Di dân tự do ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên

Trong cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống tại Điện Biên, đồng bào Mông chiếm 34,8% dân số. Do tập quán lâu đời, người Mông thường sống ở những vùng núi cao, hẻo lánh nơi biên cương, vì vậy bản làng của họ xưa nay vẫn được xem là 'phên dậu', 'thành trì' khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tạo ra môi trường thuận lợi, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào. Đây cũng chính là mấu chốt để ngăn chặn vượt biên trái phép và giữ gìn văn hóa đích thực của đồng bào.

Một sự thay đổi và có những tác động nhất định bởi di dịch cư tự do, di cư xuyên biên giới

trong văn hóa sinh hoạt của người Mông ở Điện Biên là vấn đề hôn nhân. Ảnh: dienbientv.vn

Về mặt thiết chế xã hội, người Mông ở Điện Biên sống cụm thành làng, bản theo dòng họ chứ không theo một địa vực cụ thể nào. Người Mông thường cư trú trên các triền núi cao hoặc cao nguyên, nơi đó khí hậu thông thoáng, mát lạnh, nhưng giao thông đi lại gặp khá nhiều trở ngại và ở nhiều vùng nước khan hiếm đến mức đáng ngại. Vì vậy, người Mông giỏi canh tác nương rẫy hơn làm ruộng nước. Người già kể rằng, người Mông thường đổi chỗ ở khi "nương cũ đã gầy", nên hàng năm vẫn có lệ khai phá đất hoang, cả đoàn rủ nhau đi phát cây làm chung nương mới, làm xong thì trồng lê, mận, đào đánh dấu và làm đẹp cho khu vực mình sẽ tới ở.

Dù là dân tộc tương đối thuần gốc, nhưng trước tác động của thực trạng xã hội mà nhất là của hoạt động di cư trong những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo khảo sát thực tế tại 2 huyện (Tủa Chùa và Điện Biên Đông), thì chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn 2 huyện đã có 19 hộ với 73 nhân khẩu tiến hành di cư (trong đó, huyện Tủa chùa có 06 hộ với 28 nhân khẩu; huyện Điện Biên Đông có 13 hộ với 45 nhân khẩu).

Nguyên nhân ban đầu của hoạt động di cư chỉ vì nơi ở cũ quá khó khăn mà nhất là khó khăn về nước sinh hoạt. Vì lẽ đó mà các hộ gia đình tại xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) đã đi tìm vùng đất mới. Họ đã đến với huyện Mường Nhé, mảnh đất giáp ranh với Trung Quốc và Lào - nơi có những ngọn núi cao, khí hậu mát lành - và định cư tại đây. Tới nơi ở mới, đồng bào bắt tay vào ổn định đời sống với bao công việc bộn bề: Nào nhận dòng họ; nào định hình những quy ước mới để gắn bó với những thành viên trong cộng đồng mới... Đức tính cần cù, chăm chỉ, thật thà và tự trọng đã khiến người Mông rất dễ hòa nhập với nơi ở mới. Tuy nhiên, do tác động của thực tại xã hội, những biến động trong sinh hoạt, văn hóa của đồng bào là điều không thể không tránh khỏi.

Trước hết, về tổ chức dòng họ. Điều đáng mừng là trong những đợt di cư từ Tủa Chùa đến Mường Nhé, đồng bào không tổ chức theo dòng họ. Điều này đã khiến cho tổ chức dòng họ tại nơi ở cũ không bị "phá vỡ", cũng đồng thời không gây xáo trộn tới sinh hoạt của đồng bào nơi vùng đất mới. Có được điều này là bởi, quan hệ huyết thống xưa nay luôn có sức níu kéo và kết nối rất bền chặt. Người Mông đã cùng dòng họ thì cho dù cư trú ở đâu, luật lệ dòng họ sẽ được phổ biến tới đó. Sự gắn kết về dòng họ đã vượt lên khỏi sự phân cách về chính trị, địa lý hay vùng lãnh thổ quốc gia. Những luật tục đó đã được các thế hệ kế tiếp nhau thực hiện. Sự tác động và thay đổi dễ nhận thấy nhất là nằm trong kết cấu nhà ở của người Mông. Sự thay đổi có thể đến do nhiều yếu tố, song theo khảo sát, chịu ảnh hưởng hơn cả là do tác động của di dịch cư tự do. Theo phong tục, nhà của người Mông truyền thống được làm theo kiểu chữ đinh, ba gian, không chái và phải có sàn gác để cất giữ lương thực, thực phẩm, đồ đạc... hoặc có thể là nơi nghỉ mỗi khi có khách tới, song tất nhiên không phải là khách nữ, bởi đồng bào quan niệm đây là nơi đàn bà không được đặt chân tới. Thì nay, đồng bào thường làm nhà theo kiểu người Việt: nhà nhỏ, có chái và không có sàn gác. Cũng có thể do điều kiện kinh tế và cần ổn định nơi ở mới, người Mông đã lựa chọn cách làm nhà này?

