Đi giặt quần áo, 'choáng váng' gặp đuôi tiên cá

Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những chiếc đuôi người cá lớn thò ra từ… máy giặt.

Mục đích của hầu hết mọi người khi đến phòng giặt là để giặt – sấy quần áo. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó bạn phải đối mặt một điều ngạc nhiên đến nỗi không thể tin vào mắt mình? Nhờ vào một tác phẩm mới của nghệ sỹ Olivia Enrlanger, người xem có thể bắt gặp… những chiếc đuôi của người cá thò ra từ một vài chiếc máy giặt tưởng như không thể quen thuộc hơn.

“Tôi hy vọng rằng công việc nhàm chán hàng ngày có thể trở nên bất ngờ trong một khoảnh khắc,” Erlanger nói về tác phẩm của mình.

(ảnh: artnet)

Dự án được thực hiện bởi phòng tranh Mother Culture có địa điểm ngay gần dịch vụ giặt là mang tên Laundry Zone (Khu vực giặt là). Erlanger đề cập với hai nhà sáng lập của Mother Culture là Milo Conroy và Jared Madere về một dự án liên quan tới đuôi người cá, lấy cảm hứng từ một tác phẩm điêu khắc hình lưỡi rắn mà cô từng trưng bày tại phòng tranh Mathew ở New York (Mỹ) năm 2016. Chính Conroy và Madere đã đề xuất bối cảnh cho tác phẩm là một cửa hàng giặt là, thay vì không gian triển lãm truyền thống trong phòng tranh. Ý tưởng được đưa ra sau khi họ… đi giặt quần áo của chính mình.

“Hoạt động của tôi mở rộng ra cả lĩnh vực thiết lập môi trường nghệ thuật, vì vậy tôi cảm thấy việc sáng tạo ở một không gian công cộng mang tính thử nghiệm rất tự nhiên”, Erlanger chia sẻ.

Theo cô, những người xem không được biết trước về tác phẩm, khi đặt chân tới cửa hàng giặt là đều tỏ ra bất ngờ và sau đó là hài lòng trước những gì mình nhìn thấy. Tuy nhiên, đối với Erlanger, ý nghĩa ẩn giấu sau những chiếc đuôi cá không hề đơn giản.

“Tôi coi người cá như một hình mẫu trước giới tính hoặc phi giới tính, một đại diện cho sự tồn tại ảo tưởng mà tôi cảm thấy chúng ta từng thể hiện trước những môi trường áp lực khác nhau, ảnh hưởng tới sự biến đổi”, nữ nghệ sỹ nói. “Khi người cá đại diện cho nữ giới, người cá đem tới nhiều câu hỏi về tính di động. Ví dụ như Ariel [nhân vật nàng tiên cá trong bộ phim hoạt hình Disney – người dịch], cô đã từ bỏ giọng nói của mình để có thể đi lại được trên đất liền”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/di-giat-quan-ao-choang-vang-gap-duoi-tien-ca-363832.html