Đi du lịch mùa nắng nóng cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Thời tiết càng nắng nóng, thời gian tiếp xúc bên ngoài đường càng nhiều thì nguy cơ gặp cảm nắng, sốc nhiệt,.. càng cao. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với nắng nóng?

Các biểu hiện và cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt, say nắng, cảm nắng

Ở mức độ nhẹ: Bạn cảm thấy người mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Ở mức độ nặng có các biểu hiện: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió.
Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân.
Cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
Lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Những việc cần làm để bào vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Uống đủ nước.

Nước chiếm khoảng 50% đến 70% trọng lượng cơ thể, có khả năng cung cấp nguồn khoáng chất, vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, giúp nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động. Do đó, mất nước có thể khiến bạn cảm thấy uể oải, giảm huyết áp, nhịp tim tăng và sốc nhiệt…

Để tránh xảy ra tình trạng trên, nhất là trong những chuyến du lịch mùa nắng nóng, bạn nên đảm bảo nạp đủ nước cho cơ thể. Uống nước ngay cả không khát. Ngoài nước lạnh, bạn có thể thêm trái cây và thảo mộc để tăng cảm giác sảng khoái, hoặc thử dùng nước dừa để bổ sung chất điện giải tự nhiên.

Bôi kem chống nắng hợp với làn da.

Vào mùa hè oi bức, cường độ tia UV có thể tăng cao, dễ gây khô da, cháy nắng, lão hóa sớm và các nguy cơ tiềm ẩn khác. Vì vậy, bạn đừng quên sử dụng kem chống nắng khi hoạt động ngoài trời để hạn chế các tác động trên và bảo vệ sức khỏe làn da.

Hãy lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da bạn, độ SPF tối thiểu 15 hoặc 30 tùy nơi bạn đến có nhiều nắng hay không. Và hãy nhớ sử dụng kem chống nắng trước khi bạn ra ngoài từ 15 đến 30 phút và sử dụng lại 2 giờ để đảm bảo da bạn được bảo vệ hiệu quả nhất.

Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi

Khi du lịch dưới cái nắng gắt, bạn nên chọn quần áo làm từ các chất liệu như linen, cotton thoáng khí. Ngoài độ mềm mại, kết cấu thoáng mát và khả năng chịu nhiệt tốt, trang phục từ các loại vải này còn góp phần mang lại vẻ ngoài nhẹ nhàng, tinh tế cho bạn.

Hạn chế ra ngoài trời vào buổi trưa

Buổi trưa (từ khoảng 10h đến 15h) là thời điểm cường độ tia UV của mặt trời tăng cao nhất. Do đó, bạn nên hạn chế các hoạt động vui chơi, khám phá trong khoảng thời gian này. Thay vào đó, hãy cố gắng sắp xếp lịch trình vào các buổi sáng sớm, chiều muộn hoặc tối. Ngoài ra, bạn có thể chọn những điểm du lịch trong nhà để tham quan, trải nghiệm.

Lựa chọn thực phẩm để tránh ngộ độc

Nắng nóng cộng với việc di chuyển khi tham quan sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém. Vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C và vi khuẩn xâm nhập, làm hỏng thực phẩm nhanh, khiến cho thức ăn dễ ôi thiu hơn nếu không được bảo quản cẩn thận. Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách cũng góp phần dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì thế nên cố gắng ăn càng sớm càng tốt các thực phẩm vừa chế biến. Đặc biệt, nên chọn những loại thực phẩm khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nên ưu tiên các thức ăn dễ tiêu, thanh mát, giải nhiệt.

Lý giải nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội | SKĐS

Bs. Đào Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-du-lich-mua-nang-nong-can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-169240501175227895.htm