Đi lễ Rằm tháng Giêng tại Đền Voi Phục: Đã văn minh hơn

Đền Voi Phục - Thủ Lệ là trấn thiêng ở phía Tây của Kinh thành Thăng Long xưa, được rất nhiều người dân Thủ đô chọn đi lễ đầu năm để cầu an, cầu may mắn tài lộc cho cả năm. Vào ngày Rằm tháng Giêng năm nay, theo ghi nhận của phóng viên, người dân Thủ đô đi lễ tại đền Voi Phục đã trật tự, văn minh khác hẳn nhiều năm trước.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tượng mê tín dị đoan, bói toán, đốt vàng mã tại đây hầu như không có. Người dân cũng mang rất ít lễ vật với tâm thế giản dị. Mặc dù là Rằm tháng Giêng nhưng số lượng người đi lễ không nhiều. Điều đó cho thấy các cơ quan, đơn vị đã bắt tay vào làm việc nghiêm túc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Hiện tượng cán bộ công chức đi lễ giờ hành chính đã giảm đáng kể.

Cô Nguyễn Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Tôi quan niệm đi lễ đền chùa đầu năm để cầu bình an, giúp cho lòng thanh tịnh. Vì thế tôi chỉ thích đến những nơi ít người, ít nhang khói, tránh chen chúc, xô bồ. Tôi cũng không mua vàng mã, rải tiền lẻ ở khắp nơi mà gửi tiền công đức".

Tại đây không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đông đúc quá tải khi đi lễ ngày Rằm tháng Giêng.

Ban Quản lý đền Voi Phục luôn cắt cử bảo vệ trông coi di tích, nhắc nhở người dân đi lễ đúng cách và kiên quyết khi xử lí kịp thời những hành vi lệch chuẩn về văn hóa ở chốn linh thiêng. Điều đó đã góp phần quan trọng để xây dưng văn hóa khi đi lễ đền chùa và nâng cao nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người dân đối với di sản, di tích.

Không có hiện tượng đốt vàng mã, thắp hương nghi ngút trong sân đền.

Người dân cũng không cúng nhiều lễ vật, chủ yếu thành tâm kinh bái.

Đền Voi Phục - Thủ Lệ được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh 1065. Thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương. Ngài là Hoàng tử, con của vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Hạo Nương.

Hoàng tử là một dũng tướng, có công lớn đánh giặc Tống xâm lược nước Đại Việt ta ở thế kỷ XI. Trận chiến thắng tiêu biểu ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ở Bắc Ninh) đánh tan ý chí xâm lược của giặc Tống và tiêu diệt 5 vạn binh mã giặc. Sau đó, hoàng tử về sống ở Thị Trại (Thủ Lệ) và hóa tại đây. Trước khi hóa, người gối đầu lên phiến đá thiêng, để lại một vết lõm, hiện thờ ở trong cung cấm, được nhà vua sắc phong "Thương Đẳng Phúc Thần".

Hiện nay, có 269 nơi chung thờ trong cả nước. Vị nhân thần thời Lý được suy tôn Đức Thánh Linh Lang - anh hùng lịch sử, công danh hiển hách, dũng tướng chống giặc ngoại xâm, giữ cho "Quốc thái dân an". Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông từ phương Bắc xuống nước ta. Ngài được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Thần". Đến thời Lê Trung Hưng, Đức Thánh cũng hiển linh, giúp vua Lê và tướng sĩ dẹp nội phản. Được Triều Lê sắc phong mỹ tự "Phối đổng thiện địa, Vạn cổ lưu truyền".

Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích đền Voi Phục được UBND quận Ba Đình trùng tu, tôn tạo. Cùng với đó, ngôi điện thờ Mẫu được phục dựng theo nguyên mẫu từ cung Vinh Hoa, do vua Lý Thánh Tông xây dựng. Trong cung thờ tam tòa Thánh Mẫu và bà Vương phi Hạo Nương - người đã sinh hạ hoàng tử Hoàng Lang. Ở Công Đồng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế - Vua cha Bát Hải - Vua cha Diêm Vương... tất cả gồm 23 pho tượng đồng. Toàn bộ khuôn viên thờ cũng đặc biệt tâm linh "Tiền thờ Thánh, hậu thờ Mẫu", mang nhiều dấu ấn lịch sử linh thiêng.

P.B

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/di-le-ram-thang-gieng-tai-den-voi-phuc-da-van-minh-hon-87365.html