Đi đâu cũng Facebook

Mọi người, từ giới trí thức, người lao động chân tay, từ già đến trẻ, ai có điện thoại thông minh thì hầu như ai cũng dùng Facebook. Nhưng dùng như thế nào cho đúng cách, vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian, vừa 'sống tốt' với thế giới ảo, lại vừa sống tốt ở ngoài đời là điều cần nói, cần bàn.

Facebook đang có tác động rất lớn đến con người. Ảnh Tenplay.com.au.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết, Facebook là một website dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội do công ty Facebook, Inc điều hành với trụ sở tại Menlo Park, California. Mark Zuckerberg lập trang Facebook ngày 4 tháng 2 năm 2004 cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Tên Facebook bắt nguồn từ cuốn sổ có hình mặt (face book) của tất cả các sinh viên trong các trường đại học Mỹ.

Như vậy, Facebook có mặt hơn 10 năm qua. Lợi ích mà nó mang lại vô cùng to lớn. Nó có tác động rất lớn đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt hại của nói. Mặt lợi của nó thì ai cũng nhìn rõ. Nhờ Facebook, chúng ta cảm được thế giới tốt hơn thông qua nhiều video, hình ảnh chân thực của người dùng khi đăng tải. Những hình ảnh, dòng suy nghĩ luôn được cập nhật giúp chúng ta hiểu hơn về con người, bạn bè. Thậm chí về văn hóa, tập tục, tôn giáo, kiến trúc...

Thông qua Facebook, chúng ta biết được nhiều tri thức hơn. Lợi ích khác, có nhiều người chia sẻ rằng, nhờ Facebook mà họ tìm lại được người thân, bạn bè. Lại nữa, kiếm tiền thông qua Facebook cũng rất tốt cho các bạn trẻ, sinh viên... những người đang loay hoay chưa biết chọn nghề nào mưu sinh suốt đời. Tuy nhiên, mặt hại của nó cũng có nhiều. Chúng ta dùng như thế nào cho đúng cách, vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian, vừa “sống tốt” với thế giới ảo, lại vừa sống tốt ở đời thực là điều cần nói, cần bàn.

Trong thời gian qua có nhiều người đòi “tẩy chay” Facebook do mặt xấu của nó, trong đó có thời gian bị chiếm quá nhiều. Tuy nhiên, thời gian là do người dùng quyết định, không thể đổ lỗi cho Facebook. Điều đáng nói ở đây là đi đâu cũng Facebook. Ăn cũng Facebook. Đi chơi cũng Facebook (đã đành). Ngủ cũng Facebook. Tất tần tật cái gì cũng Facebook.

Bạn có cảm thấy bị xúc phạm không khi đang nói chuyện mà cứ nghe tiếng Facebook reo lên ở người đối diện (thứ lỗi cho những người làm việc qua Facebook và mạng xã hội)? Rồi họ chúi mặt vào điện thoại, tay thì lướt lướt, miệng thì cười cười vì những thứ đọc, xem trên Facebook. Họ quên ngay người đang nói chuyện với họ, người bằng xương bằng thịt.

Bạn có cảm thấy cô đơn buồn tủi không khi người yêu của bạn quan tâm Facebook hơn là giành thời gian cho bạn? Đi chơi với bạn mà lúc nào cô ấy cũng Facebook. Ngồi bên bạn nói có một câu mà bình luận trên Facebook trăm ngàn câu. Bạn có cảm thấy mất tự do không khi đi đâu, bạn bè cũng tung ảnh và địa điểm lên Facebook khi chính bạn không muốn? Ăn gì người ta cũng biết.

Và còn nhiều cái phiền toái khác mà bạn chắc đã biết. Facebook, nói gì đi nữa, điều lợi ích lớn lao nó mang lại là quá lớn. Cái xấu của Facebook xuất phát từ cái xấu của chúng ta mà ra chứ không phải chính nó. Mới đây, người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg có trả lời vòng vo trước vụ việc để lộ thông tin hàng triệu người dùng mạng xã hội này. Mark Zuckerberg đã rất chân thành nói lời xin lỗi. Chúng ta nên chấp nhận lời xin lỗi này và để Mark Zuckerberg sửa lỗi.

Tuy nhiên, thông qua vụ việc thấy rằng, trong thời đại này, thế giới hiện nay, chúng ta khi đã coi công nghệ thông tin là thứ không thể thiếu, đồng thời coi mạng xã hội, trong đó có Facebook là kênh tương tác giữa người với người thì chúng ta nên chấp nhận chuyện thông tin cá nhân được nhiều người biết đến để thay đổi tư duy, biết cách xử lý. Đồng thời, chúng ta không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, nếu như điều đó chẳng có ích gì cho bản thân.

Và hơn hết, không gì bằng việc sống tốt với những con người thực ở ngoài đời thực. Họ mới chính là người giúp đỡ bạn khi khó khăn. Gặp họ, nói chuyện với họ, bạn mới hiểu họ hơn. Chứ không phải qua hình ảnh, mấy dòng trạng thái trên Facebook. Sau cùng, bạn nên bỏ thói quen “đi đâu cũng Facebook”, bởi nó cũng chỉ là một kênh tương tác ảo trong cuộc sống thực này. Bạn nên có một thời gian biểu cụ thể để dùng Facebook tùy vào điều kiện công việc. Và hơn hết, chúng ta không nên lạm dụng quá nhiều thứ “ảo” mà bỏ qua người thật, việc thật ngay trước bạn.

Vũ Gia Hà |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%C4%91i%20%C4%91%C3%A2u%20c%C5%A9ng%20facebook-61003