhớ, ở dân thương".

Gia đình chị Rơ Lan Toan và anh Siu Chao, ở làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê trước đây rất khó khăn, do chưa biết cách làm ăn. Thực hiện chủ trương của Quân khu 5 về giúp dân "Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo" trên địa bàn đóng quân, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Chư Sê đã khảo sát, hỗ trợ gia đình anh chị một con bò giống sinh sản, mua vật tư, phân bón và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn phương pháp trồng, canh tác gần năm sào tiêu. Từ đó gia đình chị Toan, anh Chao thay đổi dần nếp nghĩ, biết cách tổ chức sản xuất, ngày càng "ăn nên làm ra". Chị Rơ Lan Toan, bày tỏ: "Cảm ơn Ban CHQS huyện đã tạo điều kiện để gia đình tôi từng bước thoát khỏi cái nghèo. Bây giờ làm ăn có lãi, có tiền đầu tư cho các con ăn học". Từ năm 2012 đến nay, Ban CHQS huyện Chư Sê trao "cần câu" giúp 11 hộ dân, trong đó, 10 hộ đã thoát nghèo theo hướng bền vững.

Thượng tá Trần Đình Công, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Đóng quân trên địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47% dân số, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, do vậy, mỗi năm cơ quan quân sự huyện đã huy động hàng trăm ngày công của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, lực lượng dân quân tự vệ trong huyện lao động hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác... Đồng thời, cùng địa phương tu sửa, nâng cấp nhiều công trình phúc lợi, kịp thời khắc phục thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra. 5 năm qua, LLVT huyện đã tham gia nạo vét 81 km kênh mương thủy lợi, sửa chữa cải tạo 39 km đường giao thông nông thôn, 24 giọt nước; tích cực tìm kiếm, cất bốc, quy tập 62 mộ liệt sĩ; hướng dẫn, đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho hơn 2.000 đối tượng đúng quy định; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát địa bàn.

Ở làng Ring 1, xã H'Bông, ông Rơ Mah B'Lim cùng nhiều hộ dân vẫn nhớ hình ảnh cán bộ, chiến sĩ bất chấp cái nắng chói chang để đưa nước sinh hoạt, nước tưới về làng vào những tháng cao điểm hạn hán năm 2016. Ông kể: "Nắng gay gắt kéo dài khiến dân làng thiếu nước. Những cái giếng cạn trơ đáy, cánh đồng nứt nẻ, nhiều diện tích hoa màu chết khô, hồ tiêu, cà-phê héo dần. Giữa lúc ấy, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện chở nước về. Các xe bồn làm việc liên tục, vượt chặng đường gần 30 km (đi và về) chở nước từ hồ Ayun Hạ xả trực tiếp vào các hố lớn được đào sâu xuống đất, lót bạt của các làng, từ đó người dân dùng máy bơm đưa nước về vườn nhà mình". Trong đợt này, riêng Ban CHQS huyện Chư Sê đã tham mưu, điều động 18 lượt xe bồn chở nước, một xe máy múc, 10 máy bơm, trực tiếp huy động 58 lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện phối hợp cứu hơn 25 ha cây cà-phê và hồ tiêu của người dân ở bảy làng xã H'Bông. Đầu năm 2017, bộ đội lại cùng địa phương nạo vét kênh mương dẫn nước tưới cho diện tích cây hồ tiêu, cà-phê và lúa của nhân dân.

LLVT huyện Chư Sê luôn phát huy vai trò xung kích phối hợp Trung tâm Văn hóa thông tin, Đài phát thanh - truyền hình huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức chiếu phim, giao lưu văn nghệ kết hợp tuyên truyền, vận động quần chúng không nghe theo luận điệu xuyên tạc, xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, chung sức xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quân y của Ban CHQS huyện chủ động phối hợp trạm xá, trung tâm y tế các xã: Ia Ko, Ia Tiêm, Chư Pơng, Bar Măih chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 5 năm qua, đã phối hợp khám, chữa bệnh thông thường và cấp phát thuốc cho hơn 6.000 lượt người, đề nghị chuyển tuyến hơn 500 lượt người.

Chủ tịch UBND xã Ia Pal Lê Hữu Thiện, khẳng định: "Những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác dân vận của LLVT huyện Chư Sê đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng địa bàn ổn định, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương".

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (Đà Nẵng)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40248302-di-dan-nho-o-dan-thuong.html