Di sản 20 năm cầm quyền của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thông báo từ chức sau gần 20 năm lãnh đạo quốc đảo này, để lại di sản đồ sộ về kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong đơn từ chức gửi Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam hôm 13-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo sẽ chính thức từ chức vào hôm nay (15-5) sau 20 năm lãnh đạo quốc đảo sư tử này.

Nhiệm kỳ của Thủ tướng Lý đã để lại dấu ấn lớn trong chính trường Singapore cũng như trong đời sống xã hội của nước này, theo kênh Channel News Asia (CNA).

Di sản chính trị và kinh tế

Các nhà phân tích chính trị nói với CNA rằng Thủ tướng Lý đã định hình bối cảnh chính của Singapore một cách đáng kể. TS Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS, Singapore), nói rằng dưới thời ông Lý, Singapore đã cải thiện sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách.

PGS Bilveer Singh, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị tại ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng ông Lý đã giúp chính phủ Singapore “có trách nhiệm hơn với cử tri” bằng cách tăng cường vai trò của phe đối lập.

Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 2020, ông Lý chính thức chỉ định lãnh đạo đảng Công nhân Pritam Singh làm lãnh đạo phe đối lập, nói rằng điều này phản ánh mong muốn của người dân về sự đa dạng của tiếng nói trong quốc hội.

 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: BLOOMBERG

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: BLOOMBERG

Về kinh tế, trong 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của ông Lý, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 228 tỉ đô la Singapore năm 2004 lên 532 tỉ đô la Singapore năm 2024 (tương đương từ 168 tỉ USD lên 392 tỉ USD).

Tổng thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Singapore cũng tăng từ 2.326 đô la Singapore (1.700 USD) lên 5.197 đô la Singapore (3.800 USD).

Dưới sự giám sát của ông Lý, Singapore có mức độ bất bình đẳng thấp hơn, với hệ số Gini sau thuế giảm từ 0,42 xuống 0,37. Hệ số Gini đo lường khoảng cách giữa người giàu và người nghèo của một quốc gia, theo thang điểm từ 0 tới 1.

Lượng hành khách đến sân bay hàng năm ở Singapore cũng tăng hơn gấp đôi trong hai thập niên qua, từ 14,3 triệu lên 29,5 triệu lượt.

Ông Lý cũng đưa Singapore trở thành điểm nóng du lịch của thế giới, với lượng du khách hàng năm tăng từ 8,3 triệu lên 13,6 triệu trong thời gian ông tại nhiệm.

Nền kinh tế Singapore cũng được hưởng lợi nhờ sự gia tăng các hiệp định thương mại tự do, từ chỉ 5 hiệp định trong năm 2004 lên tới 27 hiệp định hiện nay.

“Nếu được hỏi đâu là di sản lâu dài nhất của ông Lý, thì đó có thể là sự kết hợp giữa việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế và chính trị quốc gia trong suốt đại dịch COVID-19 và sự chuẩn bị tỉ mỉ để chuyển giao quyền điều hành chính phủ một cách suôn sẻ cho người kế nhiệm” - PGS Bilveer Singh, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.

Di sản về xã hội và cơ sở hạ tầng

Theo TS Koh, chính phủ của ông Lý đã đi trước thời đại trong việc giải quyết vấn đề phân biệt giai cấp và chủng tộc.

Bên cạnh đó, ông Lý cũng đã cải cách hệ thống giáo dục ở Singapore theo hướng hiện đại hơn, mở ra cho học sinh nước này nhiều con đường học tập đa dạng thay vì lối học tập theo hướng nặng về học thuật như truyền thống.

Chính phủ ông Lý đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, với chi tiêu hàng năm cho giáo dục tăng từ 5 tỉ đô la Singapore (3,7 tỉ USD) vào năm 2004 lên 12,9 tỉ đô la Singapore (9,5 tỉ USD) vào năm 2022.

Số lượng trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tăng từ 722 vào năm 2004 lên 2.470 trung tâm ở thời điểm hiện tại.

Bà Nydia Ngiow, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược BowerGroupAsia tại Singapore, nhận định rằng ông Lý đã cho thấy sự cấp tiến khi đưa ra một loạt gói hỗ trợ, bao gồm phát tiền mặt, phiếu mua hàng và phiếu giảm giá để giúp người dân Singapore đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Bà Ngiow lưu ý rằng Singapore có truyền thống nhấn mạnh khả năng tự lực và hỗ trợ có mục tiêu ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng. Chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó, chính phủ của Thủ tướng Ngô Tác Đống ủng hộ việc giảm thuế thay vì phát tiền mặt để giúp người dân và doanh nghiệp.

