Đi ngược lại các cam kết, phá vỡ lòng tin của dư luận

Mới đây, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đề xuất chính sách 'đường biên' mới, trong đó đưa ra yêu sách phi lý chiếm trọn Biển Đông bằng cách nối liền đường 9 đoạn. Về vấn đề này, Đại Đoàn kết đã ghi lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu.

Ông Trần Công Trục.

PV: Nhận định về việc Trung Quốc nối liền đường lưỡi bò, nhiều chuyên gia cho rằng, họ thể hiện rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Trần Công Trục: - Việc từ đường lưỡi bò đứt đoạn giờ họ nối lại thành một đường về bản chất không có gì thay đổi. Nó thể hiện yêu sách của Trung Quốc trên biển vẫn bị thế giới lên án, phê phán là thiếu cơ sở khoa học, không xác định được tọa độ. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, đây là nét vẽ phóng tay của họa sĩ, thể hiện sự hoang đường.

Xét về mặt pháp lý, thông thường khi xác định các vấn đề trên biển, người ta không bao giờ vẽ như đường biên giới trên đất liền.

Trên biển thường công bố tọa độ của hệ thống đường cơ sở để người ta xác định được cơ sở các điểm sau đó xem tọa độ, đưa lên hải đồ mới đăng ký tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc về tọa độ đó.

Khi đi biển, trên cơ sở tọa độ đó xác định ra phạm vi của các vùng biển như vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa đến đâu… chứ không bao giờ người ta vẽ một con đường biên giới trên biển. Đó là điều cho thấy sự bất cập của Trung Quốc về mặt phương diện kỹ thuật bản đồ.

Thứ 2, đường liền ký hiệu vẽ đó là ký hiệu của đường biên giới quốc gia, nó giống ký hiệu đường biên giới trên đất liền.

Đã gọi là đường biên giới trên biển thì theo Công ước quốc tế Luật Biển 1982 chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển được quy định không quá 12 hải lý.

Thế nhưng với đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ bao gồm trên 90% Biển Đông thì có nghĩa muốn toàn bộ vùng biển này như là lãnh hải của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, đường liền hay đứt đoạn là phục vụ cho mục đích tuyên truyền là chính, để làm cho dư luận không hiểu về luật pháp, không đi sâu không nắm được các bản đồ, tạo ra một ấn tượng rằng, Trung Quốc có chủ quyền hoàn toàn trong đường lưỡi bò, như vậy họ đạt được mục đích về tuyên truyền.

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, trong đó có việc đưa vũ khí, tên lửa ra các đảo của Việt Nam tại Biển Đông, sẽ gây hậu quả gì trong khu vực, thưa ông?

- Điều này gây ra hậu quả rất lớn vì đây là hành động trái với tất cả những gì mà các nước mong muốn là cần giải quyết bằng giải pháp hòa bình, không được quân sự hóa.

Trên mặt trận ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng họ sẵn sàng ngồi lại đàm phán hòa bình, không muốn gây ra xung đột, không muốn gây chiến tranh.

Trung Quốc tiên phong vấn đề này, nhưng thực tế họ lại làm ngược lại. Điều này phá vỡ lòng tin của dư luận các nước trong khu vực trước tuyên bố của Trung Quốc.

Nguy hiểm hơn nó thúc đẩy các nước phải chạy đua vũ trang, vì không còn cách nào khác, muốn bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình người ta phải tăng cường hơn nữa sức mạnh quốc phòng.

Đó là hậu quả rất nguy hiểm. Nếu không có những giải pháp, dư luận các nước khác không có tiếng nói thống nhất để ngăn ngừa kiểm soát vấn đề này thì khả năng xung đột có thể xảy ra.

Việt Nam cần ứng xử thế nào trước hành động của Trung Quốc, thưa ông?

- Các nước có liên quan trong đó có Việt Nam đã từng lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc, nhưng theo tôi phải làm cho dư luận hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Đồng thời chúng ta có sự bình tĩnh, đoàn kết để đấu tranh loại bỏ hành động của Trung Quốc, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.

