Đi kiện đòi nợ thì bị xem xét tội hình sự

Sau khi án sơ thẩm có hiệu lực, nguyên đơn bị điều tra về hành vi cho vay lãi nặng tương đương 108%/năm, vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định.

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử giám đốc thẩm, hủy một bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản của TAND huyện Chợ Lách, Bến Tre để xử hình sự nguyên đơn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trước đó, ngày 23-10-2018, TAND huyện Chợ Lách chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Minh Tâm, buộc vợ chồng bà Trần Thị P liên đới trả cho bà Tâm nợ gốc và tiền lãi, tổng cộng là 326 triệu đồng. Án sơ thẩm có hiệu lực.

Ngày 20-3-2020, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Chợ Lách đề nghị giám đốc thẩm bản án này với lý do hành vi cho vay của bà Tâm có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS 2015 nên cơ quan này đã khởi tố vụ án.

Ngày 3-9-2020, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy một phần bản án, chuyển hồ sơ cho CQĐT xử lý bà Tâm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Năm 2017 và 2018, bà Tâm và vợ chồng bà P ký ba hợp đồng vay. Trong ba hợp đồng thì có một hợp đồng vay 150 triệu đồng, với lãi suất 9%/tháng. Sau khi trừ đi số tiền lãi phù hợp quy định pháp luật thì số tiền lãi không hợp pháp của hợp đồng vay tiền này là 33 triệu đồng.

Xử giám đốc thẩm mới đây, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định hành vi cho vay với lãi suất 9%/tháng, tương đương 108%/năm là vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Phần quyết định của bản án sơ thẩm không tuyên số tiền bị đơn phải trả cụ thể cho từng hợp đồng, mà lại cộng toàn bộ tiền gốc và lãi của cả ba hợp đồng để tuyên buộc vợ chồng bị đơn liên đới trả nợ. Án tuyên như vậy khiến không thể thi hành án đối với khoản tiền nợ gốc và lãi của hai hợp đồng hợp pháp.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án để giải quyết sơ thẩm lại đối với từng hợp đồng vay cụ thể. Cấp giám đốc thẩm cũng lưu ý rằng khi thụ lý, giải quyết lại vụ án, TAND huyện Chợ Lách cần tách phần tranh chấp hợp đồng vay tiền đã có quyết định khởi tố vụ án.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/di-kien-doi-no-thi-bi-xem-xet-toi-hinh-su-968941.html