Di dân và thịnh vượng

Hiện đại hóa nông thôn không phải là con đường dẫn đến thịnh vượng.

“Cứ 10 người đi du học thì 9 người ở lại”.

Đó là quả quyết của anh tài xế taxi ở TP HCM trong câu chuyện với tôi, về việc gia đình anh đã chi 30 nghìn USD để đưa cậu con trai 16 tuổi sang Mỹ du học và đang tìm cách ở lại.

Tuy đó chỉ là nhận định cảm tính của một người tài xế, nhưng phần đông trong 39 thành viên sáng lập của Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn đang ở Mỹ. Quê hương luôn là sự khắc khoải, nhưng ở lại vẫn đang là lựa chọn của rất đông du học sinh. Có những người đã quyết định trở về, nhưng rồi lại lặng lẽ ra đi vì không gian dụng võ chật hẹp, trong khi những rủi ro về an toàn và sức khỏe luôn rình rập.

Cách TP HCM 700 km, ở Tây Sơn, Bình Định quê tôi lại có một câu chuyện khác. “Chu choa ở quê khổ quá bay ơi. Tau chỉ mong tụi nhỏ được như chú mầy, thoát ly ra thành phố để có công việc, có thu nhập, không phải chân lấm tay bùn.” là điều anh Ba sau nhà thường nói với tôi mỗi dịp về quê. Bác Bốn nhà bên, cô Năm trước nhà cũng có ước mong tương tự.

Trong những chuyến đi địa phương như Hà Giang, Tây Ninh, tôi biết rất nhiều “cán bộ Hai - Sáu” (thứ hai ngược lên chỗ làm, thứ sáu xuôi về phố) vì gia đình đang sống và con đang đi học ở đó. Gửi con ra Hà Nội hay TPHCM học rồi chúng ở lại là lựa chọn của nhiều gia đình không thể "Hai- Sáu".

Gần như tất cả người dân Việt Nam hiện nay đều có gốc gác nông thôn và 65% dân số đang sống ở các vùng ngoài đô thị. Trực giác của họ mách bảo rằng tương lai là ở phố chứ không phải ở quê.

Trên thực tế, công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa để đa phần người dân sống ở thành thị mới là con đường đi đến thịnh vượng của một quốc gia chứ không phải “hiện đại hóa nông thôn” như nhiều quốc gia đang ngộ nhận. Tất cả các nước phát triển đều đã đi qua con đường này. Hàn Quốc và Trung Quốc là hai ví dụ rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

Nhờ tập trung nguồn lực cho các đô thị trọng yếu với khởi đầu từ Seoul, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp sau ba thập kỷ cải cách (1961-1990) với GDP bình quân đầu người tăng 9,4 lần và dân số nông thôn giảm tuyệt đối 41%. Đến nay, một nửa dân số xứ kim chi đang sống ở vùng Seoul và 82% đang sống ở thành thị.

Tương tự, Trung Quốc, sau 30 năm cải cách (1978-2008), GDP bình quân đầu người đã tăng 12,4 lần và dân số nông thôn giảm tuyệt đối hơn 10%. Sau 40 năm, dân số nông thôn đã giảm tuyệt đối hơn 25%, và tỷ lệ đô thị hóa đã hơn 57%.

Quan trọng hơn, việc làm cho các đô thị trung tâm có khả năng cạnh tranh và môi trường sống tốt đã giúp nhiều du học sinh nói riêng, người có khả năng nói chung của hai nước này chọn quê hương để lập nghiệp.

Đối với Việt Nam, sau 3 thập kỷ Đổi mới, GDP bình quân đầu người chỉ tăng 4,3 lần, dân số nông thôn vẫn tăng tuyệt đối 26% và tỷ lệ đô thị hóa chỉ mới 35%. Chất xám đang chảy ra ngoài và Việt Nam vẫn đang xuất khẩu lao động không có kỹ năng.

Lối ra của Việt Nam là cần những đầu tàu kinh tế thành công để kéo đoàn tàu kinh tế cả nước đi theo. Đây là lý do Quốc Hội đang thảo luận cơ chế mới để thúc đẩy TP HCM đi lên.

Giờ đây là lúc cần nghĩ ngược lại và làm khác đi so với quán tính hiện hữu. Việt Nam cần tạo điều kiện cho việc di dân, đô thị hóa dễ dàng, hiệu quả, đặc biệt là tạo dựng những đô thị có khả năng cạnh tranh và môi trường sống tốt. Do vậy, Trung ương cần trao thêm quyền tự chủ về ngân sách và chính sách cho TPHCM.

Đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước, nhưng trong 4 đồng thu được thì TPHCM chỉ được giữ lại chưa đến một đồng, kể cả phần xin thêm từ trung ương cho những dự án hay chương trình riêng biệt. Hơn thế, tỷ lệ này đang có chiều hướng giảm trong những năm gần đây.

Chi ngân sách bằng 7,8% GDP vào năm 2015 của TP HCM quả là eo hẹp so với Seoul 11,1%, Singapore 14,2%, Hà Nội, 15,5%, Thượng Hải 20,9% và Bắc Kinh 21,2%. Điều này đang khiến các tham vọng của Thành phố bị ngáng trở và năng lực cạnh tranh so với các thành phố trong khu vực luôn lẹt đẹt ở phía sau.

Trong bối cảnh khó thay đổi tỷ lệ ngân sách chung hiện nay, Trung ương có thể cho TPHCM được thu riêng một số loại thuế, phí như: thuế tài sản, thuế cải thiện, phí phát triển…; quyền phát hành trái phiếu công trình mà không tính vào nợ chung; và các cơ chế huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Thêm vào đó, trao cho Thủ Thiêm và vùng phụ cận cơ chế đặc khu như Phố Đông của Thượng Hải cũng là một giải pháp quan trọng.

Thành phố “anh hai Nam Bộ” sẽ lấy lại được phong độ của mình khi những nhân tố tiên phong một thời hay được kỳ vọng rất lớn như Công ty Phát triển Tân Thuận (IPC), Công ty phát triển hạ tầng (CII) và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) được phát huy cùng với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân để thực hiện những "siêu ý tưởng".

TP HCM cũng cần được trao quyền chủ động trong việc tổ chức bộ máy, đánh giá, tuyển dụng cán bộ, đổi mới cách thức trả lương nhằm tạo động cơ khuyến khích và áp lực để cán bộ làm việc. Khi có thể tập trung trí tuệ cho phát triển thay vì mải kỳ kèo với Trung ương về các cơ chế cò con thì sự loay hoay nhiều năm qua sẽ qua đi.

Cuối cùng, cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cạnh tranh giữa các đô thị lớn để thu hút doanh nghiệp, người giỏi và người giàu - ba nhân tố tạo ra việc làm và ngân sách.

Câu chuyện cạnh tranh của TP HCM không phải là với Hà Nội hay Bình Dương, Đà Nẵng mà là với Singapore, Hong Kong, New York, Seoul, Tokyo.

Theo VnExpress

Nguồn ANTT: http://antt.vn/di-dan-va-thinh-vuong-215551.htm