Di dời khu ổ chuột treo trên di sản văn hóa thế giới ở Huế: Thông tin mới nhất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế với 2.938 hộ và Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư.

Liên quan đến việc di dời những khu ổ chuột sống treo trên di sản thế giới ở Huế, ngày 24/10 Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số bộ, ngành liên quan, nghe báo cáo về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế.

Theo báo cáo của UBND Thừa Thiên-Huế, Quần thể Di tích cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia, được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại, mặc dù đã được tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi đồng bộ trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Quá trình di dân trong thời gian chiến tranh (1945-1975), cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số hằng năm tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích, trong đó khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đang có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống.

 Những khu ô chuột "treo" trên di sản văn hóa thế giới ở Huế gây ô nhiễm và nhếch nhác di tích trong mắt du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Những khu ô chuột "treo" trên di sản văn hóa thế giới ở Huế gây ô nhiễm và nhếch nhác di tích trong mắt du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Do sống trong khu vực 1 di tích không được nâng cấp, tu sửa công trình, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp, cấp thiết cần được di dời.

Do đó, Thừa Thiên-Huế lập đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích cố đô Huế”. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2021), dự kiến di dời 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu. Tại cuộc làm việc, tỉnh cũng trình Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 Kinh thành Huế. Theo đó, kinh phí thực hiện di dời vào khoảng 1.880 tỷ đồng trong giai đoạn 1 và 855 tỷ đồng cho giai đoạn 2 (2022-2025).

Tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn, cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù cũng như nêu một số đề xuất khác.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Thừa Thiên-Huế.

Theo Thủ tướng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế, di sản văn hóa thế giới, là di sản quốc gia đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của Thừa Thiên-Huế.

Trước mắt, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 Kinh thành Huế với 2.938 hộ. Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư: “Để họ không phải đi quá xa Kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ”.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thực hiện trong năm 2019 đến 2021 triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm: Tường thành, các eo bầu, hộ thành hào… với hơn 2.930 hộ.

Giai đoạn 2: Từ năm 2022 đến 2025 di dời hơn 1.200 hộ dân ở các khu vực còn lại. Tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế khoảng 2.735 tỷ đồng.

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105 ha, tổng mức đầu tư 1.362 tỷ đồng.

Đề án này thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn triển khai để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp.

Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án nói trên.

Bài liên quan

Huế chuẩn bị gì cho cuộc di dân lịch sử ở khu ổ chuột treo trên di sản văn hóa thế giới?

Sẽ di dời 4.200 hộ dân trong khu ổ chuột 'treo' trên di sản văn hóa thế giới ở Huế

Những khu ổ chuột nhếch nhác 'treo' trên di sản văn hóa thế giới ở Huế

Căn nhà trong 'khu ổ chuột' treo kín bằng khen của trưởng nhóm hiệp sĩ Sài Gòn

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtc.vn/di-doi-khu-o-chuot-treo-tren-di-san-van-hoa-the-gioi-o-hue-thong-tin-moi-nhat-d434314.html