Đồng thời không nên quên rằng chúng ta cần phải duy trì bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, quốc tế. Chiến tranh là vấn đề không chỉ chúng ta mà cả loài người đều lo ngại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Quốc không có cơ sở đòi chủ quyền trên Biển Đông

Nối liền đường 9 đoạn đường lưỡi bò theo chuyên gia Dương Danh Dy, Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Đây không phải lần đầu Trung Quốc thực hiện những hành vi này mà trong nhiều năm qua họ liên tục có hành động gây hấn trên Biển Đông.

“Tuy nhiên, dù là nét vẽ 9 đoạn hay việc nối liền thành một đường của Trung Quốc cũng không phải là cơ sở pháp lý để họ đòi chủ quyền trên biển” - ông Dương Danh Dy khẳng định.

Không “đòi chủ quyền” trên giấy tờ mà trên thực địa Trung Quốc đã có những hành vi bất chấp luật pháp như, đã lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không cho 3 tiền đồn trên Biển Đông; hay đã không ít lần tổ chức tập trận trên khu vực; thậm chí còn tổ chức bắn đạn thật. Điều đó cho thấy Trung Quốc không làm đúng với những gì họ tuyên bố.

Về phản ứng của Việt Nam trước những việc làm này của Trung Quốc theo ông Dy, chúng ta phải tiếp tục có những tiếng nói thống nhất, phản ứng quyết liệt đối với hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã đi trái với các thỏa thuận cũng như nguyện vọng của nhân dân các nước trong khu vực.

“Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải đấu tranh mạnh mẽ có hiệu quả tại các diễn đàn đa phương của khu vực (ASEAN) hay quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEM... Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực với những bước leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông mà phía Trung Quốc gây ra là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc”, ông Dy nói. “Chúng ta cần phải mạnh dạn đưa ra những thông tin, bằng chứng về hành động ngang ngược, sai trái của Trung Quốc để nhân dân, cộng động quốc tế thấy rõ và ủng hộ Việt Nam” - ông Dy cho biết.

“Điều quan trọng hơn cả mà cá nhân tôi thấy là Việt Nam cần phải tiếp tục đấu tranh khôn khéo để Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”, ông Dương Danh Dy nói và mong muốn không chỉ nhân dân trong nước mà người Việt Nam ở nước ngoài cùng đoàn kết, lên tiếng mạnh mẽ để phản đối hành động ngang ngược, sai trái đó của Trung Quốc.

Nguyên Khánh (ghi)

Đường chữ U không có cơ sở pháp lý

Liên quan đến việc Trung Quốc vẽ bản đồ đã nối đường chín đoạn thành một đường chữ U liền trên Biển Đông và đề cập đến tính pháp lý của việc vẽ bản đồ hình chữ U, PGS TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, cái chính là đường chữ U không có cơ sở pháp lý, không có tọa độ địa lý. Mỗi bản đồ vẽ một khác.

Cụ thể bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc năm 1947 khác các bản đồ sau này của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trung Quốc chưa bao giờ giải thích ý nghĩa đường lưỡi bò vì họ không thể giải thích được và bị dư luận rộng rãi trên thế giới chỉ trích.

Ngay trong nội bộ Trung Quốc có không ít học giả phê phán cái sai, cái phi pháp lý của đường lưỡi bò. Gần đây con đường phi lý này đã bị Tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ. Do vâỵ̣, Trung Quốc rất lúng túng, không trả lời được dư luận. Việc các học giả kiến nghị nối liền các đoạn lại càng thể hiện thế lúng túng, thế khó xử của Trung Quốc.

Theo ông Huân, rõ ràng đây là một động thái làm phức tạp tình hình, làm cho dư luận phải chạy theo những sự thay đổi. Đề cập đến việc Việt Nam cần phải làm gì để đấu tranh hiệu quả với hành động này, ông Huân nhấn mạnh: “Chúng ta nên tiếp tục phê phán sự bất nhất của Trung Quốc và tiếp tục phê phán tính thiếu cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò”.

H. Mai (ghi)

Lục Bình (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/di-nguoc-lai-cac-cam-ket-pha-vo-long-tin-cua-du-luan-tintuc403503