Di dời nhà máy Rạng Đông: Đất vàng đừng xây cao ốc!

Đường Nguyễn Trãi gánh lượng xe lưu thông rất lớn từ khu vực Q.Hà Đông vào nội thành, hơn nữa 2 bên đường nhiều cao ốc cũng đang mọc lên.

Đàm phán đền bù để di dời

Ngày 16/9/2019, nói về việc xử lý khu đất vàng của Công ty Rạng Đông tại số 87 - 89 Hạ Đình (Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) sau vụ cháy, KTS Nguyễn Đức Long - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, UBND TP. Hà Nội cần nhanh chóng tiến hành đàm phán để Công ty Rạng Đông di dời nhà máy ra khỏi nội thành.

Theo ông Long, sự cố cháy Công ty Rạng Đông đã cho thấy một bài học lớn trong việc để những nhà máy sản xuất ở khu vực đông dân cư, khi xảy ra sự cố để lại hậu quả môi trường đáng tiếc mà chính người dân phải gánh chịu.

"Chủ trương di dời nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành đã có từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện triệt để là do cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện sát sao quy định. Ở phía ngược lại, doanh nghiệp lại chỉ đến lợi ích của đơn vị mà bỏ quên đi giá trị cộng đồng nên mới để xảy ra tình trạng như vậy" - ông Long nhận định.

Vị KTS này cho rằng, việc yêu cầu Công ty Rạng Đông di dời nhà máy ra khỏi nội thành ở thời điểm hiện tại là điều không khó. Chỉ cần cơ quan chức năng TP. Hà Nội quyết tâm thì chắc chắn sẽ thực hiện được.

Khu đất của Công ty Rạng Đông tại 87 - 89 Hạ Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Khu đất của Công ty Rạng Đông tại 87 - 89 Hạ Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Về khu đất rộng gần 5,7ha của Công ty Rạng Đông, ông Long cho biết, trong đó có một phần đất thuê hàng năm và một phần đất chỉ còn 15 năm sử dụng. Khi cổ phần hóa, giá trị khu đất được xác định là đất nông nghiệp, sản xuất nên nếu UBND TP. Hà Nội có phải đền bù cho Công ty Rạng Đông thì cũng sẽ mất khoản tiền không quá lớn.

KTS Nguyễn Đức Long nói: "Việc Công ty Rạng Đông có chuyển nhượng lại diện tích đất nhà máy ở Hạ Đình cho UBND TP. Hà Nội hay không là quyền của doanh nghiệp vì đây là đơn vị đã được cổ phần hóa 100%.

Trong trường hợp Công ty Rạng Đông vẫn muốn giữ lại khu đất này thì cơ quan chức năng TP. Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp không được tiếp tục làm nhà máy sản xuất mà có thể đây là trụ sở văn phòng làm việc của công ty hoặc nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Quan trọng là quá trình đàm phán của UBND TP. Hà Nội đưa ra mức đền bù hợp lý và giải thích được việc thu hồi lại số đất đó để thực hiện vào mục đích gì. Nếu vì mục đích công cộng và đền bù cho Công ty Rạng Đông một khoản tiền xứng đáng thì khả năng thu hồi sẽ cao hơn".

Không nên tiếp tục xây cao ốc

Nói về mục đích sử dụng khu đất 87 - 89 Hạ Đình của Công ty Rạng Đông, ông Long cho rằng, không nên xây thêm cao ốc tại khu này bởi hai lý do. Một là việc xây thêm cao ốc sẽ làm tăng gánh nặng hạ tầng, sức ép dân số. Hai là nếu quy hoạch như vậy, sẽ rất khó để Công ty Rạng Đông nhượng lại khu đất đó cho nhà nước.

Vị chuyên gia chỉ rõ, quanh khu vực đường Nguyễn Trãi đã có rất nhiều cao ốc lớn được đưa vào sử dụng. Đối diện khu đất 87 - 89 Hạ Đình là đường Nguyễn Tuân chỉ dài mấy trăm mét nhưng có tới hơn 10 dự án chung cư cao từ 21 - 40 tầng.

Cạnh đó là đường Khuất Duy Tiến - Nghiêm Xuân Yêm cũng đã có hàng chục dự án chung cư đã và đang được xây dựng.

Không những thế, hàng ngày một lượng xe khổng lồ từ khu vực Q. Hà Đông di chuyển vào trong nội thành từ đường Nguyễn Trãi.

Vì thế, việc nhồi thêm nhà cao tầng với mật độ cao tại khu đất 87 - 89 Hạ Đình sẽ làm tăng áp lực hạ tầng xung quanh khu vực.

Trong khi đó, trong quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND TP. Hà Nội vào năm 2015, khu đất của Công ty Rạng Đông được có thể xảy ra hai trường hợp: Một là, nếu di dời nhà máy Rạng Đông sẽ được quy hoạch đất làm công cộng, cây xanh, trường học; Hai là quy hoạch xây tòa nhà hỗn hợp, văn phòng, thương mại hoặc chung cư nếu được cấp phép.

Trong trường hợp xây chung cư, văn phòng, thương mại, Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân… đã từng thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: "Quy hoạch mà UBND TP. Hà Nội đưa ra về khu đất Công ty Rạng Đông mà không nói rõ để làm gì thì chưa phải là quy hoạch. UBND TP. Hà Nội phải cho ý kiến cụ thể khu vực đất đó để làm gì, đó mới là bản quy hoạch.

Rạng Đông trước đây đã bổ sung ngành nghề kinh doanh có bất động sản, với ý tưởng là sẽ thực hiện bất động sản trên khu đất của nhà máy, tôi cho rằng đề xuất gì cũng phải dựa vào quy hoạch, điều này phụ thuộc vào thành phố Hà Nội.

Chuyện đề xuất của một doanh nghiệp là nguyện vọng của doanh nghiệp, làm được hay không làm được là yếu tố quy hoạch có phù hợp không? Mà quy hoạch cần dựa trên lợi ích chung về xã hội, môi trường chứ không chỉ lợi ích bằng tiền hay của một cá nhân, tập thể nào đó".

Ngọc Văn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/di-doi-nha-may-rang-dong-dat-vang-dung-xay-cao-oc-3387739/