Đi khắp thế giới tìm kiếm mảnh vỡ MH370

Vụ kiện đòi bồi thường sau sự mất tích bí ẩn của máy bay MH370 đã đình trệ suốt một thập kỷ và giới chức trách tuyên bố chỉ mở cuộc tìm kiếm mới nếu có bằng chứng thuyết phục.

Mười năm trôi qua, ông Jiang Hui (50 tuổi, sinh sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc) vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng cho sự biến mất đột ngột của mẹ mình vào năm 2014, theo The Guardian.

“Mẹ tôi là một người bình thường, xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp lao động. Mẹ rất kiên cường và bền bỉ”, ông Jiang nghẹn ngào.

Theo chia sẻ, mẹ của ông Jiang, bà Jiang Cuiyun (72 tuổi, biên tập viên ảnh đã nghỉ hưu), là một trong 153 công dân Trung Quốc trên chuyến bay MH370 xấu số.

Con trai của bà giờ đây đang cố gắng bộc lộ đức tính ngoan cường thừa hưởng từ mẹ trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời kéo dài hàng thập kỷ. Ông Jiang thậm chí phải bán nhà, bỏ việc để dành toàn thời gian vận động gia đình nạn nhân. Hiện tại, ông sống chủ yếu dựa vào tiền tiết kiệm của mình.

Trong nhiều năm qua, ông Jiang đã đi khắp thế giới, bao gồm Madagascar (đảo quốc trên Ấn Độ Dương - PV), để tìm kiếm bất cứ mảnh vỡ nào sót lại của máy bay MH370.

Còn ở Malaysia, Grace Nathan (35 tuổi) nhớ nhung khôn nguôi về mẹ mình, bà Anne Daisy, nhất là trong những sự kiện quan trọng như đám cưới và ngày các con trai cô chào đời. “Chúng có nhiều điểm tương đồng với mẹ tôi, chẳng hạn cả hai đều rất vui tính", Grace bộc bạch.

Dù đã sống chung nhiều năm qua với nỗi sợ hãi rằng mình có thể sẽ không bao giờ gặp lại mẹ, Grace vẫn khó kìm lòng khi đề cập tới vụ việc.

Hy vọng lật lại vụ việc

Tại một tòa án ở Bắc Kinh, ông Jiang Hui và gia đình của hơn 40 nạn nhân Trung Quốc khác đang kiện hãng hàng không Malaysia Airlines và các công ty liên quan, bao gồm công ty bảo hiểm Allianz của Đức, Boeing và Rolls-Royce.

Phiên tòa đầu tiên diễn ra tại tòa án nhân dân Triều Dương đã kết thúc vào ngày 6/12/2023 chỉ sau 10 ngày xét xử. Kết quả là không một bản án chính thức nào được đưa ra.

“Tôi thực sự thất vọng. Bản chất pháp lý của vụ việc này không đến nỗi phức tạp. Tôi không hiểu tại sao lại mất nhiều thời gian đến thế", ông Jiang bức xúc.

Gia đình các nạn nhân trên chuyến bay MH370 hy vọng cuộc tìm kiếm mới sẽ được mở lại sau 10 năm. Ảnh minh họa: Lau Ka-kuen/SCMP.

Một số gia đình yêu cầu được bồi thường 10-80 triệu nhân dân tệ (1,4-11,2 triệu USD).

Trong khi đó, những người như ông Jiang chỉ muốn khởi động lại cuộc tìm kiếm bằng cách trao thưởng cho những ai phát hiện manh mối mới. “Việc tìm kiếm có thể sẽ sớm đạt được bước tiến triển lớn, mà tiền thưởng chính là động lực quan trọng", ông nói.

Nhưng bất chấp niềm tin kiên định rằng có thể tìm thêm nhiều mảnh vỡ của MH370, ông vẫn không mấy lạc quan về các vụ kiện.

Những nỗ lực tương tự ở Malaysia và Mỹ đã thất bại, một phần vì bất đồng về trách nhiệm giải trình và quyền tài phán. Năm 2018, thẩm phán Ketanji Brown Jackson ở Mỹ đã bác đơn kiện của họ hàng nạn nhân với lý do vụ mất tích cốt lõi là một bi kịch của Malaysia.

Do đó, ông Jiang chia sẻ: “Tôi đã mất 10 năm để bắt đầu phiên điều trần này. Nó thực sự phản ánh rằng các tòa án chưa đủ năng lực để đưa ra phán quyết. Đó là sự ngược đãi về mặt công lý".

Grace Nathan 1 tuổi chụp ảnh cùng mẹ là bà Anne Daisy, người có mặt trên chuyến bay MH370. Ảnh: NVCC.

Cùng lúc đó, Grace Nathan ở Malaysia cũng kiên quyết đấu tranh vì lẽ phải. Cô nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế - 14 quốc gia có hành khách trên chuyến bay - cùng sự tài trợ của các doanh nghiệp có thể thúc đẩy cuộc tìm kiếm tiếp theo.

