Di dời trạm BOT Cai Lậy là cách 'tháo ngòi nổ' hữu hiệu

Theo các chuyên gia, việc giằng co dai dẳng tại trạm BOT Cai Lậy sẽ phát sinh thành bất ổn xã hội. Cách tốt nhất để tháo 'ngòi nổ' BOT Cai Lậy là đối thoại và di dời Trạm BOT Cai Lậy về đúng vị trí.

Giằng co tại BOT Cai Lậy – Nguyên nhân do đâu?

Sau hơn 3 tháng trạm thu phí BOT Cai Lậy ngừng thu phí, với việc giảm bình quân 30 % mức phí, tưởng rằng thu phí trở lại sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhưng không, ngược lại, có phần gay gắt hơn.

Lần này, nhằm đảm bảo trật tự an ninh, lực lượng công an đã tham gia, nhưng phản ứng của lái xe cũng mạnh mẽ và đa dạng hơn. Thậm chí, có những lái xe bị áp giải về trụ sở công an để giải trình, có những tài xế bị chém nhưng cuộc giằng co vẫn không có hồi kết. Vậy nguyên nhân cội nguồn do đâu?

BOT Cai Lậy không thể kết thúc giằng co nếu không giải quyết triệt để.

Nguyên nhân dễ nhận thấy, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thực hiện dự án BOT vẫn chưa giải đáp đầy đủ, đúng pháp luật về những thắc mắc của người tham gia giao thông ở đây.

Cụ thể, điều dư luận quan tâm đầu tiên là việc đặt trạm thu phí ở vị trí này có đúng pháp luật không?

Câu hỏi này được đặt ra bởi lẽ, tất cả các tài xế không cho xe tham gia cung đường tránh (được dự án BOT đầu tư) vẫn phải chui vào trạm thu phí liệu có hợp lý? Do đó, giảm giá 30% , chứ có giảm nhiều hơn nữa, liệu những người tham gia giao thông có chấp nhận hay không?

Thứ hai, đã có cơ quan chức năng nào kiểm soát tổng mức đầu tư ở đây liệu được tính toán đúng chưa? Vì sao, khi xảy ra “sự cố” Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT đã vội cho rằng, nếu có giảm giá thì thời gian thu phí phải kéo dài vì tổng tiền vẫn không đổi.

Nếu thời gian thu phí kéo dài tương ứng, hoặc không công bố rõ ràng, người tham gia giao thông rất dễ phản ứng và gây bức xúc dư luận. Đây là hợp đồng kinh tế, mọi thứ phải công bố đầy đủ, từ những con số cho đến cội nguồn của những con số đó.

Trên thực tế, mâu thuẫn trực tiếp tại BOT Cai Lậy xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ là chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và người thụ hưởng là giới tài xế. Cũng tương tự các dự án BOT khác, các doanh nghiệp vận tải và tài xế hoàn toàn không được lấy ý kiến, cũng như mù mờ các thông tin liên quan dự án.

BOT Cai Lậy là hợp đồng 3 bên

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), trong trường hợp BOT Cai Lậy và rất nhiều dự án BOT khác, Bộ GTVT chỉ lấy ý kiến của chính quyền, HĐND địa phương mà thiếu đi sự tham vấn với đối tượng quan trọng nhất là người thụ hưởng: chủ phương tiện.

“BOT phải là hợp đồng 3 bên giữ Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nhưng hiện nay mới chỉ là hợp đồng 2 bên giữa nhà nước - nhà đầu tư. Mâu thuẫn tại BOT Cai Lậy lẽ ra không phát sinh nếu cơ quan quản lý tham vấn trực tiếp những người sẽ trả phí. Việc gạt người dân sang một bên khiến tất cả mọi việc sau đó như đặt trạm, mức thu phí mang tính áp đặt thì khó lòng người dân đồng thuận được”, ông Đức nhìn nhận.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt của BOT Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí, nếu không xử lý được vị trí trạm thì xung đột không bao giờ giải quyết được. “Bộ GTVT và nhà đầu tư loay hoay với chuyện miễn phí cho các phương tiện, rồi miễn giảm cho người dân địa phương sinh sống gần trạm, nhưng đó không phải là giải pháp. Vấn đề ở đâu phải xử lý ở đó, sai ở vị trí trạm thì phải di dời trạm”, ông Ánh nói.

Trả lời câu hỏi là trong trường hợp di dời trạm, phương án tài chính, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được xử lý như thế nào? Theo chuyên gia này, hợp đồng BOT ràng buộc vị trí trạm, từ đó tính toán lưu lượng xe, mức phí và tổng thời gian thu hồi, hoàn vốn. Nếu chuyển trạm ra vị trí khác, thì toàn bộ biến số của phương án tài chính ban đầu phải thay đổi, kéo theo hệ lụy thay đổi gần hết nội dung của hợp đồng. Nhưng điều này hoàn toàn có thể làm được.

Có thể khởi kiện vụ án hành chính

Theo luật sư Lê Minh Nhựt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, những người bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng khi bị thu tiền bởi trạm thu phí BOT Cai Lậy hoàn toàn có thể khởi kiện vụ án hành chính để tòa giải quyết.

Cụ thể, những người bị thu phí như doanh nghiệp vận tải, người sử dụng ôtô, xe tải... đi qua trạm BOT Cai Lậy đã bị thu phí hoàn toàn có quyền khởi kiện quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT về việc cho BOT đầu tư, đặt trạm thu phí.

Tài xế có quyền khởi kiện.

Bởi bản chất mối quan hệ giữa BOT Cai Lậy với bên còn lại (những đối tượng bị thu phí) là mối quan hệ dân sự giữa một bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả phí (hợp lý). Tuy nhiên, với quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT đã khiến BOT Cai Lậy có ưu thế áp đặt việc bên còn lại phải trả phí.

Bộ trưởng Bộ GTVT là người ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua thị xã này theo hình thức BOT. Chính quyết định hành chính của bộ trưởng Bộ GTVT (khi chấp thuận cho chủ dự án vừa đầu tư đường tránh, vừa tăng cường mặt đường quốc lộ 1) là cơ sở để chủ BOT Cai Lậy tổ chức đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 thu phí gây nhiều phản ứng

Như vậy, căn cứ Luật tố tụng hành chính hiện hành (điều 32), những người cho rằng việc thu phí không hợp lý có thể khởi kiện quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT đến TAND tỉnh Tiền Giang (có thẩm quyền giải quyết).

Người khởi kiện còn có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thu phí của BOT Cai Lậy trong thời gian giải quyết vụ kiện.

Cần thanh tra toàn diện

Trên thực tế, giải quyết lợi ích cho người dân bây giờ là vấn đề quan trọng. Nhưng để giải quyết dứt điểm cho BOT Cai Lậy cũng như tháo ngòi cho các cuộc xung đột khác có thể xảy ra tại các dự án BOT, sau khi di dời trạm, cần một cuộc thanh tra toàn diện về dự án BOT này, để tìm ra bất hợp lý của dự án bắt nguồn từ đâu, cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Việc thanh tra toàn diện cũng để trả lời cho câu hỏi mà người dân muốn biết: Đằng sau việc đặt bút ký hợp đồng với các vấn đề bất hợp lý như thêm một hợp phần dự án (nâng cấp mặt đường QL1), đặt trạm tại vị trí thu cả 2 đường, áp mức phí cao... có lợi ích nào khác hay không?

P.V (Tổng hợp)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/di-doi-tram-bot-cai-lay-la-cach-thao-ngoi-no-huu-hieu