Đi lại nhiều, một phụ nữ bị thoái hóa khớp gối nặng

Do đi lại thường xuyên, bệnh nhân bị mỏi gối rồi sau đó đau nhức khớp gối trầm trọng, không thể đi hoặc đứng lâu dù đã sử dụng thuốc giảm đau và thuốc dán.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc – Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) kiểm tra lại tình trạng thoái hóa khớp gối của bà N.T.H. (58 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) - Ảnh: N.P

Ngày 20.3, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho hay đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nặng do đi lại nhiều. Bệnh nhân N.T.H. (58 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) đến bệnh viện trong tình trạng đau nhức khớp gối trầm trọng, không thể đi hoặc đứng lâu.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc-Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân H. bị thoái hóa khớp gối và được chỉ định điều trị bằng thuốc, kèm theo áp dụng các bài tập vật lý trị liệu.

Theo người nhà của bà H. thì công việc hàng ngày của bà là buôn bán tạp hóa nên bà đi lại rất nhiều và gây đau mỏi gối từ nhiều năm qua. Thấy đau gối, bà H. mua các loại thuốc giảm đau về uống và sử dụng thêm các loại cao dán nhưng cơn đau vẫn tái phát nhiều lần chứ không dứt hẳn. Cách đây 3 tháng, những cơn đau khớp gối trầm trọng hơn khiến bà không thể đi hoặc đứng lâu, buộc bà phải nghỉ buôn bán.

Bác sĩ Ngọc cho biết bệnh nhân H. bị thoái hóa khớp gối là do bà đi lại quá nhiều. Ngoài ra bệnh nhân này còn bị béo phì lâu năm nên áp lực lên hai khớp gối cũng lớn hơn người bình thường khiến bệnh nhân khi bị thoái hóa khớp gối dễ bị nặng hơn.

“Sau một thời gian điều trị bằng thuốc, tập vật lý trị liệu và được các bác sĩ tư vấn giảm cân nhằm giảm áp lực lên khớp, đến nay tình trạng bệnh của bà H. đã giảm được 50% - 60%. Hiện bệnh nhân đã được bác sĩ cho ngưng sử dụng thuốc nhưng vẫn tiếp tục duy trì các bài tập vật lý trị liệu phù hợp để duy trì tình trạng sức khỏe ổn định”, bác sĩ Ngọc cho biết thêm.

Theo bác sĩ Ngọc hiện có đến hơn 60% người bệnh đến khám tại phòng khám Nội cơ xương khớp gặp vấn đề về thoái hóa khớp, trong đó có nhiều người bị biến chứng khớp rất nặng. Phần lớn các trường hợp bị biến chứng khớp là những bệnh nhân ở vùng nông thôn, tự điều trị bệnh bằng phương pháp truyền miệng, các loại thuốc gia truyền, mà không tìm đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị chính xác từ các bác sĩ.

Trước tình trạng trên, bác sĩ Ngọc cho biết Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ tổ chức chương trình tư vấn về “cập nhập chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp” vào ngày 25.3 tới nhằm cung cấp cho cộng đồng kiến thức y khoa phòng ngừa thoái hóa khớp gối và cập nhật những phương pháp mới điều trị bệnh.

“Một số người bệnh có tâm lý lo ngại tác dụng phụ của thuốc điều trị cơ xương khớp, nên không đến bệnh viện khám, điều trị. Đây là quan niệm sai lầm vì trước khi kê toa thuốc, các bác sĩ đều sẽ cân nhắc kỹ tình trạng từng người bệnh, chỉ định lựa chọn thuốc hiệu quả và ít tác dụng phụ nhất. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thường xuyên theo dõi và chỉnh sửa liều thuốc phù hợp qua từng giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân bị thoái hóa khớp mà không được điều trị kịp thời thì nguy cơ bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, khả năng đáp ứng điều trị thuốc kém hơn so với lúc vừa mới mắc bệnh, dẫn đến việc phục hồi chức năng khớp gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

Hồ Quang

Nguồn Tổ Quốc: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/di-lai-nhieu-mot-phu-nu-bi-thoai-hoa-khop-goi-nang-84238.html