Di dời các cơ sở chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường: Vẫn còn những khó khăn, bất cập

Từ nhiều năm trước, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương và chính sách di dời các cơ sở chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Dù vậy, đến nay vẫn chưa thể di dời được, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra nhiệm vụ: Phấn đấu đến hết năm 2017, hoàn thành di dời và ổn định hoạt động các nhà máy chế biến thủy sản tại Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn. Tuy nhiên, gần 2 năm nay việc thực hiện nghị quyết này vẫn gần như dậm chân tại chỗ.

Hiện nay việc tàu thuyền ra, vào cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy cũng rất khó khăn mỗi khi gặp thủy triều lên.

Hiện nay việc tàu thuyền ra, vào cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy cũng rất khó khăn mỗi khi gặp thủy triều lên.

Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) thủy sản Quảng Ninh có nhà máy chế biến thủy sản nằm tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Các sản phẩm chế biến của công ty xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Ngoài ra, công ty còn làm dịch vụ phục vụ cho việc bảo quản, sơ chế thủy sản của bà con tiểu thương ở chợ Hạ Long I. Từ năm 2012, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã bổ sung quy hoạch di dời công ty về khu vực phía Nam suối Lộ Phong, phường Hà Phong (TP Hạ Long). Thế nhưng đến nay, địa điểm này vẫn gần như là bãi nước mênh mông, chưa có mặt bằng nên công ty không thể lập phương án di dời được.

Ông Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh cho biết, nhà máy đi vào hoạt động từ những năm 1970, tổng diện tích hơn 9.600m2, được cổ phần hóa từ năm 2000 và đang có 300 lao động làm việc. Thực hiện chủ trương di dời nhà máy của tỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng chấp hành nhưng chúng tôi cần phải có mặt bằng vị trí mới và phải được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng thì mới thực hiện được. Thực tế doanh nghiệp cũng muốn đầu tư mở rộng sản xuất, dây chuyền hiện đại hơn nhưng mặt bằng hiện tại không đủ đáp ứng. Vì vậy, có lần phải hủy hợp đồng với đối tác. Thêm vào đó, việc ra, vào tàu thuyền tại đây cũng rất khó khăn mỗi khi gặp thủy triều lên tàu không qua được gầm cầu Bài Thơ nên phải chờ nước rút mới cập được bến.

Công ty CP Chế biến thủy sản Cái Rồng chưa thể di dời do địa điểm mới chưa san gạt mặt bằng, chưa triển khai các điều kiện về cơ sở hạ tầng.

Theo kế hoạch, địa điểm di dời nhà máy là khu đất gần 16.000m2 thuộc phía Nam suối Lộ Phong, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Khu vực này đã được bổ sung quy hoạch 1/2000. Tuy nhiên, vị trí khu đất trên hiện vẫn chỉ là mặt nước bãi triều, nằm cách xa hạ tầng kỹ thuật của khu dân cư, chưa có cơ sở hạ tầng kết nối ra khu đất. Để phục vụ cho việc sản xuất của doanh nghiệp thì địa điểm di chuyển đến phải phù hợp, đáp ứng được các điều kiện cho quá trình sản xuất như: Có hệ thống điện, nguồn nước sạch, giao thông thuận lợi đáp ứng xe container loại 40 feet ra vào và vị trí gần với khu hậu cần nghề cá, đặc biệt khu vực sản xuất và chế biến cảng cá phải liên hoàn... Thế nhưng thực tế chưa có một điều kiện gì, do đó chúng tôi không thể di dời.

Không riêng gì Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh, các nhà máy chế biến thủy sản khác nằm trong diện di dời cũng đang vướng mặt bằng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến thủy sản cần được di dời ra khỏi khu dân cư đó là Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh (TP Hạ Long); Công ty CP Xuất khẩu thủy sản 2 Quảng Ninh; Công ty CP Thủy sản Phú Minh Hưng (TX Quảng Yên) và Công ty CP Thủy sản Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Trong số này có Công ty CP Thủy sản Phú Minh Hưng đã giải thể, còn lại 3 nhà máy vẫn chưa thể di dời theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên nhân là do chưa đủ nguồn lực tài chính và địa điểm để di dời các cơ sở đến, đều không đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng.

Rõ ràng chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiện nay đang gặp phải những khó khăn bất cập nêu trên. Thiết nghĩ, việc thực hiện di dời các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất của doanh nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường của tỉnh.

Hiểu Trân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201906/di-doi-cac-co-so-che-bien-thuy-san-gay-o-nhiem-moi-truong-van-con-nhung-kho-khan-bat-cap-2446096/