Di dời cảng xăng dầu B112 bên bờ Vịnh Hạ Long: Cần 10.000 tỉ đồng và lỗ 700 tỉ đồng/năm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức nghiên cứu, rà soát các vị trí phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào tháng 10 tới, làm cơ sở cho việc di dời Cảng xăng dầu B12.

Các kho chứa xăng, dầu của Cty Xăng dầu B12 tại TP.Hạ Long. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Việc di dời cảng xăng dầu thuộc diện lớn nhất cả nước này đã được tính đến từ lâu, nhưng chi phí quá lớn: Tốn khoảng 10.000 tỉ đồng và lỗ kéo dài nhiều năm với khoảng 700 tỉ/năm.

Tiến thoái lưỡng nan

Cảng xăng dầu B12, thuộc Cty Xăng dầu B12 - đơn vị thành viên của Petrolimex, nằm cạnh cảng nước sâu Cái Lân, khu vực Cửa Lục, rất gần vịnh Hạ Long, được thành lập năm 1973 do chuyên gia Liên Xô hỗ trợ tư vấn, lựa chọn địa điểm. Đây là cảng đầu mối nhập khẩu xăng dầu duy nhất tại miền Bắc và từ đây, xăng dầu được bơm chuyển theo tuyến đường ống ngầm dài trên 620km đi qua 7 tỉnh, thành miền Bắc tới 8 cụm kho và tổng kho để cung cấp cho hầu hết các tỉnh, thành phía Bắc. Hiện, mỗi năm, cảng này cung cấp cho thị trường khoảng 4,5 triệu m3 xăng dầu, trong khi tổng cầu của toàn quốc là 12,3 triệu m3/năm.

Được biết, việc di dời cảng đã được tính đến từ năm 1999 bởi 3 lý do: Dành đất để xây dựng cảng container Cái Lân - được quy hoạch lớn nhất miền Bắc; việc vận chuyển xăng dầu ra vào cảng ảnh hưởng đến phà vận tải hành khách qua lại do khi đó chưa có cầu Bãi Cháy; đảm bảo an toàn và môi trường đối với di sản vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, cảng container đã dịch chuyển sang Lạch Huyện, Hải Phòng; phà Bãi Cháy dừng hoạt động từ năm 2006 sau khi có cầu Bãi Cháy; nên giờ chỉ có lý do duy nhất: Vấn đề an toàn, phòng chống cháy nổ và môi trường đối với vịnh Hạ Long.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hệ thống kho, cảng B12 được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ. Điều đó được thể hiện kể từ khi đưa vào khai thác đến nay - chưa gây bất cứ sự cố nào về phòng chống cháy nổ và môi trường đối với vịnh Hạ Long.

Theo ông Nguyễn Đồng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty Xăng dầu B12 - ngay từ năm 2011, Petrolimex và Cty Xăng dầu B12 đã thuê tư vấn nghiên cứu vị trí tại đảo Quả Muỗm, thị xã Quảng Yên, nhưng do nhiều lý do nên Petrolimex đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho giãn tiến độ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh không chấp thuận và sau đó thu hồi dự án vì chậm tiến độ để giao cho các nhà đầu tư khác.

“Hiện, toàn bộ khu vực trước giao để chuyển cảng xăng dầu B12 đến đã được giao cho các dự án du lịch, trong khi đó, các vị trí đề xuất khá xa bờ và nếu xây dựng cảng thì vô cùng tốn kém. Chỉ riêng việc phải nạo vét để làm cảng đủ độ sâu 13 m cũng ngốn một khoản tiền khổng lồ” - ông Đồng chia sẻ.

Xin lùi tiến độ

Theo Petrolimex, kết quả nghiên cứu, tính toán các phương án đầu tư cho thấy, kinh phí đầu tư xây dựng kho, cảng và tuyến đường ống mới cần khoản tiền rất lớn. Khái toán chi phí đầu tư thời điểm 2010 - 2011 là 3.200 tỉ đồng và giai đoạn hiện nay là trên 7.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia trong ngành thì ước tính phải cần tới 10.000 tỉ đồng, do ngoài việc xây dựng lại toàn bộ hệ thống cảng, kho chứa xăng dầu thì cũng phải lắp đặt mới tuyến đường ống ngầm từ cảng tới hệ thống đường ống hiện tại, dài 24km đi qua các khu vực thuộc vịnh Hạ Long có địa hình phức tạp và các khu vực đang được nghiên cứu để phát triển đô thị thương mại và du lịch.

Với số vốn khổng lồ trên, mỗi năm, Cty B12 sẽ lỗ khoảng 700 tỉ đồng. Theo ông Đồng, mức lỗ này có thể kéo dài vài chục năm, trong khi đó, hiện mỗi năm, cảng này nộp khoảng 7.000 tỉ đồng tiền thuế kinh doanh và 1.200 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Không chỉ có vậy, việc di dời Cảng dầu B12 sẽ phải thay đổi đường vận đồng xăng dầu trong khu vực phía Bắc, thậm chí phải dừng hoạt động của tuyến B12, ảnh hưởng đến sự tồn tại của các kho xăng dầu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Đức Giang (Hà Nội), Hà Nam…

Vấn đề đặt ra, chưa kể quá tốn kém về ngân sách nếu phải di dời (bởi đây là Cty có trên 90% vốn nhà nước), thì bất kỳ vị trí nào ở Quảng Yên cũng đều liên quan đến vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, đến nay, Petrolimex, Cty B12 vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu việc di dời cảng ra khỏi vị trí hiện nay. Dẫu vậy, theo Petrolimex, hạn chót cho việc di dời là năm 2020 rất khó thực hiện, bởi khối lượng công việc quá nhiều.

Chính vì vậy, Petrolimex, UBND tỉnh Quảng Ninh đều có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin được điều chỉnh tiến độ di dời Cảng xăng dầu B12.

Kết luận sau cuộc họp giữa các bộ, ngành, địa phương bàn về việc di dời cảng, tại Trụ sở Chính phủ, ngày 7.8.2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức nghiên cứu, rà soát các vị trí phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào tháng 10 tới, làm cơ sở cho việc di dời cảng.

NGUYỄN HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/di-doi-cang-xang-dau-b112-ben-bo-vinh-ha-long-can-10000-ti-dong-va-lo-700-ti-dongnam-626624.ldo