Một sự thay đổi và có những tác động nhất định bởi di dịch cư tự do, di cư xuyên biên giới trong văn hóa sinh hoạt của người Mông ở Điện Biên là vấn đề hôn nhân. Theo kết quả khảo sát tại bản Cà Là Pá thuộc xã Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé (đây là bản được thành lập từ năm 2009 - hệ quả di dịch cư tự do của người Mông), bản có trên 400 hộ với trên 2000 nhân khẩu, thì vấn đề kết hôn với người nước ngoài (Lào) đã diễn ra trong vài năm trước đây. Do đặc điểm cư trú liền kề với đường biên giới, các dân tộc thường xuyên có mối quan hệ qua lại, thăm thân từ nhiều năm với nhau. Vì vậy, các tình huống gặp gỡ, kết hôn với người ngoại tộc đã xảy ra. Với người Mông ở Điện Biên, điều này được lý giải là do vai trò của ông mối hay bà mối. Trong một vài trường hợp, người làm mai mối cũng có thể là những người đã kết hôn với người nước ngoài (Lào) từ nhiều năm trước, trong quá trình nhận dòng họ, họ đã lựa chọn và đóng vai trò mai mối trung gian cho các cuộc hôn nhân hiện tại. Trong mối quan hệ mới này, các chàng trai hoặc cô gái Mông kết hôn hoàn toàn tự nguyện và đồng ý với sự sắp đặt của gia đình cũng như của ông mai, bà mối. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyện vọng của bản thân, thì hầu hết các ý kiến đều khẳng định, họ muốn kết hôn với người đồng tộc hơn kết hôn với người khác tộc. Có thể nói, ý thức về dòng tộc và tinh thần đoàn kết vẫn là sức mạnh, vẫn là vẻ đẹp khó lay chuyển trong tiềm thức, trong tâm hồn của người Mông từ xa xưa đến nay.

Tuy là một hiện tượng có tính lặp lại, song vấn đề hôn nhân ngoại tộc ở đồng bào dân tộc Mông (Điện Biên) đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Do quan niệm việc lấy vợ, lấy chồng là người ngoại tộc đã có từ xa xưa và lấy nhau không cần có đăng ký kết hôn (chủ yếu theo phong tục tập quán của đồng bào, chỉ cần có sự chứng kiến và nhất trí của dòng họ, của gia đình và người có uy tín trong bản...) nên nhiều cuộc hôn nhân của đồng bào vùng giáp biên trong những năm gần đây thường bỏ qua việc đăng ký, trình báo các cơ quan chính quyền xem xét, quyết định. Việc đồng bào tự ý bỏ qua những thủ tục pháp lý cũng một phần do thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài quá phức tạp với nhiều loại giấy tờ, nên tâm lý "ngại" đăng ký đang có chiều hướng gia tăng. Và thế là các cuộc hôn nhân vẫn diễn ra với đầy đủ con cái, tài sản chung... nhưng lại không bị ràng buộc bởi bất cứ thủ tục pháp lý của quốc gia nào. Tình trạng này đã dẫn tới nhiều khó khăn phức tạp trong việc giải quyết chính sách, chế độ đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, nhất là chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, và cả quản lý xã hội ở địa phương. Bởi nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề hôn nhân với người ngoại tộc, vấn đề phong tục tập quán, vấn đề văn hóa tộc người... để tiến hành những hoạt động phi pháp (buôn bán phụ nữ và trẻ em) với mục đích thu lợi nhuận bất hợp pháp.

Cũng về vấn đề hôn nhân, người Mông ở Điện Biên có rất nhiều nghi thức để tổ chức và thực hiện cho đám cưới, trong đó phải kể đến hình thức hát "gầu xồng". Trong đám cưới truyền thống, gầu xồng được hát lên để gợi ca tình yêu, để dẫn chuyện cho đôi bạn trẻ, để tâm tình và để thử tài của bạn tình… Thì nay, tác động của cuộc sống hiện đại và di cư xuyên biên giới đã dần thay thể và làm vắng dần những khúc hát giao duyên trữ tình ấy. Đám cưới vẫn được diễn ra trong bầu không khí trang trọng với đầy đủ nghi thức vốn có, nhưng những vẻ mặt say sưa cùng vui hát giao duyên giữa các chàng trai, cô gái Mông đã không còn nữa, những lời ca chan chứa cũng vì đó mà dần trôi theo thời gian, chìm vào không gian rộng lớn... Cũng cùng với đó, hình ảnh gói thuộc lào - một biểu tượng rất đẹp cho tỏ tình kết duyên - nay đã được thay thế bằng những phong thuốc lá nhiều màu sắc và trang trọng. Lý giải điều này, đồng bào cho rằng đây là sự thay đổi mang tính xu thế và là điều tất yếu.

Như vậy, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, di cư tự do đã tác động và biến đổi ít nhiều đến đời sống văn hóa, sinh hoạt của người Mông ở Điện Biên. Tuy không làm thay đổi hoàn toàn những đặc điểm trong văn hóa của đồng bào, nhưng đã và đang có những tác động nhất định tới các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, nếu ổn định và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào, vấn đề di dịch cư tự do sẽ dẫn chấm dứt, cùng với đời sống tinh thần phong phú với các nghi thức dân gian tốt đẹp, chắc chắn sẽ góp phần khơi dậy ý thức cộng đồng, những giá trị văn hóa truyền thống vì đó sẽ được tôn vinh và gìn giữ. Đánh thức niềm tin của đồng bào về cuộc sống mới, về tương lai phồn vinh của đất nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. /.

Đỗ Thị Thu Thủy

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/di-dan-tu-do-anh-huong-den-doi-song-cua-dong-bao-dan-toc-mong-o-dien-bien-497139.html