“Việc tiếp tục phát tiền mặt kể từ năm 2020 mặc dù kinh tế phục hồi đáng kể cũng báo hiệu sự sẵn sàng của ông Lý trong việc thực hiện nhiều biện pháp phúc lợi xã hội hơn” - bà Ngiow nói.

Chi tiêu hàng năm của chính phủ Singapore cho chăm sóc sức khỏe trong thời gian ông Lý làm thủ tướng đã tăng gần 10 lần, từ 1,6 tỉ đô la Singapore (1,2 tỉ USD) năm 2004 lên 15,9 tỉ đô la Singapore (11,7 tỉ USD) vào năm 2022.

Trong thời gian ông Lý cầm quyền, dân số Singapore đã tăng từ 4,2 triệu lên 5,9 triệu người. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh ở Singapore trong thời gian ông Lý đương nhiệm giảm từ 1,26 xuống 0,97 - mức thấp nhất lịch sử.

Tuổi thọ trung bình của người dân tăng đáng kể, từ 79,6 tuổi vào năm 2004 lên 83 tuổi vào năm 2022.

 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm một khu chợ ở Singapore. Ảnh: CNA

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm một khu chợ ở Singapore. Ảnh: CNA

Nhiệm kỳ của ông Lý cũng chứng kiến sự bùng nổ cơ sở hạ tầng ở Singapore. Trong 20 năm qua, số lượng căn hộ HDB (chung cư cao cấp do các công ty tư nhân xây dựng) ở đảo quốc này đã tăng từ 878.000 lên 1,1 triệu căn.

Chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm của Singapore cũng tăng gấp đôi trong thời gian ông Lý lãnh đạo đất nước, từ 128 km lên 259 km.

Hoạt động hàng hải của Singapore bùng nổ không kém với lượng container qua các cảng của nước này tăng từ 21,3 triệu container/năm lên 39 triệu container/năm trong 20 năm qua.

Bà Ngiow lưu ý rằng vị thế của Singapore như một trung tâm kinh tế, du lịch và thương mại toàn cầu đã được nâng cao nhờ nhiều dự án cơ sở hạ tầng chiến lược của nhà lãnh đạo Singapore.

“Đứng đầu trong số này là sự phát triển của Sân bay Jewel Changi. Ban đầu được hình thành nhằm mở rộng năng lực hàng không, nhưng nhờ tích hợp với các cơ sở bán lẻ và giải trí đã biến nơi đây thành điểm đến được du khách yêu thích” - theo bà Ngiow.

Cũng theo bà Ngiow, một siêu dự án khác do Thủ tướng Lý khởi xướng là là Cảng Tuas, dự kiến hoàn thành hoàn toàn vào năm 2040, sẽ giúp tăng gấp đôi năng lực hàng hải của Singapore.

Một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng

CNA dẫn lời cựu nghị sĩ Ang Hin Kee, người từng làm việc bên cạnh ông Lý từ năm 2011 đến năm 2020, nói rằng mặc dù ông Lý Hiển Long làm việc “dựa trên bằng chứng” nhưng ông cũng coi trọng cảm nhận của mọi người.

Ông Ang nói thêm rằng ông Lý là người tinh tường trong việc để ý các chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, ông Lý đã lo lắng về thang máy tại một cơ sở địa phương, lo rằng liệu những người dân lớn tuổi không nói tiếng Anh có nhận được sự quan tâm đầy đủ hay không.

Bên cạnh đó, những người thân cận cũng ca ngợi Thủ tướng Lý vì trái tim ấm áp của ông. Ông Gerald Singham, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Công dân (một cơ quan đóng vai trò cầu nối giữa người dân Singapore và chính phủ), kể lại rằng khi có nhân viên nào trong ủy ban bị bệnh, ông Lý đã trực tiếp đến bệnh viện thăm hoặc gọi điện hỏi thăm nếu ông bận.

Vị thủ tướng cũng đến viếng nếu người thân của các nhân viên của ông qua đời. “Ông ấy thường đến viếng một cách thầm lặng trong đêm, không có phương tiện truyền thông đi theo hay bất cứ thứ gì cả. Ông ấy không đến để phô trương, ông ấy chỉ lặng lẽ đến thôi” - ông Singham chia sẻ.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/di-san-20-nam-cam-quyen-cua-thu-tuong-singapore-ly-hien-long-post790154.html