Di sản biến mất!

Sơ bộ đến năm 2000, chúng ta có hơn 1.000 di tích thời Ðông Sơn, thế nhưng, chưa đầy 20 năm sau, đến đầu năm 2019, đã có 50% số di tích thuộc thời đại này bị biến mất. Chỉ tính riêng tại địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, 90% số di tích thuộc thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương đã bị xóa sổ! Những thống kê đáng chú ý này vừa được công bố tại hội thảo khoa học quốc gia Thời Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang có nguy cơ biến mất do đô thị hóa. Ảnh: TUYẾT LOAN

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang có nguy cơ biến mất do đô thị hóa. Ảnh: TUYẾT LOAN

Sơ bộ đến năm 2000, chúng ta có hơn 1.000 di tích thời Ðông Sơn, thế nhưng, chưa đầy 20 năm sau, đến đầu năm 2019, đã có 50% số di tích thuộc thời đại này bị biến mất. Chỉ tính riêng tại địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, 90% số di tích thuộc thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương đã bị xóa sổ! Những thống kê đáng chú ý này vừa được công bố tại hội thảo khoa học quốc gia Thời Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội.

Trong niềm nuối tiếc vô hạn về sự biến mất của các di tích có giá trị, hai cái tên được nhiều nhà khoa học nhắc đến nhiều là di tích Phùng Nguyên (Phú Thọ) có ý nghĩa mở đầu cho thời kỳ tiền Hùng Vương và di tích Ðông Sơn (Thanh Hóa) là minh chứng cho đỉnh cao của văn hóa Ðông Sơn thời các vua Hùng. Bởi nếu bảo tồn được các di tích này, giá trị của nó không chỉ nằm trong khuôn khổ của quốc gia, mà xứng đáng là di sản tầm thế giới.

Ðáng tiếc, sự biến mất của các di sản văn hóa (bao gồm: cảnh quan, di tích, các hiện vật...) không còn là câu chuyện mới mẻ. Tình trạng này đã diễn ra dai dẳng nhiều năm, với những cách thức không giống nhau, song đều đưa đến một kết cục chung, hết sức đau xót. Một thí dụ điển hình có thể kể đến trong việc di sản bị xâm hại và tàn phá nặng nề, đó là Quần thể di tích Cố đô Huế. Ðược UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993, từ hàng chục năm qua nơi đây đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Vậy nhưng Quần thể di tích Cố đô Huế cũng đồng thời là "điểm nóng" của nạn xâm hại di sản. Hàng loạt di tích như lăng Khải Ðịnh, Chùa Thiên Mụ, Trường Quốc Tử Giám, Phu Văn Lâu,... bị đào bới, đập phá, ăn cắp cổ vật. Sự việc mộ một phi tần của Vua Tự Ðức đã bị một công ty san ủi để phục vụ cho dự án bãi đỗ xe năm 2017 cũng đã gây xôn xao dư luận, song vấn nạn xâm hại di sản ở đây vẫn chưa thể ngăn chặn. Tương tự tại Hà Nội, với khoảng 6.000 di tích lịch sử, hiện có tới hơn một phần ba số di tích đã bị hủy hoại, xuống cấp. Từ các vụ việc thời gian qua, có thể thấy nguyên nhân chính là do những bất cập trong công tác bảo vệ, bảo tồn di sản; sự thiếu hiểu biết, tùy tiện, vô trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân đã và đang khiến các di sản dần bị biến mất, vô phương cứu chữa.

Từ lâu các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng việc đánh mất di tích lịch sử đồng nghĩa với việc đánh mất trí nhớ của dân tộc. Trí nhớ ấy chính là sự kết tinh bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc,... mà thế hệ trước trao truyền lại cho thế hệ sau. Bởi vậy, không thể không lo ngại tình trạng xuống cấp, làm biến dạng, tiến tới là nguy cơ các di tích dần bị xóa sổ. Sự mất mát này là không thể bù đắp, bởi vậy ngay từ bây giờ, công tác bảo tồn di sản cần được ưu tiên ở mức độ cao nhất. Theo đó, ngành văn hóa cần sớm thống kê, phân loại di tích để có biện pháp quản lý hiệu quả. Ðồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ban quản lý di tích, chính quyền địa phương, cùng các cấp, các ngành có liên quan. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân địa phương và khách du lịch. Chỉ khi cả cộng đồng ý thức một cách đầy đủ tính cần thiết và cấp bách của công tác bảo tồn di sản, nạn biến mất di sản mới có thể ngăn chặn một cách hiệu quả.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41701202-di-san-bien-mat.html