“Chính phủ Malaysia chưa bao giờ nói rằng khó khăn trong việc tìm kiếm liên quan đến vấn đề ngân sách. Nhưng ngay cả đúng như vậy, đó thực sự là một trong những trở ngại dễ vượt qua nhất vì có rất nhiều quốc gia trên máy bay, chẳng hạn Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới", cô chia sẻ.

Hôm 3/3, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nhắc lại quan điểm rằng họ sẵn sàng mở cuộc điều tra nếu có bằng chứng mới thuyết phục. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke có thể thảo luận với công ty chế tạo robot hàng hải Ocean Infinity của Mỹ về một cuộc tìm kiếm mới sau khi công ty này đệ trình lên chính phủ.

Nhìn nhận động thái lạc quan nói trên, Grace Nathan hy vọng đây là bước đi đúng hướng. "Không cuộc tìm kiếm nào có thể đảm bảo việc tìm thấy chiếc máy bay, nhưng nếu không thử, chúng tôi sẽ không bao giờ biết được", cô bày tỏ.

Jacquita Gonzales, có chồng tên Patrick Gomes là người giám sát chuyến bay MH370, đã buông xuôi hy vọng từ lâu vì thiếu hụt hoạt động tìm kiếm. Cô hiện mong ngóng kết quả của bất kỳ cuộc gặp nào với Ocean Infinity. “Chúng tôi rất vui vì thông báo đã được đưa ra. Đó là một bước đi đúng hướng để sự kiện đặt dấu chấm hỏi lớn cho nhân loại không trôi vào dĩ vãng", Jacquita cho hay.

Tuy nhiên, Fuad Sharuji, giám đốc khủng hoảng truyền thông của Malaysia Airlines khi MH370 mất tích, lại thận trọng hơn: "Tôi rất vui khi biết rằng Ocean Infinity đã đề nghị tìm kiếm MH370. Tuy nhiên, tôi khá nghi ngờ liệu khu vực tìm kiếm mới có mang lại kết quả tích cực hay không".

Công lý bị trì hoãn

Gia đình các nạn nhân ở Trung Quốc đã tự thành lập một cộng đồng để bày tỏ sự đau buồn và tức giận một cách công khai - phần lớn sự giận dữ của họ nhắm vào giới chức trách Malaysia, chứ không phải Trung Quốc.

Ông Jiang Hui, người cáo buộc Malaysia cản trở quá trình tìm kiếm của thân nhân, nói: “Tôi thất vọng với hệ thống tư pháp Malaysia. Họ đã trì hoãn công lý". Ông đồng thời tiết lộ việc chính phủ cho phép tái cơ cấu hãng hàng không khiến các gia đình không thể khởi kiện.

Sau 10 năm, vụ mất tích của MH370 vẫn chưa có lời giải đáp. Ảnh: The Guardian.

Năm 2015, Malaysia Airlines bị quốc hữu hóa sau nhiều tháng lâm vào khủng hoảng tài chính liên quan đến 2 thảm họa: Vụ máy bay MH370 mất tích và vụ bắn hạ chuyến MH17 ở Ukraine. Quá trình tái cơ cấu vì thế đã diễn ra, trong đó trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vụ MH370 không được chuyển giao cho đơn vị mới là Malaysia Airlines Berhad.

Tiến sĩ Ghouse Mohd Noor, một người bạn của cơ trưởng MH370 Zaharie Ahmad Shah, cũng chỉ trích cách Malaysia xử lý vụ việc chấn động ngành hàng không bởi họ chỉ làm những gì có lợi cho mình.

Trong khi đó, ông Jiang và nhiều người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Theo ông, sự miễn cưỡng, thái độ thờ ơ của giới chức trách Malaysia và các công ty khác thực sự gây ra thiệt hại ở mức độ thứ cấp.

Gia đình của hơn 100 nạn nhân Trung Quốc đã chấp nhận khoản bồi thường từ hãng hàng không, với số tiền bồi thường được cho là 2,5-3 triệu nhân dân tệ (349.000-418.000 USD).

Dù gặp khó khăn về tài chính, cụ thể là chi 30.000-40.000 nhân dân tệ để điều tra MH370, ông Jiang chưa bao giờ cân nhắc việc chấp nhận thỏa thuận trên bởi nó không nêu rõ trách nhiệm tìm kiếm người bị nạn.

Tên của các hành khách mất tích được viết trên những mảnh ghép trong ngày tưởng nhớ các nạn nhân MH370 ở Petaling Jaya, Malaysia. Ảnh: Supian Ahmad/NurPhoto/REX/Shutterstock.

Gia đình các nạn nhân xấu số lúc này không biết làm gì hơn ngoài tiếp tục bước tiếp.

Chuyến bay 370 của Malaysia Airlines (MH370) biến mất khỏi radar vào ngày 8/3/2014 khi đang di chuyển từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) đến điểm đến dự kiến là sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Cho đến nay, sự việc vẫn là bí ẩn lớn chưa có lời giải đáp trong lịch sử ngành hàng không.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-khap-the-gioi-tim-kiem-manh-vo-mh370-post1463862.html